Cô là người nâng đỡ đời tôi trong cơ cực

15:03, Thứ tư 20/11/2013

( PHUNUTODAY ) - Đang dọn lại tủ sách, một tấm ảnh cũ rơi ra, phủi sơ lớp bụi, tôi ngỡ ngàng khi nhìn thấy từng nụ cười trong sáng, hồn nhiên của những người bạn thủa học trò. Nhưng có lẽ nụ cười khiến tôi dừng lại lâu nhất đó là cô giáo dạy văn.

Ngày đó, trong lớp tôi là cô học trò nhút nhát, ít nói và luôn giữ gương mặt buồn thảm. Cô Xuyến là giáo viên chủ nhiệm tôi suốt 3 năm cấp ba. Mỗi lần sau tiết văn, cô Xuyến gọi tôi ra ngoài hỏi nhỏ: “Có phải em đang gặp chuyện gì buồn không”. Tôi khóc, kể cho cô nghe hoàn cảnh gia đình. Mẹ tôi không chịu nổi cảnh khổ nên đã bỏ nhà đi biệt xứ. Ba tôi tìm một người phụ nữ khác, không còn mặn mà với hai chị em tôi. Tôi và em trai dọn về sống với người dì.

Mỗi ngày sau giờ học, tôi phải theo dì đi cắt lúa, làm cỏ mướn. Bao nhiêu vất vả nhọc nhằn, tôi đều vượt qua. Nhưng tôi sợ hãi những trận đòn tứa máu của dượng. Dượng tôi khi uống rượu vào trở thành một con người hoàn toàn khác. Dượng đánh chửi chị em tôi không thương tiếc. Dì tôi vốn sợ dượng nên chỉ dám đứng nhìn.

Một lần dượng tôi say rượu, bắt hai chị em tôi ra ngoài sân quỳ gối. Khi dượng đang xả cây roi dâm bụt xuống đầu chị em tôi thì cô Xuyến đến. Tôi vẫn nhớ như in hình ảnh cô mặc bộ áo dài màu xanh lam, có hình con công đang xòe múa. Khác với vẻ hiền từ ngày thường, cô lao vào túm lấy tay dượng tôi, giằng lấy cây roi quẳng đi. Vì ngấm sẵn hơi men trong người nên dượng định xông vào đánh cô giáo nhưng vài người hàng xóm tốt bụng đã lao đến khuyên can. Hôm ấy cô Xuyến đã nói chuyện ở dưới bếp với dì tôi rất lâu. Tôi không biết cô đã nói gì nhưng nhiều ngày sau đó, dì đã không để dượng tôi ngập trong men rượu.

Vì hoàn cảnh gia đình dì cũng khó khăn nên Tết năm nào, chị em tôi biết thân phận ăn nhờ ở đậu, không dám ước ao áo quần mới. Năm tôi học lớp 11, buổi học cuối cùng trước khi học trò được nghỉ Tết, cô Xuyến đã nhắn tôi ở lại. Cô dúi vào tay tôi một hộp quà. Khi về đến nhà, tôi trốn sau bụi tre, hồi hộp mở túi quà ra. Chiếc áo len có họa tiết những bông hoa đang nở khiến mắt tôi sáng rỡ. Tôi mặc vào, cảm giác ấm cúng lạ lùng. Đó là lần đầu tiên sau bao năm cha mẹ bỏ nhau, tôi nhận được một chiếc áo mới trong mùa xuân se lạnh.

Ngưỡng mộ và yêu mến cô, tôi chuyên tâm học văn. Khả năng viết của tôi được nâng lên rõ rệt. Năm cuối cấp, cô động viên tôi thi học sinh giỏi cấp tỉnh môn Văn. Tôi vượt qua hàng ngàn thí sinh để đậu vào đội tuyển quốc gia môn Văn. Phải chuyển lên ký túc xá trường chuyên Lương Thế Vinh trọ và ôn thi, tôi gần như bỡ ngỡ với trường lớp, thầy cô, bạn bè. Dì không có điều kiện thăm nuôi nên tôi gần như bơ vơ một mình. Cuối tuần nào, cô Xuyến cũng lặn lội hơn 100 cây số để lên thăm tôi. Khi thì bánh trái, khi thì dúi vào tay tôi ít tiền. Cô luôn động viên tôi phải cố gắng ôn tập thật tốt để thi đạt điểm cao. Năm ấy, tôi chỉ dành được giải khuyến khích môn Văn nhưng cả cô và tôi đều không cầm được nước mắt. Đó là lần đầu tiền, tôi ôm cô giáo vào lòng vào cảm giác thân thuộc như một người mẹ.

Ngày tôi thi đại học, cũng chính cô là người lặn lội đường xa đến thăm và động viên tinh thần tôi. May mắn khi tôi thi đậu đại học thì mẹ tôi quay về. Mẹ đón chị em tôi lên thành phố, cùng thuê nhà trọ chăm sóc và lo lắng cho chị em tôi ăn học như một cách để mẹ chuộc những lỗi lầm ngày xưa. Tôi và em trai đã có cuộc sống yên ổn, vui tươi sau bao năm tuổi thơ nhọc nhằn. Ai cũng nói đó là một phép màu? Nhưng với tôi phép màu lớn nhất giúp tôi vượt qua khoảng thời gian dài buồn tủi, cô đơn đó chính là cô giáo Xuyến. Người đã giúp tôi tìm được mục đích của cuộc sống và đến giờ vẫn không ngừng vươn lên từng học hỏi từng ngày.a

chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link