Cha mẹ phải làm gì khi con gặp stress?

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Những điều diễn ra trong cuộc sống hàng ngày của trẻ như chuyện trường lớp, bạn bè... có thể làm cho trẻ bị căng thẳng, stress. Vậy lúc này cha mẹ có thể làm gì để giúp con. Hãy tham khảo bài viết dưới đây nhé

Các bậc phụ huynh thường cho rằng trẻ con thì luôn hồn nhiên, vô lo vô nghĩ mà chẳng bao giờ gặp phải căng thẳng, âu lo. Nhưng thực tế cho thấy rằng rất nhiều thứ có thể khiến tâm trạng của trẻ trở nên hỗn loạn và căng thẳng. Đó có thể là những chuyện liên quan đến chuyện bạn bè, trường lớp, bài vở…

Stress không trừ bất cứ ai, ngay cả trẻ mới tuổi mẫu giáo cũng có thể gặp. Bởi khi cho trẻ tiếp xúc với môi trường mới mà không có ba mẹ kề bên có thể làm trẻ thấy sợ hãi, lo âu. Khi trẻ học lên các cấp học cao hơn thì các áp lực từ việc học và cả từ môi trường bên ngoài cũng là những nguyên nhân gây stress cho trẻ.

Với những trẻ hiếm khi thổ lộ những tâm sự, lo lắng của mình với cha mẹ về những thứ làm chúng bực mình, thì người đóng vai trò chủ động lúc này chính là những bậc làm cha, làm mẹ. Điều cần tuyệt đối tránh lúc này là dỗ dành mỗi khi trẻ buồn chán bằng bánh kẹo, cho xem ti vi, game, cho mua đồ chơi… Bởi đó không phải là cách tốt nhất để giải tỏa stress ở con, giúp con lấy lại nụ cười mà chỉ khiến cho thói vòi vĩnh ở trẻ ngày càng lớn hơn.

Thay vào đó, cha mẹ có thể có những cách khác tích cực hơn và không khiến con trở nên trầm cảm, căng thẳng quá mức.

Cha mẹ phải làm gì khi con gặp stress?

Điều đầu tiên cha mẹ có thể làm cho con đó là cố gắng bình tĩnh, kiên nhẫn và chăm chú lắng nghe. Tuyệt đối tránh thái độ phán xét, đổ lỗi, lên mặt dạy dỗ rằng con phải làm thế này, con phải làm thế nọ. Bởi điều đó không giúp ích được gì cho trẻ mà còn đặp áp lực lên trẻ hơn, khiến trẻ càng lo lắng và không muốn tâm sự với cha mẹ vào những lần sau.

Lắng nghe trẻ với thái độ cởi mở và kiên nhẫn có thể sẽ mất một chút thời gian, nhưng đừng nản chí vì đây là một bước quan trọng giúp trẻ mở lòng ra với cha mẹ.

Bạn có thể giúp con biểu đạt dễ dàng và thể hiện những cảm nghĩ, thái độ của mình bằng những câu hỏi như: “Có vẻ như con cảm thấy buồn vì bạn X không chọn con cùng phe, phải không?” hay “Con cảm thấy buồn vì điểm số của mình không cao có phải không?”

Sau đó, cha mẹ hãy cùng nói về chuyện con có thể làm gì để cảm thấy dễ chịu hơn trong tình huống đó. Chẳng hạn như kể về chuyện ngày xưa bạn đã từng bị điểm kém và thái độ của bạn lúc đó thể nào để bài kiểm tra sau điểm số được nâng lên…

Hoặc khi trẻ bị stress như bị bắt nạt, bị thầy cô mắng, bị bạn bè chế giễu… hãy nói chuyện với trẻ để giúp trẻ tìm cách giải quyết vấn đề. Trong lúc trò chuyện, bạn có thể đưa ra những gợi ý để trẻ tự nghĩ ra một vài ý tưởng cho vấn đề của mình. Cha mẹ cũng có thể suy nghĩ giúp trẻ nếu cần thiết, nhưng đừng làm thay trẻ tất cả mọi thứ.

Khi trẻ tự tìm ra cách giải quyết vấn đề, trẻ sẽ cảm thấy tự tin vào chính mình hơn, mạnh dạn và trưởng thành hơn. Từ đó, những căng thẳng, lo âu cũng tự nhiên mà biến mất. Với những giải pháp của trẻ mà bạn cho là ổn thoả và đúng đắn, bạn có thể bày tỏ sự đồng tình, hưởng ứng. Hoặc có thể gợi ý giúp một giải pháp bằng cách hỏi “con nghĩ sao nếu con làm thế này..."

Cần nhớ cha mẹ luôn nên thể hiện sự quân tâm ấy tới con bằng cách cho trẻ thấy chúng có một người bạn luôn sẵn sàng dành thời gian cho chúng. Vì vậy, nếu bạn cảm thấy con mình có vẻ buồn chán, thất vọng, mệt mỏi hay áp lực, nhưng không muốn nói ra, hãy rủ trẻ làm gì đó cùng bạn như dạy bé làm bánh, làm đồ thủ công, đi dạo hay cùng bé chăm sóc thú cưng... những điều tưởng đơn giản đó có thể giúp bé cảm nhận được cha mẹ như những người bạn và có thể chia sẻ mọi sự lo lắng của mình.

Cha mẹ phải làm gì khi con gặp stress?

Các dấu hiệu và triệu chứng trẻ trầm cảm

Không phải lúc nào cũng dễ dàng nhận ra khi trẻ đang bị stress. Tuy nhiên, tựu chung lại khi trẻ lo lắng, căng thẳng, stress thường có một số biểu hiện dưới đây:

Tâm tính thay đổi rất thất thường, trẻ có thể tỏ ra buồn bực, tè dầm, khó ngủ trong một thời gian.

Một số trẻ bị đau đầu hay đau bụng. Có những bé cảm thấy khó tập trung hoặc không thể hoàn thành bài tập ở trường.

Một số trẻ lại thích ở một mình, không quan tâm tới những gì xảy ra xung quanh.

Trẻ nhỏ tuổi có thể biểu hiện stress qua những thói quen như mút tay, xoắn tóc, ngoáy mũi. Khi bị stress, trẻ còn hay gặp ác mộng, luôn bám dính lấy ba mẹ, phản ứng thái quá với những việc nhỏ nhặt và học hành sa sút.

Những trẻ lớn hơn còn có thể nói dối, hay bắt nạt người khác hoặc tỏ ra chống đối.

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn