"Chúng tôi muốn xác nhận rằng lời cuối cùng trong cuộc trao đổi giữa trạm kiểm soát không lưu và buồng lái diễn ra vào lúc 1h19 (giờ Malaysia) và đó là 'Chúc ngủ ngon, Malaysia ba bảy không'", CNN dẫn thông cáo được Bộ Giao thông Malaysia đưa ra vào đêm qua cho biết.
Trang bìa của tờ The Star xuất bản ở Kuala Lumpur với thông điệp "Yên nghỉ nhé MH370". |
Thông báo này được đưa ra sau khi có nhiều câu hỏi được nêu lên trong cuộc họp báo của ông Hishammuddin hôm qua về những lời đối đáp cuối cùng giữa buồng lái MH370 với trạm kiểm soát không lưu.
Bộ Giao thông đã yêu cầu nhóm điều tra về MH370 công bố đầy đủ nội dung của cuộc trao đổi đến thân nhân của những người mất tích vào cuộc họp báo tới. Giới chức sẽ tìm hiểu xem liệu cơ trưởng hay cơ phụ là người nói câu trên.
Trước đó, hôm 17/3, Tổng giám đốc của Malaysia Airlines Ahmad Jauhari Yahya từng cho biết cơ phó là người nói lời cuối cùng.
Phiên bản mới về lời cuối cùng này có sự thay đổi so với trước. Cách đây vài tuần, chính phủ Malaysia tuyên bố những từ cuối cùng phát ra từ chuyến bay mất tích của hãng hàng không quốc gia là "Được rồi, chúc ngủ ngon" và người nói câu này là cơ phụ Fariq Abdul Hamid, 27 tuổi.
Phi công nói chúc ngủ ngon sau khi trả lời yêu cầu liên lạc của trạm kiểm soát không lưu Malaysia, trong đó trạm nói với phi công rằng họ đang chuẩn bị vào không phận Việt Nam, và rằng các kiểm soát viên không lưu của thành phố Hồ Chí Minh chuẩn bị tiếp nhận máy bay. Sau đó hai phút, thiết bị truyền tín hiệu về radar dân sự của MH370 ngừng hoạt động.
Theo nhà phân tích hàng không Mary Schiavo, câu "Chúc ngủ ngon Malaysia 370" là thông dụng, chuẩn, và không phải là dấu hiệu cho thấy có điều gì bất ổn xảy ra trên chuyến bay. Tuy nhiên, sự không nhất quán trong việc công bố thông tin của giới chức Kuala Lumpur khi cuộc tìm kiếm MH370 đã kéo dài đến ba tuần làm dấy lên nhiều nghi ngờ về cách Malaysia điều tra vụ việc này.
"Chúng ta có một bi kịch về tai nạn máy bay, chúng ta cũng có bi kịch về một cuộc điều tra thất bại và sau đó chúng ta phải đặt ra câu hỏi về việc chúng ta đang đi từ đâu", Michael Goldfarb, một cựu quan chức của Cục Hàng không Liên bang Mỹ nhận xét.
Tuy nhiên, quyền Bộ trưởng Giao thông kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Hishammuddin Hussein hôm qua khẳng định rằng giới chức nước này không hề che giấu bất cứ điều gì khi từ chối cung cấp một số chi tiết về chuyến bay mất tích. Những chi tiết chưa được công bố là một phần trong cuộc điều tra đang diễn ra về máy bay, ông nói.
"Chúng tôi không che giấu gì cả. Chúng tôi chỉ đang làm theo quy trình đã được thiết lập", ông Hussein nói.
Thân nhân hành khách Trung Quốc đã cáo buộc chính phủ Malaysia tắc trách trong việc tìm kiếm chiếc máy bay mất tích, thậm chí có người còn cho rằng chính phủ Malaysia đang cố che đậy vụ việc.
"Người Trung Quốc rất tốt bụng và dễ mến, nhưng chúng tôi biết thế nào là đúng sai. Chúng tôi không tha thứ cho những kẻ làm tổn thương gia đình chúng tôi, che giấu sự thật và làm trì hoãn chiến dịch tìm kiếm, cứu hộ", ông Jiang Hui, phát ngôn viên của một nhóm gồm 30 thân nhân, nói.
Theo tờ Straits Times của Singapore, trong số các giả thuyết được đặt ra cho số phận của MH370 có các giả thuyết như không tặc hay phi công phá hoại.
Hộp đen máy bay MH370 sắp hết pin Đài phát thanh Trung ương Trung Quốc cho biết, tính đến nay, chuyến bay MH370 của hãng hàng không Malaysia Airlines bị mất tích đã 24 ngày. Bộ trưởng giao thông vận tải Malaysia Hishamuddin Hussein cho biết, nguồn điện tích trữ của hộp đen máy bay MH370 sẽ bị cạn dần và hết sạch, nhưng Malaysia sẽ không bỏ cuộc. Hiện các bên tham gia tìm kiếm vẫn đang tiếp tục công việc, lực lượng máy bay tham gia tìm kiếm MH370 tiếp tục phát hiện thêm nhiều vật thể trôi nổi tại khu vực biển nam Ấn Độ Dương. Máy bay tuần tra không quân New Zealand ngày 28-03 đã phát hiện tới 11 vật thể khả nghi hình chữ nhật tại vùng biển Perth của Australia về phía tây 1.600 km; ngày hôm sau, máy bay IL-76 không quân Trung Quốc cũng đã phát hiện thấy 3 vật thể trôi nổi tại khu vực biển Australia. |