Có nên trả tiền khi con làm việc nhà?

( PHUNUTODAY ) - Nhiều gia đình dùng cách trả tiền cho con khi làm việc nhà và khiến trẻ trở nên chăm chỉ hơn. Điều đó có tốt không?

Hiện nay nhiều gia đình giáo dục con cái về việc tham gia vào các công việc nhà và khuyến khích trẻ thực hiện bằng việc sẽ trả cho con một số tiền nhất định. Nhiều trẻ từ không thích thú với việc nhà đã trở nên hào hứng hơn. Nhiều em bé đã xem phần tiền bố mẹ trả công là động lực để chăm chỉ hơn, có trẻ còn thường xuyên xin làm dù không được yêu cầu.  Một số cha mẹ cho rằng nếu một đứa trẻ biết phụ giúp việc nhà, cha mẹ có thể cho tiền tiêu vặt. Điều này sẽ khiến trẻ cảm thấy chúng xứng đáng được khen thưởng vì hoàn thành trách nhiệm cũng như hiểu giá trị lao động. Thay vì cha mẹ cho con khoản tiền tiêu vặt thì trẻ thông qua làm việc nhà hiểu rằng muốn có tiền phải bỏ công sức. 

tra-tien-cho-con

Theo khảo sát của VnExpress với gần 1.400 độc giả, 75% cho biết thường xuyên trả tiền cho con mỗi khi làm việc gì đó. Còn thói quen này ở Mỹ đã tồn tại hơn 100 năm. Thông tin từ Viện Kế toán Công chứng Mỹ, mỗi năm trẻ em nước này nhận trung bình 800 USD tiền tiêu vặt nhưng không phải chúng thường xuyên nhận được tiền mà không có lý do nhất định. Đại đa số phụ huynh gán số tiền đó như khoản "lương" dành cho những việc vặt trong nhà.

Thông tin trên VnEpress, tiến sĩ Vũ Thu Hương, nguyên giảng viên giáo dục, trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho biết ưu điểm của phương pháp trên nhằm thúc đẩy khả năng làm việc nhà của trẻ. Cha mẹ không phải nhắc đi nhắc lại thôi thúc giục con mà chúng sẽ tự giác hơn.  Một ưu điểm khác là giúp trẻ thấu hiểu hơn ý nghĩa của việc kiếm tiền cũng như hiểu được để có được mọi thứ trong cuộc sống, ai cũng phải nỗ lực làm việc.

Tuy nhiên tiến sĩ Hương cũng cảnh báo với bố mẹ rằng: "Tuy nhiên, việc thuê trẻ làm việc nhà chỉ có hiệu quả ngắn hạn. Nếu bố mẹ cứ duy trì cách trả tiền, trẻ rất dễ bị hiểu sai lệch về trách nhiệm cá nhân trong gia đình và cộng đồng". Trẻ có thể chán dần và mặc nhiên việc đó của cha mẹ, muốn con làm thì phải trả tiền, khi có việc phát sinh có thể đòi thêm tiền mà không xuất phát từ tự giác và không biết rằng đó là trách nhiệm chung của các thành viên trong gia đình. Hơn nữa điều đó có thể khiến trẻ không tự giác giúp đỡ cha mẹ mà chỉ coi đó là thứ công việc vì tiền, không tôn trọng lao động mà làm vì lợi ích. 

Trên thực tế đã có không ít cha mẹ gặp phải hệ lụy trên đó là trẻ luôn hỏi được bao nhiêu tiền khi được giao việc mới, thậm chí luôn quy ra tiền khi ai nhờ giúp việc gì đó trong gia đình.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Minh, giảng viên Học viện hành chính quốc gia TP HCM cũng không phản đối cách bố mẹ trả tiền cho con làm việc nhà mà coi đó như khoản tiêu vặt nhưng chuyên gia cho rằng cha mẹ cần phải dạy trẻ hiểu rằng, làm việc nhà không phải để nhận phần thưởng mà vì trẻ đang giúp đỡ chính gia đình mình. Hãy cho trẻ hiểu làm việc nhà là điều bắt buộc với mỗi thành viên trong gia đình, và cha mẹ dùng tiền tiêu vặt như một công cụ giáo dục mà không phải tiền lương.

Theo tiến sĩ Minh trẻ lười việc nhà là do sự giáo dục của cha mẹ không hình thành thói quen lao động từ sớm. Ở tuổi 2-3, trẻ rất thích tìm tòi khám phá nhưng lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro, tai nạn nếu không được cha mẹ theo sát và hướng dẫn cụ thể. Do đó bạn nên tập cho con làm và kiểm soát con thay vì việc sợ không dám cho con làm. 

tra-tien-cho-con-lam-viec

Tiến sĩ Minh cho rằng để trẻ tự giác san sẻ việc nhà, cha mẹ cần nói rõ cho trẻ việc nhà là trách nhiệm chung của mọi thành viên, không của riêng ai. Bằng cách xây dựng thói quen làm việc nhà, trẻ cũng học được cách tự chăm sóc bản thân ngay khi còn nhỏ. Trong gia đình cha mẹ nên phân công rõ ràng công việc cho con. 

Sau đó khi trẻ làm tốt cha mẹ nên tạo động lực bằng khen thưởng, ghi nhận và đánh giá cao con, và hướng dẫn con thêm khi con chưa thực hiện được. So với phần thưởng vật chất, đây là cách tốt hơn để trẻ trải nghiệm giá trị và niềm hạnh phúc khi giúp đỡ cha mẹ. Chuyên gia cho rằng đây là cách "củng cố tích cực", được coi như trao phần thưởng để khuyến khích và thỏa mãn sau khi đối tượng thực hiện một hành vi. Loại củng cố này liên quan đến việc bày tỏ sự ghi nhận đối với hành vi nhằm thỏa mãn đối tượng. Chuyên gia cũng hướng dẫn cha mẹ có những cách tương tác với con hiệu quả hơn là cha mẹ có thể trao phần thưởng bằng những cái ôm hay các hoạt động ngoài trời mỗi dịp rảnh rỗi. Điều quan trọng nhất là luôn nhấn mạnh với trẻ việc nhà là nhiệm vụ và trách nhiệm, không phải cứ làm là sẽ được bố mẹ cho tiền.

Gia đình bạn đang cho con tiền tiêu vặt và hướng dẫn con làm việc nhà như thế nào? Và bạn nghĩ gì về việc trả tiền công khi con làm việc nhà?

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.com.vn copy link