Dân lo ngại vì dự báo "nhảy múa" loạn xạ

07:00, Thứ năm 05/12/2013

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Chỉ sau một ngày, bản tin dự báo triều cường của Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ được điều chỉnh giảm biên độ từ 2-8cm. Nhiều người mừng vì đỉnh triều không đạt giá trị lịch sử (1,68m) nhưng lại lo vì công tác dự báo.

Dự báo triều cường sai số lớn

Theo Tuổi trẻ, bản tin dự báo ngày 3/12 dự báo đỉnh triều ngày 4/12 là 1,64-1,66m nhưng bản tin ngày 4/12 lại nhận định đỉnh triều chỉ 1,56-1,62m (chênh lêch từ 4-8cm).

Tương tự bản tin ngày 3/12 nhận định đỉnh triều ngày 5/12 sẽ chạm mốc lịch sử 1,67-1,68m nhưng bản tin ngày hôm sau lại cho rằng đỉnh triều chỉ ở mức 1,59-1,65m (chênh lệch 3-8cm).

Bản tin dự báo triều cường ngày 3-12 (ảnh trên) và bản tin dự báo ngày 4-12 (ảnh dưới) (Trích bản tin dự báo Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ)
Bản tin dự báo triều cường ngày 3/12 (ảnh trên) và ngày 4/12 (ảnh dưới) (Trích bản tin dự báo Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ, Ảnh TTO)

Tuy công tác dự báo chỉ trong một ngày có sai số lớn nhưng một cán bộ Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ cho rằng việc dự báo đúng, sai so với thực tế là bình thường và mức sai số trên nằm trong mức cho phép (từ 5-12cm, tùy theo đợt triều và các yếu tố tác động). Nguyên nhân do gió đông bắc - yếu tố tác động làm triều cường cao thêm đột ngột yếu đi.

Trong khi đó, một cán bộ dự báo thủy văn khu vực Trung bộ - Tây nguyên và Nam bộ cho rằng việc dự báo triều cường tại trạm Phú An trên sông Sài Gòn còn phụ thuộc vào việc truyền dữ liệu biên độ triều từ Vũng Tàu về. Mới đây biên độ triều có sự thay đổi dẫn đến công tác dự báo thay đổi. Tuy nhiên ông này nhìn nhận chỉ trong một ngày mà hai bản tin dự báo đưa ra có số liệu chênh lệch cao thì nhiều người sẽ cho rằng không hợp lý.

Dự báo sai, hậu quả ai chịu?

Những thông tin dự báo thời tiết, dự báo triều cường là yếu tố quan trọng hàng đầu, góp phần hạn chế thiệt hại do thiên tại gây ra đối với tính mạng và tài sản của con người. Tuy nhiên, suốt một thời gian dài qua, công tác dự báo thời tiết đã có nhiều dự báo sai, gây tổn thất nghiêm trọng, khiến không ít người quay lưng lại với hoạt động dự báo ở nước ta.

Còn nhớ  vào mùa hè năm 2006, khi cơn bão ChanChu đổ bộ vào Việt Nam, hàng chục ngư dân ở Quảng Nam và Quảng Ngãi đã phải bỏ mạng giữa biển khơi, một phần là do công tác dự báo về cơn bão này quá thiếu chính xác. Bão Chanchu không đổ bộ vào đất liền nhưng thiệt hại về nhân mạng thì vô cùng to lớn bởi lẽ thay vì cho tàu chạy đến những nơi mà bão sẽ không quét qua thì chỉ vì tin vào nhà đài, hàng trăm tàu thuyền của ngư dân lại chạy “trước mặt bão” để rồi bị chính cơn bão ấy nhấn chìm.

Mới vừa năm ngoái thôi, ngành khí tượng thủy văn lại có thêm “thành tích” trong công tác dự báo về cơn bão Sơn Tinh khi việc dự báo đường đi và cường độ bão đã không sát với diễn biến, dẫn đến việc tổ chức phòng, chống bão nảy sinh nhiều bất cập, đặc biệt là việc kêu gọi tàu thuyền về nơi trú tránh.

Và rồi sau mỗi lần xảy ra những dự đoán sai lầm vậy, ngành khí tượng lại tổ chức họp thông báo với dư luận về những nguyên nhân dự  báo sai. Nào là hướng đi phức tạp, sai số cho phép, hệ thống máy móc không đồng bộ…. nhưng rồi thời gian sau, công tác dự báo thời tiết vẫn chưa có những biến chuyển nhiều trong công tác chuyên môn, dẫn đến nhiều sai lầm tiếp diễn trong công tác dự báo của mình

Vẫn biết, thiên tai vốn khắc nghiệt, dự báo thời tiết cũng sẽ khó tránh khỏi những sai sót. Tuy nhiên không phải vì thế mà ngành khí tượng thủy văn để xảy ra tình trạng có ó nhiều dự báo sai, sai số quá lớn, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân.

chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả: Phạm Đông