Bồn cầu và bồn rửa mặt là những nơi rất dễ bám bẩn. Chỉ sau một thời gian sử dụng, những thiết bị vệ sinh bằng sứ này sẽ chuyển sang màu ố vàng.
Bồn cầu, bồn rửa mặt dễ bị ố vàng có thể do một số nguyên nhân như nước bẩn đọng trên bề mặt sứ không được vệ sinh thường xuyên; nguồn nước nhiễm phèn, chứa các chất kết tủa bám vào thành bồn cầu; đổ đồ ăn thừa vào bồn cầu khiến dầu mỡ tích tụ nhiều và loang rộng, giữ lại chất bẩn và bám chặt vào bề mặt bồn cầu.
Để làm sạch bồn cầu không khó. Bạn có thể sử dụng ngay những nguyên liệu có sẵn trong nhà. Đó chính là muối và baking soda.
Hãy chuẩn bị 200 gram muối và một gói baking soda. Cho muối và baking soda vào hộp đựng, thêm một lượng nước thích hợp và khuấy đều để tạo thành hỗn hợp sền sệt.
Dùng bàn chải nhúng vào hỗn hợp rồi chải trực tiếp lên bề mặt sứ. Có thể dùng hỗn hợp muối này để làm sạch cả phần vòi nước inox. Để nguyên như vậy khoảng 10 phút rồi dùng bàn chải cọ lại một lần nữa cho các vết ố vàng biến mất. Sau đó, dội nước để rửa trôi toàn bộ các vết bẩn.
Với bồn cầu, bạn có thể trộn hỗn hợp muối và baking soda khô rồi rắc trực tiếp lên khắp bề mặt bồn cầu. Sau đó, lấy bàn chải cọ sạch.
Muối và baking soda có khả năng làm sạch bồn cầu rất tốt. Baking soda có tính kiềm, tác dụng tẩy rửa nhẹ. Muối ăn có tác dụng kháng khuẩn, giúp tăng độ ma sát. Do đó, khi kết hợp hai nguyên liệu này với nhau, các vết bẩn sẽ được loại bỏ một cách dễ dàng.
Ngoài ra, sử dụng nước nóng để dội lên bề mặt bồn cầu, bồn rửa mặt cũng giúp tăng khả năng làm sạch và diệt khuẩn.
Bên cạnh đó, bạn có thể pha baking soda và muối với nước nóng rồi đổ từ từ dung dịch này xuống cống thoát nước nhà tắm. Cách này sẽ giúp làm sạch đường thoát nước, tiêu diệt vi khuẩn và các loại trứng côn trùng thường ẩn náu dưới cống rãnh. Phương pháp này còn giúp khử mùi hôi bốc lên từ cống hiệu quả.