Mới đây, các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 1 đã tiếp nhận một bé trai 13 tuổi, 48kg, khỏe mạnh, không có bệnh nền. 4 ngày đầu, bệnh nhi sốt nhẹ, ho khan. Sau đó, em hết sốt nhưng ho nhiều, cảm thấy tức ngực, khó thở nên được người nhà đưa đến bệnh viện.
Tại bệnh viện, các bác sĩ ghi nhận nhịp thở của bệnh nhi là 26-28 lần/phút, không quá nhanh so với độ tuổi); SpO2 92% (là nặng). Chụp X-quang cho thấy phổi bị tổn thương nhiều. Kết quả xét nghiệm cũng cho thấy phản ứng viêm tăng cao, rối loạn đông máu. Xét nghiệm PCR dương tính với SARS-CoV-2.
Ngay khi biết bệnh nhi nhiễm SARS-CoV-2, các bác sĩ nhanh chóng điều trị cho em theo phác đồ viêm phổi nặng của Covid-19 với hỗ trợ hô hấp, kháng sinh, steroid, thuốc chống đông.
Sau 5 ngày điều trị, tình trạng của em cải thiện tốt, hết khó khở, giảm ho. Tuy nhiên, chụp X-quang cho thấy tổn thương phổi cải thiện chậm, vẫn còn giảm oxy máu khi thở khí trời (93-94% kéo dài cả 7 ngày).
Sau 17 ngày điều trị, theo dõi sát triệu chứng, oxy máu, tổn thương phổi được cải thiện, bệnh nhi khỏi bệnh, xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2.
Một trường hợp khác là bé trai 10 tuổi, nhập viện vì sốt cao liên tục 39-40 độ C ở ngày thứ 7. Bệnh nhi còn có các biểu hiện khác như sung huyết kết mạc mắt 2 bên và đau bụng âm ỉ quanh rốn, thỉnh thoảng ho nhẹ, không đau ngực, không khó thở. Các bác sĩ thăm khám và không ghi nhận thêm các triệu chứng bất thường, không ghi nhận nhiễm trùng. Điều tra bệnh sử của gia đình, bác sĩ được biết, trước khi bé nhập viện khoảng 1 tháng, cả nhà bé có triệu chứng sốt, ho, mất vị giác tuy nhiên không được xác định mắc Covid-19.
Kết quả xét nghiệm cho thấy, cơ thể bệnh nhi có phản ứng viêm tăng cao. Siêu âm tim phát hiện giãn động mạch vành trái. Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhi mắc bệnh Kawasaki thể không điển hình, phân biệt với hội chứng viêm đa hệ thống có tổn thương mạch vành.
Đán nói, 2 lần xét nghiệm PCR đều cho thấy bệnh nhi âm tính với SARS-CoV-2 nhưng nồng độ kháng thể IgG với SARS-CoV-2 rất cao (782 Au/ml), phù hợp với tiền sử gia đình nghi nhiễm SARS-CoV-2 tháng trước.
Sau 2 ngày điều trị bằng IVIG và Aspirin, bệnh nhi hết sốt, các xét nghiệm viêm trở về bình thường. Bệnh nhi được xuất viện sau 2 tuần điều trị và tiếp tục duy trì Aspirin liều thấp, hẹn tái khám siêu âm tim kiểm tra.
PGS.TS.BS Phùng Nguyễn Thế Nguyên - Trưởng Đơn vị điều trị Covid-19 Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM cho biết, hiện có khoảng 3000 trẻ nhiễm Covid-19 đang được điều trị và chăm sóc tại đơn vị này. So với người lớn, tỷ lệ diễn tiến nặng của trẻ là dưới 2% và xảy ra chủ yếu ở các bé có bệnh lý nền nặng haowjc thừa cân, béo phì.
BS Nguyên cho biết, trẻ mắc Covid-19 thường không có triệu chứng hoặc triệu chứng rất nhẹ. Tuy nhiên, bệnh cũng có thể nặng lên ở cả những bé không có yếu tố nguy cơ.
Do đó, BS Nguyên khuyên phụ huynh cần lưu ý khi trẻ nhiễm Covid-19. Điều quan trọng là phải theo dõi sát sức khỏe tại nhà.
BS cho biết thêm, khác với người lớn, ở giai đoạn phục hồi, trẻ có thể mắc hội chứng viêm đa hệ thống, xảy ra chủ yếu ở thời điểm 2-6 tuần sau nhiễm SARS-CoV-2. Khi trẻ nhỏ mắc hội chứng này, biểu hiện giống với bệnh Kawasaki. Tuy nhiên, trẻ lớn thường có tổn thương tim như giảm chức năng tim, giãn mạch vành.
Đối với trẻ nhỏ, tiên lượng bệnh thường tốt nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Tuy nhiên, nên phát hiện và điều trị muộn, trẻ có thể bị suy tim và không qua khỏi.
Do đó, nếu thấy con khó thở, than mệt, gắng sức kém, vã mồ hôi nhiều, nói từng từ, từng câu ngắn, thở nhanh, gắng sức, nhịp tim nhanh hoặc SpO2 dưới 93%, phụ huynh cần nhanh chóng đưa bé đến bệnh viện hoặc liên hệ với tổ phản ứng nhanh ở địa phương để được hỗ trợ kịp thời.