Ngày 13-11, sau khi huy động hàng chục người tìm kiếm, gia đình ông Nguyễn Văn Tùng (ngụ khối 6, phường Tân Hòa, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) đã tìm được con trai tại một quán internet nên đưa về xích chân vào cột trước hiên nhà để cai nghiện game.
Trước đó, ngày 8-11, Nguyễn Tất Tiến (học sinh lớp 8, trường THCS Trần Bình Trọng, Đắk Lắk) trốn nhà ra quán internet chơi game suốt 6 ngày đêm không về.
Ông Tùng cho biết: Đây là lần thứ năm Tiến bỏ nhà đi chơi game nhiều ngày liền. Sau khi bị xích 2 ngày, Tiến được mọi người khuyên bảo nên tỏ ra ăn năn và hứa sẽ không tái phạm.
Sáng 16-11, được sự vận động của chính quyền địa phương ông Tùng đã mở khóa xích chân cho con trai. Tuy nhiên, sau khi mở xích, Tiến tắm xong liền bê tô cơm lên ngồi bên máy tính vừa ăn vừa "cày game".
“Mỗi lần cháu bỏ nhà đi chơi game là vợ chồng tôi không tài nào chợp mắt vì sợ con gặp nguy hiểm. Khi nghe thông tin con đang chơi quán này, quán kia, bất chấp đêm khuya, vợ chồng tôi lại đi tìm nhưng đến nơi thì cháu đã bỏ trốn. Lần này thấy con hứa sẽ không bao giờ tái phạm tôi đã mở xích vậy nhưng vừa mở ra cháu lại lao vào chơi game”, ông Tùng nói trong sự bất lực.
Thầy Phan Vĩnh Hiệp, Hiệu phó Trường THCS Trần Bình Trọng cho hay, Tiến có học lực khá nhưng thường xuyên bỏ học vì mê game. Nhà trường sẽ phối hợp với gia đình tìm cách phù hợp để dạy dỗ em từ bỏ game.
Trước thực trạng nhiều thanh thiếu niên vì nghiện game online ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, thậm chí đi trộm cắp, cướp giật tài sản để có tiền “cày” game... nhiều gia đình đã sử dụng các giải pháp khác nhau để giúp con “cai nghiện” game, song không phải giải pháp nào cũng hữu hiệu, thậm chí còn đẩy trẻ đến bước đường cùng...
Các trò chơi bạo lực sẽ có tác động tiêu cực đến người chơi. Với những trẻ thích chơi game, chúng thường có những biểu hiện coi thường mạng sống của mình và những người khác, hành động theo bản năng, đi ngược lại các chuẩn mực đạo đức xã hội và các quy định của pháp luật.
Do vậy, khi thấy con em mình có biểu hiện nghiện game, phản ứng đầu tiên của những bậc cha mẹ và người thân trong gia đình là giận dữ, đánh đập, mắng nhiếc thậm tệ, đồng thời tìm mọi cách để ngăn cản. Nếu những biện pháp này không có tác dụng, họ dễ tìm đến những hành động tiêu cực.
Theo Tiến sỹ tâm lý Hoàng Cẩm Tú, khi phát hiện con em mình nghiện game, phụ huynh cần bình tĩnh suy xét để có những biện pháp can thiệp hiệu quả. Họ cần hiểu rằng, để từ bỏ được việc chơi game, trẻ phải mất một khoảng thời gian khá dài, trong đó rất cần sự giúp đỡ kiên trì, bền bỉ từ những người thân trong gia đình. Thay vì đưa ra những hình phạt hà khắc có tính chất làm nhục trẻ, khiến trẻ cảm thấy bị tổn thương nghiêm trọng, cha mẹ cần gần gũi trẻ, phân tích để chúng hiểu được đúng sai, đồng thời căn cứ vào mức độ bị ảnh hưởng về thể chất, tâm thần của trẻ, phụ huynh cần khẩn trương đưa trẻ đến các cơ sở y tế để khám và có hướng điều trị thích hợp.
Những vụ khủng bố đẫm máu nhất lịch sử châu Âu (Xã hội) - (Phunutoday) - Lịch sử châu Âu không ít lần xảy ra những vụ tấn công đẫm máu của các tổ chức khủng bố khiến cho cả châu lục này luôn có những ám ảnh kinh hoàng. |