"Không ăn cũng chết mà ăn vào cũng sợ chết dần, chết mòn"
Ngày 2/1, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã chủ trì hội nghị trực tuyến với Bộ Y tế, Bộ NN-PTNT và UBND các tỉnh thành cả nước về các vấn đề phòng chống dịch bệnh và vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP). Tại đây, dư luận đã không khỏi xôn xao, lo lắng bởi các lãnh đạo ngành có liên quan đưa ra hàng loạt cảnh báo rất đáng quan ngại.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã nhấn mạnh: “Ngộ độc chỉ là một phần bề nổi. Cái chính là nhiễm độc mãn tính, ảnh hưởng ngấm ngầm đến sức khỏe lâu dài và giống nòi”.
Người đứng đầu Bộ Y tế dẫn bức xúc của người dân, đánh giá: “Bây giờ ra chợ không biết mua gì, không ăn cũng chết mà ăn vào cũng sợ chết dần, chết mòn”.
Thực phẩm bẩn, độc đang tràn ngập thị trường Việt Nam. |
Quả thực không thể tìm được được câu nói nào diễn tả chính xác tình cảnh của dân ta hơn phát biểu của Bộ trưởng Y tế: "Không ăn cũng chết mà ăn vào cũng sợ chết dần, chết mòn".
Cả năm vừa qua, dư luận hoang mang bởi các vụ ngộ độc rượu, bún có chất tẩy trắng gây ung thư, 80% rau ngót được tắm thuốc kích thích, thuốc sâu, 90% mẫu nước uống bày bán tại vỉa hè Hà Nội (được kiểm tra ngẫu nhiên) bị phát hiện nhiễm khuẩn E.coli, khô mực xé đốt cháy tỏa ra mùi... nilon...
Chỉ cần ngồi nhà điểm tin trên báo chí thôi cũng đã đủ hốt hoảng. Nghĩ mà muốn rớt nước mắt thương cho người Việt. Người ta ăn để sống, để thưởng thức sản vật tinh túy của trời đất, còn chúng ta sao lại ăn để chết thế này?
Nhờ có tình trạng thực phẩm bị nhiễm độc tràn lan như hiện nay mà tỷ lệ ung thư của Việt Nam được đánh giá là cao nhất thế giới. Theo thông tin từ hội thảo khoa học "Ung bướu quốc gia" lần thứ VII, mỗi năm nước ta có khoảng 150.000 người mới mắc ung thư và 75.000 người tử vong vì căn bệnh này. Đấy là còn chưa kể ở ta, trung bình một người mắc 2,69 bệnh.
Chẳng biết quý vị có rùng mình khi nghĩ đến những bữa ăn quán, những đồ ăn mà hàng ngày mình mua ở chợ không nhưng viết đến đây tôi thực sự thấy lạnh gáy. Ai mà biết những món ăn thơm nức mũi, những bó rau, thớ thịt tươi ngon đẹp mắt hàng ngày mình vẫn mua cho người thân của mình có những gì, chất độc trong chúng phá hoại cơ thể ta đến mức nào?
Phải thật giàu hoặc thật thông thái
Trước thực trạng đáng sợ ấy, người ta xôn xao hỏi nhau ai phải chịu trách nhiệm?
Cơ quan chức năng ấy hả? Vớ vẩn! Mọi người có biết là để chăm lo cho vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, ở Việt Nam có đến 3 bộ cùng được giao trách nhiệm là Bộ NN & PTNT, Bộ Y tế và Bộ Công thương?
Đấy nhé! Chỉ cần nhìn qua số lượng thôi là mọi người đã thấy được sự quan tâm và trách nhiệm của các cơ quan chức năng đến đâu rồi đúng không? Đối với vấn đề quan trọng và to tát, ảnh hưởng đến từng người trong xã hội như vậy để một cơ quan quản lý như ở nước ngoài đâu có được.
Ví dụ như một chiếc bánh Trung thu, ruột thì Bộ Nông nghiệp quản lý, vỏ thì Bộ Công thương, chất lượng thì Bộ Y tế, quản lý, chăm sóc đến từng chi tiết như vậy mới thực sự là quan tâm đến sức khỏe người dân.
Cho nên, nếu quý vị muốn trách thì chỉ có thể tự trách bản thân mình không thông thái. Hoặc cáu quá, không thể để trong lòng được thì chửi đổng lên mà thôi. Chửi những người suy thoái đạo đức và lương tâm, chỉ còn biết có tiền mà quên hết đi hai chữ “nhân đức”.
Sau đấy thì liệu mà lo cho cái thân mình bằng cách phải thật giàu hoặc thật thông thái.
Lòng lợn thối nhập từ Trung Quốc sẽ trắng muốt sau khi tẩm ướp hóa chất |
Thực tế đã chứng minh những người có thu nhập cao, các đại gia đã tìm ra “lối thoát” riêng của họ, đó là bỏ tiền thuê người làm trang trại thực phẩm sạch từ A-Z cho mình. Còn không thì ăn đồ ngoại, nhập khẩu từ những nơi mà thực phẩm được kiểm dịch gắt gao. Thế là sức khỏe của họ chả làm sao!
Còn chưa làm giàu ngay được hoặc không giàu được thì quý vị phải tự thông thái thôi. Thông thái để mà lựa chọn thực phẩm an toàn, hay trong một chừng mực nào đó là đỡ độc hơn. Biết quán xá ven đường, vỉa hè dễ có thực phẩm bẩn độc thì tránh ra, về nhà mà ăn chín, uống sôi.
Người giàu không cần phải quá thông minh, trình độ không cần quá cao vì họ có tiền nghĩ hộ, chỉ có người nghèo mới cần phải giỏi, cần phải biết nhiều và thông thái, thông thái hơn nữa. Bởi muốn sống, muốn khỏe thì phải thông thái!