Những thực phẩm không nên cho vào tủ lạnh
1. Bánh mì
Bánh mì là thực phẩm bạn không nên cho vào tủ lạnh vì nó có thể hút không khí lạnh trong tủ, dễ bị ỉu và thay đổi mùi vị hoặc trở nên khô cứng. Để bảo quản bánh mì, bạn nên cho chúng vào trong một chiếc túi có lỗ thoát khí và đặt ở nơi thoáng mát.
2. Hành tây
Nếu để hành tây trong tủ lạnh, chúng có thể bị mềm hoặc nhiếm nấm mốc. Bên cạnh đó, hành tây có mùi rất hăng nên có thể lây lan trong môi trường kín như tủ lạnh, làm cho toàn bộ thực phẩm khác đều bị nhiễm mùi.
3. Mật ong
Nhiều người có thói quen bảo quản mật ong trong tủ lạnh nhưng lại không biết rằng nó có thể khiến mật ong mất đi giá trị dinh dưỡng vốn có. Ở nhiệt độ thấp, tốc độ kết tinh của đường trong mật ong sẽ diễn ra nhanh hơn, biến mật ong thành một thứ gần giống như bột.
Cách tốt nhất để duy trì giá trị dinh dưỡng của mật ong là bảo quản trong lọ thủy tinh đậy nắp kín và để ở nhiệt độ thường. Bản thân mật ong là một chất bảo quản tự nhiên cực kỳ tốt nên khi để ở trong điều kiện môi trường bình thường nó vẫn giữ được hương vị.
4. Khoai tây
Khoai tây là thực phẩm không phù hợp để bảo quản trong môi trường lạnh vì dưới 7 độ C, tinh bột trong khoai tây bắt đầu bị phá vỡ, chuyển thành đường. Chính vì vậy mà hương vị của thực phẩm này sẽ không còn ngon và bổ dưỡng như trước.
5. Chuối
Chuối khi được bảo quản trong tủ lạnh rất dễ bị mềm nhũn và có vị hơi cay khi chín. Bên cạnh đó, chuối xanh khi cho vào tủ lạnh sẽ làm chậm quá trình chín của loại quả này.
6. Cà chua
Theo nhiều nghiên cứu, cà chua bảo quản ở môi trường tự nhiên có hương vị thơm ngon hơn so với để trong tủ lạnh. Với nhiệt độ dưới 12 độ C, những chất dinh dưỡng có trong thực phẩm này sẽ bị ảnh hưởng, đồng thời làm thay đổi kết cấu tự nhiên, cản trở việc sản sinh ra các hợp chất dễ bay hơi có trong cà chua. Vì vậy, cách tốt nhất là bạn nên để cà chua ở môi trường nhiệt độ thường và bảo quản ở nơi thoáng mát, tránh độ ẩm.
Lưu ý khi sử dụng tủ lạnh
1. Vệ sinh tủ lạnh thường xuyên
Không lau chùi sạch sẽ tủ lạnh trong một thời gian dài, sẽ khiến thức ăn dễ dàng nhiễm các loại vi khuẩn gây bệnh. Do vậy, chuyên gia y tế khuyến khích thường xuyên làm sạch tủ lạnh mỗi tuần. Tuy nhiên, không khuyến khích làm sạch tủ lạnh bằng chất tẩy rửa, chất khử trùng,… để tránh ô nhiễm thứ cấp.
2. Đặt vị trí các thực phẩm trong tủ lạnh
- Rửa sạch tay trước khi cất đồ ăn, đóng hộp thực phẩm.
- Thực phẩm sau khi nấu chín, để nguội, dùng màng bảo quản thực phẩm hoặc hộp chuyên dụng đậy kín và cho ngay vào tủ lạnh. Nếu để càng lâu, một loại vi khuẩn là Listeria sẽ phát triển, đặc biệt với các tủ lạnh có nhiệt độ trên 4ºC.
- Không cho thức ăn còn nóng vào tủ lạnh vì đột ngột cho vào môi trường nhiệt độ thấp, thức ăn sẽ bị ngưng tụ hơi nước, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của nấm mốc.
- Thức ăn thừa khác nhau cần phải bỏ riêng để tránh lây nhiễm chéo vi khuẩn.
- Thời gian bảo quản thức ăn thừa trong tủ lạnh cũng không nên quá dài, tốt nhất chỉ trong vòng 4 - 5 ngày.
- Chú ý nấu lượng thức ăn vừa đủ. Một số loại thực phẩm không nên hâm, nấu lại mà nên sử dụng ngay trong ngày như cơm, các thực phẩm từ nông sản, trứng đã bóc vỏ, hải sản, các sản phẩm từ sữa.
- Thực phẩm khi cất giữ trong tủ lạnh nên chia thành các lượng vừa đủ cho một lần dùng. Thịt tươi tốt nhất mang ra chế biến càng sớm càng tốt,
- Khi lấy thực phẩm ra khỏi tủ lạnh nên chế biến ngay không được lấy ra rồi lại đưa vào bảo quản tiếp.
- Bảo quản thức ăn thừa tránh xa các thực phẩm sống, thịt gia cần, hải sản để ngăn ngừa vi khuẩn xâm nhập.
- Giữ nhiệt độ tủ lạnh dưới 4ºC, tủ đông là dưới 0ºC.
- Nếu cảm thấy nghi ngờ thức ăn đã hư hỏng thì nên vứt bỏ thức ăn thừa ngay. Vi khuẩn vẫn có thể phát triển ngay trong tủ lạnh, khiến thức ăn không còn tươi và gây hại cho sức khỏe.