Con hồn nhiên "chửi thề" vì bắt chước người lớn

15:30, Thứ tư 18/12/2013

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Có nhiều gia đình hay dạy con trẻ chửi bậy rồi cười nhưng khi bé lớn lên một chút thì lại la mắng, đánh đập khi bé chửi bậy hay nói tục.

Nhiễm thói xấu từ người lớn

Thấy cậu bạn bên hàng xóm chửi tục, nghe lạ tai, đứa con trai lớn được 9 tuổi của chị N.T.Q (Phố Vọng, Hà Nội) cũng tập tành, bắt chước thử nghiệm “Đ.M mày”. Nghe vậy, chị Q liền chỉ tay vào mặt con mà mắng: “Đ.M mày, ai cho mày chửi bậy hả?”. Câu chửi dạy con được buông ra trong một phút bộc phát nhưng đã khiến những người xung quanh vừa bất ngờ vừa ngại.

Không dừng lại ở đó, chị Q lại tiếp tục tuôn ra những lời đe, mắng chất chứa đầy tính bạo lực: “Đ.C.M.M, mày thích chết à, tao không dạy được mày à, mà mày nói thế. Đ.C mày, Một lần nữa tao nghe thấy mày nói câu đấy thì đừng có trách. C.M.M”

Vừa dạy con, chị Q liên tục buông ra những câu chửi. Thế thì thử hỏi chị dạy nổi con không nói bậy bằng cách nào, khi mà chị cứ nói 1 câu lại một chửi đệm 1 câu.

Dường như đã quá quen với những lời chửi rủa như thế của mẹ, nên mặt cậu con trai của chị Q cứ lì ra. Có lẽ nó đang sợ bị mẹ đánh hơn là sợ những lời đe dọa độc địa ấy. Cháu rất hay bị đánh mỗi khi làm gì không vừa ý mẹ. Nào là làm bài tập lâu cũng bị chửi rồi đánh, ăn cơm lâu cũng bị đánh…

Mấy người hàng xóm ở ngay kế bên nhà chị Q, lỡ nghe phải mấy lời mắng chửi quá kinh dị nói trên thì chỉ biết lắc đầu. Từ 7 năm nay, họ đã thường xuyên phải nghe chị mắng con với những lời lẽ đầy bạo lực như thế. Cũng đã có vài người lớn tuổi muốn khuyên nhủ chị không nên mắng con như vậy, thì lại bị chị nói lại vào mặt không ra gì. Mãi rồi, hàng xóm cũng chán, chẳng muốn khuyên can nữa, mà chỉ còn biết ngán ngẩm, lấy làm tội nghiệp cho đứa bé. Ngày nào cũng như ngày nào, bị mẹ đánh mắng.

Ảnh minh họa.

Nhưng những câu chuyện như vậy không hiếm. Thậm chí còn có những ông bố bà mẹ dạy con, để con biết…chửi thề. Như trường hợp của nhà anh T. Nhiều lần, anh T khuyến khích con chửi… khách sau khi kêu con làm các lễ nghi… kính lão đắc thọ: “Nói Đ.M mày cho chị nghe đi con, nói đi con…” – anh T lập lại nhiều lần, thúc giục con bé chưa đầy 2 tuổi biểu diễn cho khách xem.

Mãi một lúc sau, con bé cũng nói được nguyên văn theo lời của cha trong sự cổ vũ nhiệt tình của phần lớn những người xung quanh. Nếu có ai góp ý chuyện này thì T liền gạt đi: “Trẻ con mà, biết gì đâu, nói vậy chứ không hiểu gì thì có ảnh hưởng gì đâu!”

Hay như trường hợp dở khóc dở cười của  chị Ly. Sinh được một đứa con trai kháu khỉnh, cả gia đình chị rất vui mừng, nâng như nâng trứng hứng như hứng hoa. Đặc biệt các ông chú trẻ bên nội, hễ ngày cuối tuần nào rảnh là chạy sang bế cậu bé qua nhà chơi.

Cho đến một ngày, chị Ly bất ngờ khi nghe cậu con trai nói “Đ.M mày” với… mẹ. Tra hỏi, cậu bé bi bô hồn nhiên: “Chú X dạy con nói vậy mà”. Từ đó về sau dù không được hài lòng nhưng chị vẫn quyết tâm cách ly, hạn chế cho con sang chơi với các chú.

Dạy con bằng ứng xử của cha mẹ

Các nhà tâm lý học cho rằng, bắt chước là hình thức quan trọng của học tập xã hội. Cơ chế bắt chước lây lan thì thường bị chi phối và ảnh hưởng những điều xấu dễ hơn những điều tốt.

Môi trường đứa trẻ đang sống có ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển tâm lý và hành vi của chúng. Nếu những người cha người mẹ hoặc môi trường hàng xóm xung quanh mà trẻ thường xuyên tiếp xúc có thói quen văng tục, chửi thề thì chắc chắn đứa trẻ đã học những điều này từ rất sớm.

Ngày tháng ăn sâu vào trong bản chất của chúng, mỗi lời nói tuôn ra như một phản xạ tự nhiên đến nỗi trẻ không nghĩ mình đang nói như thế là không lịch sự và văn minh.

Ảnh minh họa.

Theo tiến sĩ tâm lý giáo dục Đinh Phương Duy (Hội tâm lý giáo dục TP.HCM), những câu chửi mà trẻ nghe tưởng chừng vô hại, nhưng thật sự sẽ có ảnh hưởng không tích cực, thậm chí ảnh hưởng rất xấu đến sự phát triển tâm lý và nhân cách của trẻ. Vì với nhận thức rất ngây thơ, những “lời vàng” ấy sẽ thấm một cách từ từ và trở thành các giá trị của trẻ trong quá trình lớn khôn. Thậm chí, trẻ còn chịu ảnh hưởng có khi rắt tệ hại, lớn lên với những ngôn từ “chửi bới” rất “đanh thép”!

Đặc biệt, trẻ đang trong giai đoạn học những ngôn từ mới để hoàn thiện khả năng nói mà chưa có ý thức được bản thân nói gì hoặc chưa phân biệt được ý nghĩa tốt hay xấu của chính những “lời vàng” ấy. Cho nên những “những lời vàng ý ngọc” đó vô hình trung trở thành những từ mới học được. Nếu không được người thân phát hiện và kịp thời có biện pháp chỉnh sửa cho trẻ thì những tiếng đệm như thế sẽ còn duy trì đến lúc trưởng thành.

Bản thân của tiếng đệm luôn mang ý nghĩa tiêu cực. Chẳng ai có thể uốn nắn điều ấy cho trẻ bằng chính cha mẹ. Một khi cha mẹ ý thức được mức độ ảnh hưởng của những “lời vàng” ấy mới mong có biện pháp thích hợp để giúp trẻ sửa sai.

“Người lớn phải làm gương cho con trẻ về sự lịch sự, văn minh ngay trong cách xưng hô và sinh hoạt của gia đình mình. Đồng thời hình thành các thói quen ứng xử văn hóa trong gia đình. Mặt khác tổ chức cuộc sống gia đình lành mạnh, thân ái, gương mẫu trong sinh hoạt, học kỹ năng làm cha làm mẹ…” - Tiến sĩ tâm lý giáo dục Đinh Phương Duy nói.

Hơn ai hết, chính cha mẹ phải là người giúp con trẻ hoàn thiện về ngôn ngữ, nhân cách và tâm hồn!

chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả: Cao Thị Thủy