"Chiếc máy bay đang ở đâu đó" - ông nói - "Có người đang giấu điều gì đó. Thật không công bằng khi MAS và Malaysia phải nhận lấy trách nhiệm."
Theo ông, chiếc máy bay đã được thiết kế để có thể bị chiếm quyền điều khiển từ xa, thông qua sóng vô tuyến hoặc kết nối vệ tinh. Đơn vị thực hiện hoạt động chiếm quyền điều khiển là các cơ quan chính phủ như CIA và việc chiếm quyền diễn ra nếu người ta thấy khủng bố tìm cách xâm nhập khoang lái.
Cựu Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad đã tại vị từ 1981 đến 2003 (Nguồn: AFP)
Ông cũng nghi ngờ Boeing, nói rằng công ty chịu trách nhiệm chế tạo chiếc máy bay, gắn thiết bị liên lạc và định vị vệ tinh GPS cho nó.
"Hiển nhiên Boeing sẽ nói rằng chúng (các thiết bị liên lạc và định vị) không dễ bị vô hiệu hóa do chúng đóng vai trò quan trọng cốt yếu, giúp đảm bảo sự an toàn và hoạt động của máy bay" - ông viết - "Vì lý do nào đó, báo chí sẽ không in bất kỳ thông tin gì liên quan tới Boeing và CIA."
Theo ông Mahathir, cuộc tìm kiếm chiếc máy bay đang diễn ra là hoàn toàn vô ích. "Thật lãng phí thời gian và tiền bạc khi tìm kiếm các mảnh vỡ, vệt dầu loang hoặc lắng nghe tín hiệu ping từ hộp đen" - Mahathir viết - "Máy bay không biến mất một cách đơn giản. Chúng không thể biến mất trong thời điểm hiện nay, khi ta được trang bị các hệ thống liên lạc tối tân, hệ thống lần theo dấu vết qua radio và vệ tinh, bên cạnh các máy ảnh không dùng phim hoạt động gần như vô thời hạn và có khả năng lưu trữ khổng lồ."
Theo NY Daily News, Hiện Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao Mỹ chưa có phản ứng gì trước tuyên bố này.
Ông Mahathir, 88 tuổi, là Thủ tướng Malaysia từ năm 1981 tới năm 2003. Lâu nay ông nổi tiếng vì thường đưa ra các cáo buộc gây sốc.
Ông từng tuyên bố rằng các vụ tấn công khủng bố ngày 11/9 ở Mỹ chỉ là cái cớ để người ta tấn công thế giới Hồi giáo. Ông cũng nói rằng người Do Thái đang ngấm ngầm điều hành thế giới thông qua các nhân vật và chính quyền bình phong.
Chuyến bay mang số hiệu MH370 của MAS đã mất tích không một dấu vết vào ngày 8/3 khi đang trên đường từ Kuala Lumpur tới Bắc Kinh, Trung Quốc.
Một cuộc tìm kiếm với nhiều nước tham gia đã sục sạo khắp nơi trên biển Ấn Độ dương, nơi người ta phát hiện nhiều vật thể nghi vấn, nhưng tới nay vẫn chưa vớt được mảnh vỡ nào của máy bay./.