Đứa con đầu lòng của anh Nguyễn Văn Thủy (SN 1989, thôn La Xuyên, xã Yên Ninh, huyện ý Yên, tỉnh Nam Định) ra đời tại bệnh viện Sản - Nhi tỉnh Ninh Bình. Một bé trai nặng gần 4kg vừa cất tiếng khóc chào đời thì được bác sỹ thông báo tử vong.
Bà Nguyễn Thị Thanh (1967, bà nội cháu bé) chia sẻ: “Hôm đó là ngày 13/04/2014, khi cháu lên bàn đẻ, tôi đã cảm thấy có điều gì bất an. Tôi càng bất an hơn khi được bác sỹ thông báo tử cung cháu đã mở một phân và đã tiến hành bấm vỡ ối cho dễ đẻ". Khi bà hỏi hộ lý tại sao không cho con dâu bà đẻ mổ, cô hộ lý tư vấn sẽ cho cháu đẻ chỉ huy bằng cách tiêm một mũi thuốc 800 nghìn đồng, nếu không đẻ được mới phải mổ.
Tang thương bao trùm lên gia đình anh Thủy. |
Chồng sản phụ Ninh Thị Mỹ Linh thường xuyên đưa vợ đến khám tại bệnh viện Sản - Nhi tỉnh Ninh Bình và hầu như không thấy có dấu hiệu gì bất thường nên mới yên tâm nhập viện sinh.
Sau khi sinh được 45 phút, các bác sĩ thông báo: Cháu bé khó qua khỏi vì bị suy tim bẩm sinh và phải đi chụp CT gấp. “Lúc đó, tôi nghĩ cháu đã đi rồi vì nhìn mắt nó cứng đơ, toàn thân tím tái. Tôi có hỏi bà Oanh sao để con tôi nằm lâu như vậy mà không mổ cho cháu, giờ cháu nó mới ra như này, thì được bà ấy trả lời không mổ được vì đầu nó đã xuống rồi”, bà Thanh cho biết.
Anh Thủy bức xúc bế con xuống phòng cấp cứu của bệnh viện và đã tìm hiểu được nguyên nhân: "Các bác sỹ tại đó bảo cháu đã mất và nguyên nhân tử vong do trong quá trình can thiệp Forceps, họ làm sai quy trình dẫn đến bé bị vỡ hộp sọ khi vừa mới lọt lòng”.
“Kỳ lạ hơn là khi gia đình chúng tôi gặp ông Giám đốc yêu cầu được trả hồ sơ bệnh án của cháu bé, nhưng họ đều từ chối”, anh Ninh Văn Dũng, chú ruột của sản phụ nói.
Sau khi nhận lời giải thích từ phía phòng cấp cứu của bệnh viện, gia đình anh Thủy vô cùng bức xúc nên bế cháu bé lên thẳng khoa Sản yêu cầu các bác sỹ giải thích rõ nguyên nhân dẫn đến cái chết bất thường cho con cháu mình. Đích thân ông Phạm Cầm Kỳ (Giám đốc bệnh viện) đã mời ba người đại diện vào phòng và nhận hết trách nhiệm về phía bệnh viện. ông ấy nhận lỗi để cháu bé chết là do nhân viên của mình và hứa sẽ “hỗ trợ” cho gia đình 50 triệu đồng, đồng thời yêu cầu gia đình không kiện tụng gì liên quan đến vụ việc đáng tiếc này.
Trao đổi với PV về việc ông Phạm Cầm Kỳ trực tiếp đứng ra đề nghị giải quyết tình cảm và “hỗ trợ” số tiền 50 triệu đồng cho ca tử vong bất thường trong đơn vị ông quản lý. Với thái độ khá tự đắc, ông Kỳ cho biết: “Việc bệnh viện Sản - Nhi tỉnh Ninh Bình dùng số tiền 50 triệu “hỗ trợ” cho trường hợp bé trai bị tử vong của gia đình anh Thủy là có thật. Số tiền đó được trích từ quỹ riêng do các nhân viên trong bệnh viện đóng góp. Việc “hỗ trợ” kiểu này không có gì là lạ. Bởi bệnh viện có cả một quy chế riêng bằng văn bản và chúng tôi thực hiện đúng theo chỉ đạo của ngành, đặc biệt là từ phía Liên đoàn Lao động”.
Thái độ hống hách của Giám đốc bệnh viện. |
Ngoài ra còn làm hẳn cam kết sẽ điều trị cho những sản phụ đến khi xuất viện, đảm bảo cho cả những lần sinh kế tiếp. Sự ưu đãi kỳ lạ này sẽ thu hút được sản phụ khắp cả nước về bệnh viện Sản - Nhi tỉnh Ninh Bình.
Ông Kỳ cười vui vẻ: “Đa phần đều nhận được hỗ trợ, nhưng còn tùy từng hoàn cảnh gia đình. Chúng tôi lập ra quỹ này để có thể hỗ trợ các sản phụ ở vùng sâu, vùng xa và cả những gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nữa”.
Tuy nhiên, khi chúng tôi yêu cầu được ông Phạm Cầm Kỳ cung cấp những văn bản về quy chế trên, thì ông nhất định từ chối.
Trao đổi về việc ông Phạm Cầm Kỳ yêu cầu gia đình anh Thủy giải quyết vụ việc bằng tình cảm và ký vào cam kết không kiện cáo gì về cái chết đáng tiếc của bé trai, PV được ông cho biết: “Nếu bảo đó là lỗi của bệnh viện thì thực hiện theo quy chế pháp y. Phải mổ tử thi cháu bé mới xác minh được nguyên nhân; Sau đó mới có thể kết luận được. Đằng này gia đình họ không yêu cầu gì thì chúng tôi cũng trả thi thể cháu bé về cho gia đình an táng”.
Trước đo, cũng tại BV Sản - Nhi Ninh Bình đã xảy ra sự việc bệnh nhân phản ánh bác sĩ bệnh viện này không cho bệnh nhân chuyển lên bệnh viện tuyến trên theo chế độ bảo hiểm y tế (BHYT) dù bệnh viện không có khả năng chữa trị.
Chị Tống Thị Xa Huế (trú tại Thị xã Tam Điệp, Ninh Bình) đã tỏ ra khá bức xúc, phản ánh: Con trai chị sinh năm 2011, bị mắc bệnh bại não từ nhỏ. Sau một thời gian điều trị, chị Huế nhận thấy bệnh tình của con trai mình không được cải thiện vì Bệnh viện Sản – Nhi Ninh Bình không đủ các điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị,… để điều trị.
Bệnh viện Sản - Nhi Ninh Bình giải thích: Bệnh viện Điều dưỡng – Phục hồi chức năng Trung ương không đóng bảo hiểm nên bệnh nhân không được hưởng.
Tuy nhiên, khi đến Bệnh viện Điều dưỡng – Phục hồi chức năng Trung ương, chị Huế lại được các bác sĩ ở đây cho biết là không hề có chuyện bệnh viện này không đóng bảo hiểm.
Ngoài ra, khi phóng viên đặt câu hỏi liên quan đến việc bệnh nhân phản ánh trong quá trình sinh đẻ tại Bệnh viện Sản – Nhi Ninh Bình, một số bác sĩ bệnh viện này đã chậm trễ trong việc thực hiện các thao tác kỹ thuật, khiến đứa trẻ sau khi sinh bị bại não, thì Giám đốc Bệnh viện Sản – Nhi Ninh Bình đã từ chối trả lời thẳng thừng: “Tôi không trả lời anh câu hỏi này nhé”.
Không chỉ từ chối trả lời câu hỏi của phóng viên mà ông Phạm Cầm Kỳ, Giám đốc bệnh viện Sản – Nhi Ninh Bình cũng đã có những lời lẽ “khiếm nhã” đối với người đang phỏng vấn mình khi hỏi ngược lại rằng: “Anh có bị say rượu không?”