Cháy ở phố Trần Thái Tông: Lính cứu hỏa kể lại phút "thập tử nhất sinh" khi chiến đấu với giặc lửa

14:44, Thứ sáu 04/11/2016

( PHUNUTODAY ) - Lính cứu hỏa được xem là những anh hùng chiến đấu với lửa và cứu các nạn nhân khỏi đám cháy. Tuy nhiên, có rất nhiều nguy hiểm rình rập đối với những ai làm công việc này.

Vụ cháy quán karaoke số 68 phố Trần Thái Tông, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội từ chiều đến đêm 1/11 đã để lại hậu quả vô cùng nghiêm trọng. Theo ghi nhận đến thời điểm hiện tại đã có 13 người bị chết do không chạy thoát ra kịp.

linh-cuu-hoa-2-phunutoday.vn

 Lính cứu hỏa là người anh hùng trong mỗi đám cháy.

Để giành giật sự sống, tính mạng và tài sản cho các hộ dân, hàng trăm chiến sĩ Cảnh sát PCCC đã bất chấp nguy hiểm, chiến đấu nhiều giờ liền với "giặc lửa" để khống chế và dập tắt đám cháy.

Hình ảnh người chiến sĩ PCCC luôn có mặt tại hiện trường đầy khói lửa, bất chấp hiểm nguy cận kề để khống chế hỏa hoạn, giải cứu nạn nhân đã làm mọi người cảm phục, trân trọng.

Trong vụ cháy quán karaoke số 68 phố Trần Thái Tông, do tính chất của vụ cháy rất to và nguy hiểm, Hà Nội đã phải huy động nhiều lực lượng cứu hỏa, gồm các lực lượng của Sở cảnh sát PCCC Hà Nội, Bộ tư lệnh Thủ đô, Đại học PCCC. Các đơn vị đã huy động hàng trăm cán bộ, chiến sỹ cùng lực lượng phương tiện để tham gia cứu hỏa. Do ngọn lửa cháy to, cùng vật dụng bị cháy là những đồ dễ bắt lửa, hơn 6 tiếng vật lộn, đám cháy mới được dập tắt. Để làm được điều đó, đã có máu, mồ hôi và nước mắt của cán bộ chiến sỹ PCCC phải đổ xuống.

Cảm xúc của lính cứu hỏa vụ cháy quán karaoke.

PV VOV gặp trung úy Lê Đình Vĩnh, là chiến sỹ đã trực tiếp tham gia cứu hỏa vụ cháy tại quán karaoke 68 Trần Thái Tông trong Bệnh viện 198 – Bộ Công an, mọi người mới hiểu hết những hiểm nguy rình rập những người lính cứu hỏa trong mỗi vụ cháy. Nếu không cẩn thận, có thể nguy hiểm đến tính mạng bất cứ lúc nào.

Anh Vĩnh cho biết, trong lúc tham gia phối hợp chữa cháy, khi vừa chỉ huy vừa trực tiếp tham gia chữa cháy, anh bị mảng kính chịu lực ở tầng 5 của tòa nhà do sức nóng của đám cháy đã vỡ, rơi từ trên cao xuống, đâm qua lớp giầy bảo hộ, làm đứt gân cử động 3 ngón chân ở bàn chân trái và làm anh bị thương ở cánh tay.

linh-cuu-hoa-3-phunutoday.vn

Trung úy Lê Đình Vĩnh được điều trị tại khoa chỉnh hình, Bệnh viện 198, Bộ Công an.

Ngay sau đó, anh được đưa vào Bệnh viện 198 để điều trị. Ngay đêm qua, anh đã được các bác sỹ mổ phẫu thuật, nối các gân bị đứt và điều trị vết thương.

Trò chuyện với anh, được biết anh đang là giảng viên Khoa Cứu hộ cứu nạn- Đại học PCCC. Anh cho biết, chiều 1/11, trường nhận được thông báo của Trung tâm cảnh sát PCCC Hà Nội thông báo có cháy lớn. Lập tức trường điều động chúng tôi chia làm 2 tiểu đội lên xe đến hiện trường.

Khoảng 15 phút sau 2 xe của trường điều động có mặt và phối hợp cùng lực lượng chỉ huy tiếp cận hiện trường, triển khai phương án tiếp nước, chữa cháy.

“Lúc đó lửa đã cháy to, bao trùm khắp mấy căn nhà rồi. Kíp tôi chỉ huy lập tức phối hợp với lực lượng hiện trường tiếp cận đám cháy. Tôi vừa chỉ huy nhóm vừa trực tiếp tham gia cứu hỏa, tiếp cận hiện trường ở các hướng để dập lửa…”, anh Vĩnh kể lại.

Sau đó, theo yêu cầu chỉ huy, anh được điều động cùng một xe cứu hỏa và một tốp đi theo con ngõ nhỏ, vòng ra phía sau để khống chế ngọn lửa.

“Khi đang tập trung cùng anh em chữa cháy thì bất ngờ có một tiếng nổ nhỏ, sau đó một mảng kính lớn ở tầng 5 của tòa nhà rơi xuống chỗ tôi đứng, tôi bị thương ở chân. Nhưng khi đó, do tính chất nghiêm trọng của vụ cháy nên không tránh khỏi tâm lý dao động ở một số chiến sĩ trẻ. Tôi đã động viên anh em giữ vững tinh thần và thực hiện nghiêm kế hoạch tác chiến đã được chỉ huy đơn vị vạch ra để tập trung chiến đấu…”, trung úy Lê Đình Vĩnh chia sẻ.

Anh Vĩnh cho biết, đến giờ anh vẫn giấu bố mẹ và gia đình chuyện anh bị thương, “Ông bà ở nhà qua đài, báo nghe được tin tôi bị thương, gọi điện cho tôi nhưng hiện nay tôi vẫn giấu, chỉ bảo bị thương ngoài da trong lúc làm nhiệm vụ, không dám nói vì sợ ông bà ở nhà lo lắng quá…”.

Chia sẻ thêm một chút về nghề nghiệp, anh Vĩnh bộc bạch: “Nói thật là khi tôi còn học phổ thông, xem các bộ phim về người lính cứu hỏa, tôi cứ thấy mê. Sau khi học xong cấp 3 là tôi thi vào Đại học PCCC. Mình cũng xác định ngay từ đầu là khi đã dấn thân vào nghề là luôn phải đối mặt với nguy hiểm. Nhưng đó là sự lựa chọn của mình rồi….”.

“Từ hôm qua đến giờ mới chỉ dám nói cho bạn gái biết là mình bị tai nạn, không dám nói cho ai. Nhưng anh em, bạn bè biết chuyện đến hỏi thăm, động viên mình thấy cảm động và ngại quá. Mình chỉ mong nhanh khỏi để tiếp tục công việc giảng dạy tại trường và nếu có cháy thì được cùng anh em làm nhiệm vụ…”, anh Vĩnh nói.

Cũng như trung úy Vĩnh, trung úy Nguyễn Minh Tân, người cũng trực tiếp tham gia chữa cháy tại số 68 Trần Nhân Tông hôm qua cho biết, công việc này là vậy, bất kể thời gian giờ giấc, mỗi khi có báo cháy là lập tức phải lên đường. “Công việc không cho phép mình chậm trễ, chậm vài phút là thiệt hại khôn lường, hậu quả không thể đong đếm được. Cho nên theo nghiệp PCCC thì tinh thần luôn luôn xác định phải chấp nhận dấn thân vào nơi nguy hiểm…”.

Anh Tân cho biết, làm công việc này, ngoài làm chuyên môn hàng ngày, thời gian rảnh, anh phải tìm tòi học hỏi để nâng cao trình độ biết cách tiếp cận, sử dụng thành thạo các phương tiện chữa cháy ngày càng hiện đại để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

“Nghề nguy hiểm, đòi hỏi tính tổ chức kỷ luật cao, thêm vào đó là phán đoán để xử lý tình huống của công việc. Cho nên mình phải nghiêm khắc với mình. Có như vậy, mỗi khi có sự cố mình không bị bỡ ngỡ, bị động trước tình huống đặt ra.”, anh Tân nói.

Lãnh đạo UBND TP. Hà Nội biểu dương tinh thần chiến đấu dũng cảm của các cán bộ, chiến sỹ đã không ngại nguy hiểm đến tính mạng để cứu người, cứu tài sản cho nhân dân.

Vất vả, hiểm nguy như vậy nhưng theo các anh, mỗi khi cứu được các nạn nhân ra khỏi đám cháy, hạn chế thấp nhất những thiệt hại về tài sản cho Nhà nước, nhân dân, các anh lại thấy vui, hạnh phúc, tự hào và gắn bó hơn với nghề mình đã chọn.

chia sẻ bài viết
Theo:  khoevadep.com.vn copy link
Tác giả: Vân Tiên