Nhóm các nhà khoa học Israel của Trường ĐH Tel Aviv do TS.Iossi Mandel đứng đầu đã nghiên cứu hồ sơ y tế của 276.000 người đã phục vụ trong lực lượng vũ trang nước này. Các bác sĩ nhãn khoa đã phân tích số liệu đo thị lực những người điều tra cả nam và nữ được khám sức khoẻ trong suốt 4 năm. Những số liệu thống kê đủ để các bác sĩ tìm ra nguyên nhân của bệnh cận thị (tỷ lệ người bị cận thị lên tới 30%) và khái quát hoá thành quy luật.
Cấu tạo của dụng cụ quang học hoàn hảo nhất - con mắt - và bản chất ánh sáng của thị giác đã làm cho các nhà khoa học Israel suy nghĩ, biết đâu nguyên nhân gây ra cận thị là do tác dụng quá mạnh của những tia sáng lên hệ thống thị giác còn quá yếu ớt của đứa trẻ sơ sinh.
Sau khi đối chiếu số đo thị lực của những người được kiểm tra sức khoẻ với ngày sinh của họ, các bác sĩ khẳng định rằng, đa số những người cận thị được sinh ra vào tháng nắng to nhất là tháng sáu và tháng bảy. Còn những người sinh vào tháng chạp, tháng giêng, trời thường râm và ngày ngắn thì tỷ lệ bị cận thị cũng thấp nhất. Từ số liệu trên, các nhà khoa học cho rằng mối quan hệ ấy có thể được giải thích là ánh nắng chói chang của mùa hè tác dụng lên võng mạc chưa ổn định của đứa trẻ, làm nó bị biến dạng ít nhiều, làm bệnh cận thị phát triển.
Các nhà khoa học Nga coi đó mới chỉ là giả thiết. Bà Irina Baradulina, bác sĩ nhãn khoa Bệnh viện “Vision” nói: "Cận thị do nhiều nguyên nhân, trong đó đáng kể nhất là nguyên nhân di truyền và nguyên nhân giải phẫu. Bệnh cận thị truyền từ thế hệ này sang thế hệ kia, thậm chí đến cả mức độ cận thị. Các nhà khoa học đã xác định được cả một quy luật thế này: những người từng bị trật khớp luôn luôn bị cận thị. Không ít người khớp xương chuyển động quá trơn tru và những người có bàn chân bẹt cũng hay bị cận thị. Cho nên không thể căn cứ vào một nguyên nhân, mà có nhiều nguyên nhân khác đã được chứng minh”.
Còn bác sĩ nhãn khoa Ekaterina Pavlova, chuyên gia giải phẫu mắt bằng tia laze phát biểu: “Nếu nhìn nhận vấn đề theo góc độ khác thì chính ánh nắng mặt trời lại có tác dụng ngăn ngừa bệnh cận thị. Thực tế cho thấy tại những nước nhiều ánh nắng mặt trời ở Nam vĩ tuyến thì tỷ lệ người cận thị bao giờ cũng ít hơn ở những nước Bắc vĩ tuyến, độ dài ngày rất ngắn. Vấn đề là ở chỗ, cường độ ánh sáng thấp buộc người ta phải “căng mắt ra” mà nhìn, có nghĩa là để rút ngắn khoảng cách giữa mặt và đối tượng. Đó mới là nguyên nhân cơ bản xuất hiện bệnh cận thị”.
Chính các nhà khoa học Israel cũng thống kê được những nguyên nhân khác của bệnh cận thị (di truyền, đặc điểm của nghề nghiệp), tuy nhiên họ cho rằng, kết luận của họ vẫn đúng. Nếu xét độ cận thị (đo bằng điôp) chia ra làm 3 mức là cận thị nhẹ (chiếm 18,8% số người đến khám bệnh), trung bình (8,7%) và nặng (2,4%) thì ở những người bị cận thị nhẹ, ngoài nguyên nhân phụ thuộc ngày sinh, còn nguyên nhân khác. Song với những người cận thị trung bình và nặng thì sự phụ thuộc ngày sinh hết sức rõ ràng.
Việc tìm hiểu nguyên nhân của bệnh cận thị là cần thiết để các nhà nhãn khoa học tìm ra các phương pháp ngăn ngừa bệnh cận thị - căn bệnh có xu hướng ngày càng tăng.
Theo thống kê trên toàn thế giới, cứ 3 người thì có một người bị cận thị. Bệnh thường xuất hiện ở độ tuổi từ 7 đến 15, sau đó, hoặc nặng lên, hoặc giữ nguyên và đến một tuổi nào đó, tuỳ người, sẽ bắt đầu giảm xuống.