Trong 3 người con của ông bà Tư, người có tên dài nhất là cậu út “Lê Hoàng Hiếu Nghĩa Đệ Nhất Thương Tâm Nhân” (22 tuổi). Người chị đầu có tên là “Lê Hiếu Nghĩa Đệ Nhất Thương Tâm Nhàn” và người chị kế có tên “Lê Hiếu Nghĩa Đệ Nhất Thương Linh Phượng”.
Nhắc tới gia đình ông Lê Văn Bốn và bà Nguyễn Thị Tư (55 tuổi), ngụ xã Phước Kiểng, huyện Nhà Bè (TP HCM), người dân xung quanh lại tủm tỉm cười khi nghĩ đến những cái tên dài và "độc" ông bà đặt cho các con.
Lê Hoàng Hiếu Nghĩa Đệ Nhất Thương Tâm Nhân (bên trái). |
Trong 3 người con của ông bà Tư, người có tên dài nhất là cậu út “Lê Hoàng Hiếu Nghĩa Đệ Nhất Thương Tâm Nhân” (22 tuổi). Nhân là con trai út trong gia đình có 3 chị em. Hai người chị của Nhân cũng có tên dài chỉ kém tên cậu một chữ.
Người chị đầu của Nhân có tên là “Lê Hiếu Nghĩa Đệ Nhất Thương Tâm Nhàn” (29 tuổi) và người chị kế có tên “Lê Hiếu Nghĩa Đệ Nhất Thương Linh Phượng” (27 tuổi). Tên của cả 3 chị em Nhân đều do ông Bốn đặt từ khi các con còn trong bụng mẹ. Dù ông Bốn đã mất nhưng mỗi lần nhắc đến cái tên quá dài này, các con đều mỉm cười nhớ về ông.
Lý giải về việc đặt tên con “dài loằng ngoằng" như vậy, bà Tư cho biết: “Khi tôi mang bầu, ông nhà ngày đêm trầm ngâm suy nghĩ đặt tên con như thế nào cho ý nghĩa và hay nhất, để các con gặp nhiều may mắn trong cuộc sống. Lúc đó, tôi hỏi vì sao đặt tên dài thế, ông ấy nói mỗi từ trong cái tên đều có ý nghĩa của nó. Ông giải thích từng từ trong tên của thằng Nhân có ý nghĩa lắm, nhưng vì lâu rồi tôi cũng không nhớ nữa”, bà Tư nhớ lại.
Chàng trai có cái tên “độc” này còn gặp không ít phiền toái trong chuyện giấy tờ tùy thân. Tất cả bằng cấp, giấy tờ liên quan của Nhân như sổ hộ khẩu, giấy tờ hộ tịch, sổ điểm khi đi học, sổ học bạ, giấy khen,... cho đến nay không có cái nào ghi đầy đủ tên cả, chỉ ghi họ và tên, còn chữ lót thì viết tắt.
Hiện, Nhân đang làm việc tại một công ty ở Nhà Bè (TP HCM). Lúc mới gửi hồ sơ, công ty chú ý ngay đến cái tên quá “độc” của cậu. “Không chỉ riêng tôi được mọi người chú ý, các chị của tôi cũng rất được mọi người quan tâm bởi cái tên quá dài”, Nhân nói.
Trong số 2 chị gái của Nhân, chị Nhàn đang làm tại một xí nghiệp may, còn chị Phượng mở hiệu làm tóc tại nhà. Trước đây, các chị gái của Nhân cũng khiến mọi người ngạc nhiên vì cái tên... quá dài. “Hồi trước, tôi đi xin việc cũng bình thường, không gặp khó khăn nhưng mọi người cũng hay nhìn và bàn tán về cái tên của mình. Thật sự lúc đó cũng hơi vui vì được mọi người chú ý, lâu dần người ta cũng quen”, chị Phượng cười kể lại.
Giấy phép lái xe của Nhân vì tên quá dài nên các chữ đệm đều viết tắt. |
Vì cái tên quá dài nên thường xuyên được chính quyền địa phương triệu tập để sửa ngắn lại, thuận tiện ghi vào giấy tờ cho đầy đủ, không thừa ra ngoài chữ nào.
“Từ lúc đặt tên các con như vậy, nhất là thằng Nhân gặp nhiều chuyện cười ra nước mắt, nên mới đây, tôi quyết định đi sửa lại tên cho cả 3 đứa nhưng chỉ sửa được sổ hộ khẩu, còn các giấy tờ khác vẫn nguyên tên cũ. Tên mới của thằng Nhân là Lê Tâm Nhân”, bà Tư nói.
Còn hai người con gái của bà là chị Nhàn và chị Phượng cũng đã sửa tên lại ngắn hơn nhưng bà Tư không muốn tiết lộ.
Sở hữu một cái tên đầy đủ có... 7 âm tiết, chị Đào Thị Long Lanh Kim Ánh Dương (26 tuổi, ngụ xóm 6, xã Tân Linh, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên) lập “kỷ lục” là người có tên dài nhất tỉnh Thái Nguyên.
Nói về chuyện đặt tên con, ông Hoạt kể: “Hàng ngày tôi thường nghe Đài Tiếng nói Việt Nam và mỗi lần nghe thấy có người tên hay, tôi đều ghi lại. Khi vợ sinh con gái đầu lòng, thấy cái tên Hải Yến hay nên tôi đặt tên người con đầu là Đào Hải Yến. Đến thằng thứ hai, nghĩ đất nước có nhiều sự kiện trọng đại nên đặt con là Đào Trọng Đại. Tuy nhiên, đứa thứ ba là đứa có tên dài nhất thì chuyện bắt nguồn từ nhiều lý do”.
Theo lời ông Hoạt, đầu tiên là việc hai vợ chồng ông thi thoảng nghe đài đọc chuyện cổ tích đêm khuya, thấy cái tên nhân vật trong một câu chuyện là Bàng Thị Lung Linh Kim Ánh Hoa, ông Hoạt đã lấy làm tâm đắc vì tên nghe rất hay dù hơi... dài. Vào thời điểm những năm 1985-1986, kinh tế khó khăn nên rất nhiều hộ dân ở Đại Từ rủ nhau đi đào vàng ở Lào Cai, ông Hoạt nghe nói ở vùng đào vàng có một cô gái có cái tên khá dài với phần đuôi là Kim Nguyệt Nga gì đó nên ông lại càng muốn đặt tên cho con mình sau này dài một chút.
Sau đó, ông Hoạt về nhà để chăm sóc vợ sinh con thứ ba. Khi “mẹ tròn con vuông”, ông Hoạt liền đặt cho con cái tên Đào Thị Long Lanh Kim Ánh Dương với hai mục đích. Một là để sau này đi học, nhất định các thầy cô giáo sẽ chú ý đến con ông vì cái tên dài dằng dặc như thế. Bị chú ý đặc biệt, đương nhiên con ông sẽ phải có động lực để học hành cho tốt, nếu không sẽ bị thầy cô, bạn bè cười chê. Hai là sau khi vợ sinh con được vài tháng, ông dự định quay trở lại bãi vàng để tìm vận may lần nữa, hy vọng hai từ Long Lanh trong cái tên của con gái sẽ mang lại may mắn cho ông trong quá trình tìm kiếm vàng.
Cái tên Đào Thị Long Lanh Kim Ánh Dương quả thật đã khiến các giáo viên lấy làm lạ và chú ý. Trong cuộc kiểm tra miệng các môn học, Dương luôn là học sinh “được” gọi lên bảng nhiều nhất. Trong các sinh hoạt tập thể, cái tên của cô gái cũng đủ khiến mọi người phải ồ lên mỗi khi xướng đầy đủ. Và thật may mắn là đúng như kỳ vọng của bố mẹ, Dương không chỉ ngoan ngoãn, học giỏi mà còn rất xinh xắn. Chính vì điều này mà cái tên gắn với cô lại càng khiến nhiều người chú ý và tìm hiểu.
Nhưng cũng bắt đầu từ khi có cái tên “độc nhất vô nhị” này, Dương đã gặp không ít phiền toái. Trong tất cả các bằng cấp, giấy tờ liên quan của Dương cho đến nay chỉ duy nhất có Chứng chỉ tin học là ghi đầy đủ tất cả các chữ trong tên của cô. Còn lại, trong sổ hộ khẩu, giấy tờ hộ tịch, sổ điểm khi đi học, sổ học bạ..., tên cô chiếm “diện tích” quá lớn để viết đầy đủ tất cả các vần mà thường phải viết tắt một số ký tự để gọn hơn.
Chị Đào Thị Long Lanh Kim Ánh Dương. |
Hoặc trong các giấy khen hồi còn đi học, tên của cô thường được viết “giản lược” lại còn: Đào Thị L.L.K.Á.Dương. Hay như bằng tốt nghiệp cao đẳng, hai chữ “Long Lanh” cũng viết tắt thành “L.L” để đủ diện tích.
“Khi đi làm chứng minh thư nhân dân, mọi người đều bất ngờ với cái tên đã đành, lúc viết tên mình vào chứng minh thư, cán bộ xã phải căn dòng chữ thứ hai trong chứng minh để viết cho đủ. Thế nhưng, cuối cùng chữ Kim vẫn phải viết tắt thành K”, Dương cho biết.
Dương tiếp tục kể về những tình huống bi hài xung quanh cái tên của mình. Ngày học trường cấp 3 tại thị trấn Đại Từ, khi thầy giáo đọc tên Dương, các bạn trong lớp đều nhìn cô bằng ánh mắt thích thú vì từ trước đến nay chưa bao giờ nghe cái tên dài thế. Sau đó, các thầy cô giáo và học sinh trong toàn trường lần lượt đổ dồn về lớp của Dương để... ngắm nghía cô nữ sinh này.
Những rắc rối đó còn chưa dừng lại, khi bước vào trường Cao đẳng, môi trường học tập chuyên nghiệp nhưng sự tò mò và thích thú của các sinh viên khác trong trường khi biết tới Dương đều y nguyên như ngày cô mới đi học phổ thông, nghĩa là kéo đến giảng đường, thư viện chỉ để biết đích xác người sở hữu cái tên dài đó là ai.
Vì tên Dương dài như vậy nên bạn bè ở trường mỗi khi gọi tên cô cũng thường không gọi hết cả tên mà chỉ gọi một từ trong tên mà thôi. Khi thì “Dương ơi”, lúc lại "Long Lanh ơi”, hay lúc khác lại “Ánh Dương ơi”, có bạn còn gọi: “Tên dài ơi”... “Khổ chủ” biết là gọi mình nên tên nào cũng thưa.
Ra trường và đi làm, Dương bảo vẫn còn chưa hết rắc rối. Do công việc liên quan đến làm báo cáo thuế và kế toán, Dương thường xuyên phải giao dịch với các ngân hàng. Khi ký tên mình, các cơ sở giao dịch thường yêu cầu cô phải ký và ghi rõ họ tên chứ không được viết tắt bất kỳ chữ nào. “Ký và ghi rõ họ tên một vài chứng từ không sao, đây cả một tập cần xác nhận nên việc ghi và ký tên mình thôi cũng đủ khiến tôi mệt phờ”, Dương cười mếu.