Bệnh đau mắt ở trẻ em và cách cha mẹ cần biết để phòng tránh

( PHUNUTODAY ) - Trẻ em khi sinh ra hoặc trong quá trình lớn lên bị mắc các bệnh về mắt dẫn đến ảnh hưởng lớn đến cuộc sống, sinh hoạt. Bệnh đau mắt cực kì dễ khắc phục nếu phát hiện sớm và can thiệp kịp thời để mang lại cho trẻ đôi mắt khỏe mạnh.

 Bệnh đau mắt hột

Nguyên nhân trẻ bị đau mắt hột

Đau mắt hột là một trong các bệnh về mắt ở trẻ rất phổ biến. Mắt trẻ bị nhiễm trùng do vi khuẩn truyền nhiễm gây ảnh hưởng đến phủ kết mạc của mắt, giác mạc, và mí mắt. Nguyên nhân gây nên bệnh này là một loại vi khuẩn nhỏ ký sinh trùng xâm nhập vào mắt bé do vệ sinh mắt kém, sử dụng nguồn nước không hợp vệ sinh để rửa mắt nên dễ bị lây lan vi khuẩn. Bệnh thường phổ biến ở trẻ từ 3 – 5 tuổi và dễ lây lan qua tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với dịch tiết mắt, mũi, cổ họng hoặc với người có bệnh đau mắt hột, hay gián tiếp qua ruồi hoặc côn trùng khác.

cach-phong-tranh-benh-mat-do-cho-tre-truoc-mua-dich-b

Triệu chứng bệnh đau mắt hột

Thường bệnh đau mắt hột không có nhiều triệu chứng rõ ràng mà còn tùy thuộc vào mức độ bệnh mà có những triệu chứng khác nhau. Tuy nhiên, nếu trẻ bị đau mắt hột thì thường có các triệu chứng như bé thường chảy nước mắt, tấy đỏ vùng mắt, long mi quặp, cộm mắt. Nếu không chữa trị kịp thời có thể dẫn đến suy giảm thị lực và mù lòa.

Trẻ bị đau mắt hột thường có các triệu chứng như chảy nước mắt, tấy đỏ và cộm vùng mắt

Điều trị bệnh đau mắt hột cho trẻ

Nhiều mẹ rất chủ quan khi trẻ mắc bệnh này và tự ý mua thuốc nhỏ mắt về nhỏ cho bé. Tuy nhiên, trong thuốc nhỏ mắt có chứa các thành phần Natri sulphacetamid, Clopheniramin malea, Naphazolin nitrat, Berberin hydroclorid…là những chất không tốt cho võng mạc của trẻ nhỏ. Vì vậy, khi trẻ bị đau mắt hột, mẹ đừng nên tùy tiện dùng thuốc nhỏ mắt cho bé mà nên rửa mắt cho bé bằng nước ấm hoặc nước muối sinh lý. Nếu tình trạng bé bị đau mắt hột nặng, mẹ nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ để được tư vấn.

Bên cạnh đó, việc giữ gìn vệ sinh cho bé là vô cùng quan trọng. Mẹ cần tạo cho bé thói quen giữ vệ sinh, không dùng tay dụi mắt, dùng khăn mặt riêng cho trẻ, không nên rửa mặt bằng chậu, nên rửa mặt bằng tay dưới vòi nước sẽ tốt hơn. Vệ sinh đồ dùng cá nhân ở trường cẩn thận. Khi phát hiện trong gia đình có người đau mắt hột nên tiến hành điều trị tập thể cả gia đình để ngăn chặn lây lan.

cach-phong-tranh-benh-mat-do-cho-tre-truoc-mua-dich-a

Bệnh đau mắt trắng

Nguyên nhân trẻ bị đau mắt trắng

Trẻ bị đau mắt trắng là một dấu hiệu rất nguy hiểm. Nguyên nhân của chứng bệnh này thường là những chứng bệnh vô cùng nguy hiểm như đục thủy tinh thể, ung thư võng mạc hay nhiễm ký sinh trùng của loài chó…. Nếu không tiến hành điều trị sớm thì trẻ có thể bị hỏng mắt.

Triệu chứng trẻ bị đau mắt trắng

Hầu hết, trẻ bị đau mắt trắng không có triệu chứng rõ rệt như không đau nhức, nhìn vào không thấy gì đặc biệt. Bệnh chỉ được phát hiện khi tình cờ đi khám một bệnh khác. Do đó, bố mẹ cần chú ý thường xuyên theo dõi đôi mắt của trẻ. Nếu thấy đồng tử mắt có ánh màu trắng thì cần nghĩ ngay đến việc trẻ bị đau mắt trắng và cần đưa trẻ đi khám ngay.

Trẻ bị đau mắt trắng phải làm sao?

Khi trẻ mắc bệnh này, mẹ bắt buộc phải đưa trẻ đến gặp bác sĩ. Nếu nguyên nhân gây đau mắt trắng là do đục thủy tinh thể thì bác sĩ nhãn khoa sẽ phẫu thuật thay thủy tinh thể nhân tạo, trẻ có thể nhìn thấy bình thường. Nếu do ung thư võng mạc thì thực hiện siêu âm, chụp CT scan, MRI để xác định bệnh và tùy thuộc vào giai đoạn bệnh cũng như kích thước của khối u, và điều trị bằng tia, hóa trị hay múc bỏ mắt, làm lạnh đông,…

Bệnh đau mắt đỏ ở trẻ em

Nguyên nhân trẻ bị đau mắt đỏ

Đau mắt đỏ hay còn gọi là viêm kết mạc cấp được gây ra do virus Adenovirus hoặc do vi khuẩn như liên cầu, tụ cầu, phế cầu gây ra. Bệnh thường gặp vào mùa hè đến cuối mùa thu, khi thời tiết từ nắng nóng chuyển sang mưa, độ ẩm không khí cao, khi giao mùa…

Vào thời điểm thời tiết vừa nắng nóng vừa chuyển sang mưa như thế này thì trẻ rất hay bị nhạy cảm với thời tiết nên dễ bị mệt mỏi, hệ thống miễn dịch yếu nên dễ bị nhiễm bệnh. Bên cạnh đó, môi trường nhiều khói bụi, vệ sinh kém, sử dụng nước ô nhiễm, dùng chung khăn mặt, gối… cũng là điều kiện thuận lợi cho bệnh bùng phát.

Vào thời gian này, trẻ rất dễ mắc bệnh đau mắt đỏ hay còn gọi là viêm giác mạc cấp do hệ thống miễn dịch của trẻ bị suy yếu

Triệu chứng đau mắt đỏ ở trẻ

Biểu hiện chính khi trẻ bị đau mắt đỏ là mắt bị đỏ và có ghèn. Ban đầu bé sẽ bị đỏ 1 mắt trước, sau đó sẽ sang mắt thứ 2, cảm thấy khó chịu ở mắt, sau đó cộm như có cát, mắt nhiều ghỉ, buổi sáng ngủ dậy hai mắt khó mở do nhiều ghỉ mắt dính chặt. Ghỉ mắt có thể là màu xanh hoặc màu vàng tùy tác nhân gây bệnh. Mi mắt sưng nề, mọng, mắt đỏ, đau nhức, chảy nước mắt.

Trẻ thấy khó nhìn nhưng thị lực không suy giảm. Tuy nhiên, nếu để bệnh nặng thì mắt có thể bị phù đỏ, có màng trong mắt, xuất huyết dưới kết mạc…thì sẽ rất nguy hiểm.

Cách chăm sóc trẻ bị đau mắt đỏ

Đau mắt đỏ tuy là bệnh cấp tính, triệu chứng rầm rộ, dễ lây nhưng thường lành tính, ít để lại di chứng. Tuy nhiên bệnh thường gây ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt, học tập của trẻ nên mẹ cần có phương pháp chăm sóc bé đúng cách.

Lau rửa ghèn, dử mắt ít nhất 2 lần một ngày bằng khăn giấy ẩm hoặc bông, lau xong vứt bỏ khăn, không sử dụng lại. Không tự ý sử dụng các loại thuốc nhỏ mắt để nhỏ mắt cho trẻ. Mẹ nên cho bé nghỉ học, tránh đưa trẻ đến nơi đông người trong thời gian bị bệnh. Nếu bắt buộc phải ra ngoài thì nên dùng kính, khẩu trang che chắn cẩn thận nhằm tránh phát tán virus gây bệnh và cũng để bệnh không nặng thêm.

 Không cho bé đưa tay dụi mắt và nên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn. Không sử dụng các phương pháp dân gian mà đắp các loại lá lên mắt bé để tránh hiện tượng nhiễm trùng mắt cho trẻ.

Cách phòng bệnh đau mắt nói chung cho trẻ

Để hạn chế các bệnh đau mắt cho trẻ mẹ cần chăm sóc “cửa sổ tâm hồn” cho con một cách tốt nhất. Khi ra đường cần cho trẻ đeo kính để tránh khói bụi và vi khuẩn xâm nhập gây đau mắt. Không tra vào mắt lành thuốc nhỏ của mắt đang bị nhiễm khuẩn. Thường xuyên rửa tay cho trẻ bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn, không cho trẻ lấy tay dụi mắt khi tay đang bẩn.

 Mẹ có thể rửa mắt hàng ngày cho trẻ bằng dung dịch nước muối sinh lý ít nhất 3 lần mỗi ngày. Hạn chế cho trẻ đi bơi vào thời gian mầm bệnh phát tán rầm rộ, hạn chế cho trẻ tiếp xúc với những người bị đau mắt và đến những nơi chứa nhiều mầm bệnh như bệnh viện,… Bên cạnh đó, mẹ nên cho trẻ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, bổ sung vitamin C cho trẻ, vitamin nhóm B,… để tăng sức đề kháng cho cơ thể, phòng tránh các bệnh đau mắt.

Theo:  khoevadep.com.vn copy link