Thông thường, khi khám chữa bệnh, người dân sẽ phải xuất trình thẻ bảo hiểm y tế để được hưởng đúng chế độ và được thanh toán chi phí theo quy định. Trước đây, việc quên hoặc mất thẻ bảo hiểm y tế có thể khiến người bệnh không được hưởng đủ quyền lợi của mình. Tuy nhiên, hiện nay, người bệnh có thể sử dụng những cách khám chữa bệnh không sử dụng thẻ bảo hiểm y tế giấy mà vẫn đảm bảo được hưởng đủ quyền lợi.
Sử dụng thẻ bảo hiểm y tế trên ứng dụng VssID hoặc VNeID
Trong trường hợp quên hoặc mất thẻ bảo hiểm y tế (BHYT), người dân có thể sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VssID hoặc VNeID để được hưởng quyền lợi khi khám chữa bệnh.
- Ứng dụng VssID
Người dân chỉ cần cài đặt ứng dụng VssID trên thiết bị di động thông minh, đăng nhập tài khoản là có thể sử dụng hình ảnh thẻ BHYT thay cho thẻ giấy thông thường.
Để đăng nhập vào VssID, người dân sẽ sử dụng mã số bảo hiểm xã hội và mật khẩu. Trong mục Quản lý cá nhân, người dùng chọn mục Thẻ BHYT. Tiếp đó, chọn "Sử dụng thẻ" (để hiển thị mã QR) hoặc "Hình ảnh thẻ" (để hiển thị hình ảnh thẻ BHYT).
- Ứng dụng VNeID
Với ứng dụng VNeID, người dân sẽ cần phải có tài khoản định danh cấp độ 2 và tích hợp thẻ BHYT.
Khi đã có đủ 2 điều kiện này, người dân có thể đăng nhập vào ứng dụng VNeID, vào mục Ví giấy tờ và chọn Thẻ BHYT để sử dụng thẻ BHYT trên ứng dụng trong quá trình làm thủ tục khám, chữa bệnh.
Sử dụng thẻ căn cước công dân gắn chip
Từ ngày 1/7/2021, người dân đã có thể sử dụng thẻ CCCD gắn chip thay cho thẻ BHYT giấy trong quá trình khám, chữa bệnh. Nhân viên bệnh viện sẽ quét mã QR code trên thẻ CCCD để nhận thông tin BHYT của người dân và tiến hành giải quyết thủ tục theo quy định.
Thủ tục cấp lại thẻ BHYT giấy
Người dân có thể thực hiện thủ tục cấp lại thẻ BHYT giấy trực tiếp hoặc online trong trường hợp bị mất thẻ. Nếu làm trực tiếp, người dân sẽ cần đến cơ quan Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh, huyện để nộp hồ sơ cấp lại thẻ BHYT. Trong 7 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ, tổ chức BHYT sẽ cấp lại thẻ mới cho người dân.