1. Đối phó với những xáo trộn thất thường
Có lúc, đến tận 11 – 12 giờ trưa bạn mới được ăn bữa “sáng”. Nếu dự tính đi chơi xa, hoặc có “lịch” thăm hỏi bà con họ hàng, bạn nên mang theo vài hộp sữa, một ít trái cây, bánh quy. Những thứ này sẽ giúp bạn “chế ngự” được cơn đói đến bất chợt.
Đặc biệt, những hộp sữa mang theo sẽ “nhắc nhở” bạn cung cấp canxi đầy đủ cho cơ thể, dù trong những ngày lễ Tết. Ai cũng biết canxi giúp cho trẻ phát triển xương đồng thời bảo vệ mẹ không bị hao hụt xương trong thời gian mang thai. Canxi còn giúp bạn không bị huyết áp cao, điều này có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong sự phát triển bình thường của não và cơ bào thai.
2. Nói “không” với một số thực phẩm “chống chỉ định” ngày Tết!
Rượu bia là thứ phải cấm tuyệt đối trước tiên. Rượu có thể gây sẩy thai, ngộ độc thai nghén, vì vậy nó đặc biệt nguy hiểm. Bạn cũng cần lưu ý trong dịp Tết không nên “thả cửa” với các loại kẹo ngọt, sôcôla, trái cây sấy, thịt hộp, nem sống (thường được đem ra mời trong bàn nhậu ngày Tết). Tất cả những thực phẩm này đều không tốt cho bạn cũng như cho bé yêu.
3. Thịt kho trứng – món “lý tưởng” cho bà bầu ngày Tết
Tất nhiên là không nên lạm dụng tới mức sáng thịt kho trứng, trưa thịt kho trứng, tối thịt kho trứng. Nhưng với món ăn này, bạn sẽ bổ sung được rất nhiều dưỡng chất cần thiết cho cơ thể. Thịt nạc chính là nguồn thức ăn rất giàu chất sắt. Nguyên tố này trong cơ thể người mẹ có ý nghĩa vô cùng quan trọng nhưng lại hay bị thiếu. Sắt giúp cho bào thai phát triển bình thường và không bị đẻ non. Người mẹ nên chú ý ăn những loại thức ăn chứa nhiều sắt và bổ sung thêm sắt trong trường hợp cần thiết.
Trứng gà có nhiều chất đạm và vitamin cần thiết cho thai phụ. Thậm chí, các bác sĩ còn khuyên trong 3 tháng cuối, mỗi ngày nên ăn thêm 1 quả trứng. Bạn cần chú ý là về cơ bản, trứng gà tốt cho thai phụ hơn trứng vịt. Vì vậy, nếu đang “bầu bì”, bạn đừng quên cho vào nồi thịt kho năm nay thêm một ít quả trứng gà để dành cho chính mình.
4. Tận dụng hoa quả Tết
Chắc chắn gia đình nào cũng ê hề đủ các loại trái cây trong dịp Tết. Bạn đừng nên “bỏ qua” cơ hội này để bổ sung những chất cần thiết cho chính mình và cho bé yêu. Ví dụ như các loại trái cây màu xanh, màu vàng cung cấp cho bạn nhiều vitamin A. Hạt điều để “nhóp nhép” có thể cung cấp vitamin B1. Các loại trái cây như cam, chuối, dừa cung cấp lượng lớn axit folic.
5. Mứt cũng tốt cho bạn và thai nhi đấy!
“Bà bầu” không nên ăn quá nhiều chất ngọt. Nhưng ngày Tết, một số loại mứt có độ ngọt vừa vừa thì lại là nguồn dinh dưỡng và dược liệu rất tốt đấy nhé!
Mứt cà rốt: Độ ngọt thanh, có khả năng chữa chứng khó tiêu, được bổ sung nhiều sinh tố A và tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.
Mứt dừa: Loại mứt thông dụng, rẻ tiền, lại dễ làm nhất. Bạn có thể tự làm, cho ít đường thôi để phù hợp với mình. Mứt dừa này có tác dụng nhuận tràng, là một vị thuốc hay chống táo bón hay.
Mứt gừng: Gừng có tác dụng làm ấm người, kích thích tiêu hóa và tác dụng này không hề biến mất khi gừng đã thành mứt. Ngoài ra, mứt gừng còn giúp giải độc, chống nôn mửa, đầy bụng hay đau bụng do ăn uống không điều độ. Có thể dùng mứt gừng để phòng bệnh viêm đường hô hấp nữa.
Mứt tắc: Ngoài việc kích thích tiêu hóa, mứt tắc sẽ giúp bà bầu ngon miệng hơn, tiêu đờm và chống nôn mửa tốt.