Bố mẹ là gương xấu dạy con xả rác?

06:27, Thứ hai 15/10/2012

( PHUNUTODAY ) - Tôi đã từng chứng kiến không biết bao nhiêu hình ảnh mẹ đèo con đi học rồi tiện thể vứt luôn một túi rác, họ làm như vậy trước mặt con cái thì đương nhiên con cái họ cũng làm được như vậy thôi..."

Tôi đã từng chứng kiến không biết bao nhiêu hình ảnh mẹ đèo con đi học rồi tiện thể vứt luôn một túi rác, họ làm như vậy trước mặt con cái thì đương nhiên con cái họ cũng làm được như vậy thôi..."

[links()]

Thật xấu hổ

Phạm Thủy Chung (26 tuổi, nhân viên một ngân hàng trên đường Giảng Võ, Hà Nội) giật mình khi nghe thông tin về một nhóm người Nhật cặm cụi nhặt rác tại Hồ Gươm "thật xấu hổ, vì mình là dân Việt Nam nhưng còn không yêu Việt Nam bằng người nước ngoài".

Từng sinh sống ngay tại thủ đô Mátxcơva - Nga từ khi mới lên 10 tuổi, ấn tượng ban đầu khi trở về Việt Nam khiến Chung không thể quên: "Đầu tiên là hình ảnh nhốn nháo của những hãng taxi ngay khi tôi bước xuống sân bay, tiếp đến là tiếng ồn ào và rác thải.

Nghịch lý
Nghịch lý "hãy cho tôi rác" tại Việt Nam và thùng rác đầy tính kỷ luật tại Đức. (Ảnh: Hiệu Minh - VnE)

Thời gian đầu khi về Việt Nam tôi gần như bị sốc tâm lý nặng, trước sốc vì văn hóa, sau là sốc vì môi trường sống quá ô nhiễm, bẩn thỉu mà nhiều lần tôi từng là nạn nhân.

Những vỏ chai vứt bừa bãi, những áp-phích quảng cáo, những chiếc túi ni-lon bay cuộn tròn tứ tung trên không trung bụi mù. Tôi đã rất bối rối, lắc đầu qua trái, lắc qua phải để tránh một chiếc túi ni-lon bay táp vào mặt. Tôi thấy rất lạ lẫm, nếu ở Nga đỏ mắt mới tìm được một cọng rác thì ở Việt Nam lại ngược lại.

Đây không phải lần đầu tôi gặp "tai nạn" vì rác, một lần tôi la cà trên con phố Nguyễn Du, khi tới gần một quán ăn vỉa hè, bất ngờ tôi đã được lĩnh trọn một chậu nước rửa bát do chủ quán vô ý thức hất thẳng vào người. Lạ một điều, người Việt Nam không biết nói xin lỗi, dường như văn hóa xin lỗi - cảm ơn ở Việt Nam là một thứ văn hóa xa xỉ.

Tôi uất nghẹn tận cổ nhưng không đủ dũng khí để đôi co vì sống ở nước ngoài chúng tôi chưa bao giờ gặp sự cố tương tự. Ở Nga người dân cũng không biết nói to, không biết chửi bới họ ăn nói với nhau rất lịch sự còn ở Việt Nam họ sẵn sàng nhảy xổ vào mình nếu họ muốn. Thật kinh khủng", Chung nhún mình nhớ lại.

Một câu chuyện khác được Thủy Chung kể lại, đó là trường hợp của hai mẹ lai nhau qua một khu nhà cao tầng hiện đại, khi vừa đi tới thì từ trên cao một túi ni-lon được thả tự do rơi bịch xuống đường. Chỉ thiếu một chút là có thể trúng cả hai mẹ con, Chung lắc đầu thất vọng.

Theo Chung, ở Nga không áp dụng chế tài phạt tiền đối với người vứt rác ra đường nhưng người Nga có ý thức rất cao. Trước một tập thể ai cũng có ý thức, thì tự mỗi cá nhân cũng phải có ý thức.

Chung cho biết, bản thân mình khi mới sang cũng một vài lần tiện tay vứt ra đường nhưng thấy mọi người không ai làm thế và nhìn mình chằm chằm thì tự Chung hiểu đó là việc làm đáng xấu hổ, không được hoan nghênh.

Ở Nga, người ta luôn để liền nhau 3 thùng rác, để tự mỗi người dân khi bỏ rác sẽ phân loại rác thải. Còn khi về Việt Nam nếu muốn nhặt một cọng rác để tìm chỗ vứt vào thì Chung phải lén lút bỏ vào ba lô hoặc túi xách để không bị người khác phát hiện. Bởi ở nước ngoài nếu đó là chuyện bình thường nhưng ở Việt Nam thì đó lại bị coi là hành động của người "tâm thần".

Vứt rác đúng chỗ là thần kinh?

Là du học sinh từng sinh sống và học tập bên Singapore 4 năm, Mai Thảo Nguyên (SN 86) cho biết, ấn tượng đầu tiên khác biệt hẳn ở Singapore mà ai cũng nhận ra đó là môi trường sống trong lành.

Ở Việt Nam khạc nhổ là chuyện bình thường, vứt rác thải cũng vậy thôi. (Ảnh: VnE)
Ở Việt Nam khạc nhổ là chuyện bình thường, vứt rác thải cũng vậy thôi. (Ảnh: VnE)

Theo học tại ngôi trường Cambridge Languages nằm ngay tại trung tâm thành phố trên đường Peninsula Plaza, trung tâm thành phố gần nhiều khu trung tâm, mua sắm nhưng Nguyên luôn có cảm giác mình được sống trong những khu công viên, thoáng mát, yên bình.

Nhiều cây, ghế đá, những băng rôn, khẩu hiệu thân thiện, dễ thương chứ không đỏ choét, kỳ cục như những băng - zôn khẩu hiệu ở Việt Nam.

Ở Việt Nam khạc nhổ rất nhiều, vứt rác cũng vậy. Nhưng vì sinh ra và lớn lên ở Việt Nam nên nhìn nhiều cũng thấy quen mắt chứ đi du học rồi Nguyên mới thấy hết sự nhếch nhác, bẩn thỉu thua xa các nước bạn.

Nguyên kể, "khi trở về Việt Nam, tôi vẫn giữ thói quen sinh hoạt bên Singapore, ra đường thấy tôi cầm khư khư cái túi nilon trên tay để tìm một thùng rác vứt, mọi người ai cũng nhìn tôi như vật thể lạ. Trong khi chuyện đó là rất bình thường ở Singapore thì ở Việt Nam tôi lại bị coi là bất bình thường.

Thậm chí có bạn bè còn bảo tôi bị hâm, lúc nào cũng đút rác vào túi xách, mà túi mình thì đầy rác. Tại sao phải khổ, tại sao phải làm như vậy trong khi tất cả mọi người không ai làm như vậy và ai cũng vứt rác ra đường. Nhiều lần tránh sự chú ý, tôi đã phải bí mật đút rác vào túi để mang về nhà".

Nguyên cho biết, ở bên Singapore nếu họ phát hiện một người khạc nhổ bạn sẽ bị phạt 1000USD Singapore (SGD - tương đương 18 triệu tiền Việt), vứt rác là 500 SGD (9 triệu tiền Việt). Đó là mức phạt khá cao so với thu nhập trung bình của người dân Singapore là khoảng 3000-7.000 SGD/tháng.

Hầu hết các đường phố đều được giám sát bằng các camera hoặc cảnh sát môi trường mặc thường phục. Có lẽ một phần do mức phạt quá cao cộng thêm ý thức của người dân tốt nên đường phố Singapore nổi tiếng sạch sẽ, không bụi bẩn.

Còn ở Việt Nam mặc dù đưa ra luật nhưng rồi lại để đấy có ai ra phạt đâu, có thấy ai bị phạt bao giờ đâu. Làm như vậy thì làm sao họ sợ, làm sao họ có ý thức không vứt rác thải ra đường được. Ở bên Singapore có rất nhiều quy tắc, trong khi đó ở Việt Nam thì có vô kỷ luật một chút cũng không sao, Nguyên than thở.

Theo Nguyên, việc những người Nhật sang Việt Nam nhặt rác có thể do họ có một tình cảm đặc biệt cùng với ý thức bảo vệ môi trường.

"Bản thân tôi cũng cảm thấy xấu hổ, họ làm như vậy bởi vì chính bản thân họ cảm thấy bức xúc trước những hành động vô ý thức của người dân Việt Nam nên họ phải làm như vậy. Đây có lẽ là một minh chứng thể hiện sự bất lực trong vấn đề xử lý rác thải ở Hà Nội", Nguyên cho biết.

Tuy nhiên, Nguyên cũng cảm thấy buồn vì bên cạnh ý thức của người dân Việt Nam chưa cao cũng cần phải nói đến sự giáo dục của chính những người làm cha làm mẹ.

"Tôi đã từng chứng kiến không biết bao nhiêu hình ảnh mẹ đèo con đi học rồi tiện thể vứt luôn một túi rác, họ làm như vậy trước mặt con cái thì đương nhiên con cái họ cũng làm được như vậy thôi. Cứ cái đà này, thì chắc 50 năm nữa Hà Nội mới mong cải thiện được môi trường, mới mong cải tạo được ý thức của người dân", Nguyên bức xúc.

  • Linh Thùy (ghi)
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc