Trong số các bài tập vận động, đi bộ được công nhận là một hình thức tập thể dục đơn giản, tiết kiệm mà hiệu quả. Thông qua quá trình đi bộ, người ta cũng có thể đánh giá tổng thể sức khỏe của một người. Khi cơ thể xuất hiện bất thường, đôi chân sẽ lập tức lên tiếng vì đó có thể là những mầm bệnh sẽ đánh sụp sức khỏe của bạn.
Nếu đi bộ mà thấy xuất hiện 5 dấu hiệu này bạn nên cảnh giác, theo dõi và khám chữa kịp thời. Còn nếu không thấy thì thật đáng chúc mừng.
Chóng mặt và đau đầu
Trong quá trình đi bộ, chúng ta tiêu hao một lượng thể lực nhất định. Đương nhiên trong quá trình tiêu thụ oxy, cơ thể cũng được vận động, bình thường sẽ không xuất hiện chóng mặt, đau đầu.
Nhưng nếu có người thưởng cảm thấy chóng mặt và đau đầu khi đi lại, hãy cảnh giác với những điều không ổn trong cơ thể. Bạn có thể bị bệnh mạch máu não, khi đó, chóng mặt là dấu hiệu báo trước của đột quỵ.
Đau và tức ngực
Một số người vừa đi bộ được vài bước đã cảm thấy đau, tức ngực. Cố đi tiếp thì họ có thể khó chịu quá mức nên cần dừng lại nghỉ ngơi. Người rơi vào tình trạng này phải cảnh giác với các triệu chứng của bệnh tim mạch vành.
Tình trạng này xuất hiện khi một hoặc nhiều nhánh của động mạch vành bị hẹp hay bị cản trở do sự hình thành những mảng bám tích tụ bên trong. Các động mạch trong cơ thể chúng ta vốn dĩ mềm mại và đàn hồi, nay trở nên hẹp và cứng hơn do sự xuất hiện của các mảng bám qua thời gian như cholesterol và các chất khác bám trên thành mạch máu, gọi là chứng xơ vữa động mạch.
Khi bệnh mạch vành tiến triển, sự lưu thông máu qua động mạch trở nên khó khăn hơn. Hậu quả là cơ tim không thể nhận đủ lượng máu và oxy cần thiết, dẫn đến tình trạng đau thắt ngực hoặc nhồi máu cơ tim. Tình trạng nghiêm trọng hơn có thể rất nguy hiểm nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.
Đi đứng không vững, dễ mất thăng bằng
Sau mỗi bước đi mà bạn cảm thấy chuếnh choáng, bàn chân không vững thì có thể do hệ thần kinh trung ương bị tổn thương. Trong sinh hoạt hàng ngày, bạn phải chú ý ăn uống nhẹ nhàng, không nên ăn đồ ăn quá nhiều dầu mỡ. Tiểu não là bộ phận chịu trách nhiệm giữ thăng bằng trong cơ thể con người, nếu tiểu não không bình thường sẽ mất cảm giác thăng bằng, người bệnh sẽ có cử động bất thường khi đi lại.
Dáng đi run rẩy
Đây là biểu hiện Parkinson phổ biến nhất. Tình trạng run rẩy hoặc co giật thường xảy ra tại cổ tay, ngón tay, bàn tay hoặc bàn chân. Trong một số trường hợp, run rẩy và co giật có thể xuất hiện tại cả các bộ phận khác như môi, lưỡi và cằm. Trong lúc đi bộ nếu cảm thấy cơ thể bị run thì đừng nên bỏ qua mà cần cảnh giác, đi khám bệnh kịp thời.
Nếu để thần kinh thoái hóa nặng hơn, người bệnh Parkinson rất dễ bị run ngay cả khi nghỉ ngơi, không làm gì. Điều này sẽ gây ảnh hưởng lớn tới sinh hoạt hàng ngày.
Bất thường về khớp
Một điều nữa bạn cần cảnh giác là khi có bất thường về khớp khi đi lại. Có một số người sẽ cảm thấy đau bất thường ở khớp gối và rối loạn vận động, còn có người sẽ cảm thấy đau vùng thắt lưng và chân, đau dữ dội sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của người bệnh.
Nguy cơ loãng xương, thoái hóa khớp,… cũng sẽ tăng lên nhiều theo tuổi tác, gây ảnh hưởng nghiêm trọng nếu không được thăm khám, chữa bệnh kịp thời. Những yếu tố này có thể trở thành nguyên nhân quan trọng ảnh hưởng đến việc đi lại.
Một số lưu ý với người cao tuổi khi đi bộ
Sau tuổi 65, mọi người không nên đi bộ vào lúc trời đang mưa, rét hoặc nắng gắt. Những nơi nhiều bụi bặm, nhiều xe cộ đi lại vì sẽ có nhiều nguy cơ và ảnh hưởng tới sức khỏe. Bên cạnh đó, đi bộ khi mặt trời chưa mọc hoặc khi mặt trời đã lặn cũng không tốt cho sức khỏe.
Trong ngày, thời điểm thích hợp nhất để vận động là 7-9 giờ sáng hoặc 16-18 giờ chiều khi còn ánh nắng.
Người quá béo đi bộ có thể đẩy nhanh quá trình thoái hóa khớp gối và khớp đốt sống. Vì vậy, những người thừa cân nên lựa chọn phương pháp tập luyện khác ít tác động đến cột sống và khớp gối. Nên đi bộ theo nhóm để có thể giúp đỡ nhau nếu có sự cố xảy ra trong khi tập luyện. Hơn nữa, có đông người trò chuyện cũng sẽ kích thích tinh thần tập luyện hơn.