BS tiết lộ bệnh tình của Phi Nhung trước khi mất: Phổi đông đặc kèm cơn bão Cytokine, suy đa cơ quan

( PHUNUTODAY ) - Đã có lúc tình trạng sức khỏe của ca sĩ Phi Nhung có chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, do bị biến chứng nặng của Covid-19, nữ ca sĩ đã không thể qua khỏi.

Bệnh tình của Phi Nhung trước khi mất: Phổi đông đặc kèm cơn bão Cytokine

Quản lý truyền thông của Phi Nhung xác nhận với VietNamNet, ca sĩ Phi Nhung đã trút hơi thở cuối cùng vào lúc 12h15 trưa 28/9 sau hơn 1 tháng điều trị tích cực tại Bệnh viện Chợ Rẫy.

Trước đó, ngày 15/8, ca sĩ Phi Nhung nhập viện tại Bệnh viện Gia An 115. Tuy nhiên, do tình trạng chuyển nặng nên nữ ca sĩ được chuyển sang Bệnh viện Chợ Rẫy điều trị từ ngày 26/8.

TS. BS Trương Dương Tiển - Trưởng khoa Hồi sức Cấp cứu khu D bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, bệnh nhân Phi Nhung được chuyển đến khoa Hồi sức Cấp cứu Khu D Bệnh viện Chợ Rẫy lúc 21h33 ngày 26/08/2021. Khi đó, bệnh nhân có tình trạng sốc, tụt huyết áp, thở máy.

Ngay khi nhập viện, bệnh nhân được lọc máu tích cực, tối ưu máy thở và theo dõi. Đến ngày 5/9, tình trạng bệnh nhân có cải thiện tích cực, bệnh nhân tỉnh, hiểu và thực hiện được y lệnh của bác sĩ.

Có những thời điểm, bác sĩ quyết định chuyển mode thở để bệnh thân tập thở và cai máy thở.

Tuy nhiên, đêm ngày 6/9, bệnh nhân bị tràn khí màng phổi hai bên, chuyển biến xấu, nguy kịch tưởng như không qua khỏi.

Ca sĩ Phi Nhung

Ca sĩ Phi Nhung

Ngày 7/9, sau khi hội chẩn, các bác sĩ tiến hành phẫu thuật màng phổi 2 bên và đặt ECMO cho bệnh nhân. Sau can thiệp, tình trạng của bệnh nhân có cải thiện nhưng màng phổi bên phải vẫn tràn khí và chảy máu.

Ngày 24/9, ê-kíp điều trị quyết định phẫu thuật cho bệnh nhân và giải quyết tình trạng tràn khí màng phổi phải. Kết quả giải phẫu ghi nhận, mô phổi trong phổi có 2 kén bị vỡ, mô phổi đã hoại tử rải rác nhiều nơi. Bác sĩ tiến hành cắt kén và cầm máu nhưng tình trạng mô phổi đông đặc, hoại tử, nhũng nhiều nơi rất khó để cầm máu. Ê-kíp điều trị quyết định làm xẹp mô phổi để phổi phải nghỉ ngơi 1 ngày rồi mới cho thông khí trở lại.

Đêm 27/9, bệnh nhân trở nặng, tụt huyết áp. Các bác sĩ nỗ lực hồi sức cho bệnh nhân đến sáng 28/9.

Trưa 28/9, bệnh nhân bắt đầu yếu dần, tim đập rời rạc, các chỉ số sinh tồn giảm dần rồi rút hơi thở cuối cùng vào lúc 12h15.

Theo Tuổi trẻ, trước khi mất, ca sĩ Phi Nhung được chẩn đoán bị biến chứng nặng của Covid-19, đông đặc phổi và hoại tử một phần phổi; kèm cơn bão Cytokine, suy đa cơ quan. Nguồn tin từ Bệnh viện Chợ Rẫy tiết lộ, tất cả các loại thuốc cao cấp nhất đã được sử dụng để điều trị cho bệnh nhân. Các y bác sĩ cũng nỗ lực hết mình nhưng không thể cứu sống nữ ca sĩ.

Trước khi nhiễm Covid-19, ca sĩ Phi Nhung tích cực nấu cơm, tặng suất ăn từ thiện, phát quà cho người nghèo ở nhiều nơi và ủng hộ công tác phòng chống dịch. Cô mắc Covid-19 sau khi tiếp xúc gần với vài F0. Do mắc bệnh, nữ ca sĩ phải hủy chuyến bay và một show diễn ở Mỹ ngày 22/8.

Trước khi nhiễm Covid-19, Phi Nhung tích cực tham gia các hoạt động thiện nguyện, giúp đỡ người gặp khó khăn vì dịch bệnh.

Trước khi nhiễm Covid-19, Phi Nhung tích cực tham gia các hoạt động thiện nguyện, giúp đỡ người gặp khó khăn vì dịch bệnh.

Bão Cytokine khiến nhiều bệnh nhân Covid-19 "gục ngã"

Infonet đưa tin, theo thống kê của Trung tâm hồi sức Bệnh viện Bạch Mai đặt tại Bệnh viện dã chiến số 16 (quận 7, TP.HCM), với công suất 500 giường bệnh thì có đến 70% bệnh nhân COVID-19 mắc phải cơn bão Cytokine - Cytokine storm.

Bác sĩ Đỗ Ngọc Sơn, phó giám đốc Trung tâm cấp cứu, phụ trách điều trị tại Trung tâm hồi sức Bệnh viện Bạch Mai cho biết, trong đợt dịch này, rất nhiều bệnh nhân trẻ tuổi gặp phải hội chứng này. Nhóm tuổi dễ xảy ra hiện tượng bão Cytokine dao động từ 17 - 40 tuổi.

Cơn bão Cytokine thường gặp ở người trẻ, những người có đáp ứng miễn dịch mạnh. Trong khi đó, người lớn tuổi có thể có mức độ nhẹ hơn.

Tiến sĩ Quan Thế Dân, hiện tham gia chống dịch tại Bệnh viện dã chiến hồi sức cấp cứu Becamex Bình Dương, cho biết, khi virus xâm nhập cơ thể, tế bào lympho T nhận diện virus, tiết ra các cytokin để kích hoạt hệ miễn dịch hoạt động, lympho B sản xuất ra kháng thể, lympho T khác thì tăng sinh để trực tiếp bắt giữ virus, các bạch cầu được hấp dẫn về ổ viêm, các mạch máu được mở rộng để chuyên chở vật chất kháng virus đến… tất cả các hoạt động này có được là do vai trò của các Cytokine. Sự đề kháng của cơ thể lớn dần. Khi đó, virus dần bị ức chế. Sau 7 – 10 ngày bệnh nhân loại bỏ được hoàn toàn virus ra khỏi cơ thể và khỏi bệnh. 80% bệnh nhân khỏi bệnh một cách nhẹ nhàng sau vài ngày bị sốt, đau họng.

20% người bệnh trở nặng. Trong số đó, nhiều người gặp cơn bão Cytokine.

Theo một cách chưa rõ ràng, hệ miễn dịch bị kích thích quá mức, các Cytokine tràn ngập trong máu, giống như cơn bão, gây ra phản ứng viêm, đông máu, giảm bạch cầu lympho, thâm nhiễm tế bào đơn nhân các cơ quan.

Phản ứng viêm quá mức xảy ra, đặc biệt tại phổi. Các phế nang xung huyết, tràn ngập dịch viêm, thành phế nang dày lên, giảm sức căng bề mặt, các mao mạch xung huyết. Tình trạng này gây cản trở hấp thụ oxy khiến oxy trong máu giảm thấp.

Tiếp theo, cơn bão Cytokine kích hoạt tình trang đông máu, làm đông máu rải rác khắp các mao mạch phổi, tắc nghẽn lượng máu đến các phế nang. Khi đó, tình trạng trao đổi oxy tại phổi càng tồi tệ hơn. Hậu quả là hai lá phổi sũng nước và đông đặc lại. Người ta dùng thuật ngữ phổi bị gan hóa để chỉ hiện tượng này. Thông thường, lá phổi khỏe mạnh có màu trắng hồng, xốp, chứa đầy hơi, khi thả xuống nước sẽ nổi. Trong khi đó, lá phổi bị viêm, đông đặc và xung huyết có màu tía, chắc nặng như lá gan, thả xuống nước sẽ chìm.

Cơn bão Cytokine tàn phá phổi như vậy nên kể cả khi thở oxy dòng cao hay thở máy, người bệnh cũng không hấp thu được oxy và tử vong nhanh chóng.

Cách duy nhất để cứu bệnh nhân lúc này là chạy tim phổi nhân tạo ECMO và lọc hấp thụ Cytokine, chờ cho cơn bão Cytokine qua đi để phổi bệnh nhân dần hồi phục.

Theo:  khoevadep.com.vn copy link