Trẻ từ 3 tuổi trở lên đã có thể học được các bài học cơ bản về giá trị của đồng tiền và trên thực tế, dạy trẻ không khó như các bố mẹ nghĩ. Hãy tham khảo các bí quyết dưới đây:
Có làm thì mới được trả công.
Điều này có nghĩa là phụ huynh sẽ phân ra hai loại công việc để giao cho trẻ. Một loại là việc mà các con phải tự làm và không được nhận tiền như đánh răng, ăn uống, học giỏi… bởi đây là các hoạt động liên quan trực tiếp tới cá nhân cháu bắt buộc phải tự làm.
Loại việc còn lại, bố mẹ sẽ trả tiền cho con nhằm khuyến khích tinh thần lao động và trách nhiệm của chúng với đồng tiền như giao các cháu tưới cây, cho thú ăn, dọn dẹp phòng…. Số tiền mà cha mẹ cho nên căn cứ vào số tuổi, chẳng hạn trẻ 3 tuổi thì mỗi lần hoàn thành tốt công việc được giao thì cho chúng 3.000 đồng, với trẻ 5 tuổi sẽ là 5.000 đồng…
Cho trẻ học làm quen với giá trị của đồng tiền
Trẻ chưa làm ra tiền không có nghĩa là chưa thể học về giá trị của tiền. Trẻ cần được tiếp xúc với tiền để hiểu các khái niệm cơ bản về chi tiêu. Các bố mẹ có thể cho trẻ từ 3 tuổi tiếp xúc với tiền bằng cách cho con trả tiền khi đi siêu thị. Con sẽ hiểu tiền dùng để trao đổi, mua đồ dùng.
Khi con 4 tuổi, cho con những đồng tiền lẻ bỏ vào lợn đất/ heo đất để tiết kiệm hoặc chơi các trò chơi như mua hàng hoặc ngân hàng để dạy trẻ những khái niệm cơ bản nhất về tiền.
Dạy trẻ giá trị của tiền và đồ đạc
Bố mẹ cần dạy trẻ rằng những đồ đạc trong nhà cũng cần phải được trân trọng, bố mẹ phải đi làm kiếm tiền mới có thể mua được những thứ đó. Đây là 1 trong những nền tảng của giáo dục về giá trị của đồng tiền.
Khi đồ chơi, đồ dùng hay sách vở bị hỏng, bố mẹ không nên dạy con là bố mẹ sẽ mua cái khác cho con ngay. Thay vào đó, hãy nhẹ nhàng giải thích với con là mua đồ mới cần phải có tiền, và bố mẹ sẽ cân nhắc xem có nên mua đồ mới thay thế không. Đây cũng là cơ hội để trao đổi với trẻ về những thứ khác trong gia đình cũng cần phải trả tiền để có như thức ăn, quần áo, đồ dùng...
Cho con những sự lựa chọn
Dạy trẻ khả năng chờ đợi là 1 trong những nền tảng cơ bản để hiểu giá trị của đồng tiền. Và bố mẹ nên dạy trẻ từ sớm, kể cả những vấn đề không liên quan đến tiền. Ví dụ như trẻ muốn ăn 1 cái bánh trong lúc bạn đang bận quét nhà, đừng lấy bánh ngay cho trẻ mà hãy nói với con rằng khi nào mẹ quét nhà xong thì sẽ lấy bánh cho con. Nếu con muốn mua 1 bộ quần áo mới, hãy nói với con là đợi đến sinh nhật hoặc Giáng sinh.
Khi bạn đưa bé đi mua sắm mọi thứ, bạn hãy đặt ra những câu hỏi với bé như: “Theo con mình có cần thiết mua món này không? Hay để dành tiền mua đồ chơi con thích nhé?”.
Giải thích cho bé hiểu các quyết định liên quan đến tiền bạc của bạn, như khi đưa bé đi mua sắm, hãy nói với con rằng: “Mẹ mua khăn giấy với số lượng lớn là để có được mức giá rẻ hơn mua lẻ, mình có thể để dành sử dụng dần”.
Cho con một khoản tiền nhất định khi bé cùng đi siêu thị với mẹ. Hướng dẫn bé lựa chọn những món đồ muốn mua sao cho hợp với số tiền mình có được hoặc dư ra chứ mẹ không phải chi thêm tiền.
Ví dụ khi con 5 tuổi, con hãy tự tiết kiệm tiền để mua kẹo. Mỗi tuần hãy cho trẻ 1 khoản tiền nhỏ và giải thích cho con rằng con sẽ được mua những thứ con thích. Trẻ sẽ học cách tự chi tiêu và để dành để mua những thứ lớn hơn.
Khi trẻ lớn hơn khoảng 6-7 tuổi trở lên và muốn mua đồ chơi, hãy cùng con lên 1 kế hoạch chi tiêu, tiết kiệm để có được khoản tiền cần thiết. Có thể các bố mẹ sẽ nghe được những lời phàn nàn từ phía con nhưng trẻ sẽ học được nhiều thứ, ngoài giá trị của tiền, còn là sự tự tin của bản thân khi tự mình tiết kiệm mua được những gì mình muốn.
Dạy cho trẻ tầm quan trong của việc chi tiêu đúng
Những trao đổi về tiền với con có thể bắt đầu từ những thứ rất đơn giản, ví dụ như khi đi rút tiền cùng con ở ATM, bạn có thể giải thích là mẹ đã cho tiền vào đó và bây giờ lấy ra 1 ít để mua đồ. Điều này sẽ giúp con hiểu không phải mọi thứ lúc nào cũng có sẵn.
Hoặc khi cùng con đi mua sắm, hãy nói những suy nghĩ của mình cho con, ví dụ nếu mẹ rất thích bộ nồi mới này, nhưng nếu mẹ mua thì tháng này sẽ không đủ tiền để trả tiền điện, tiền đò ăn. Mà điện rất quan trọng để nấu ăn, tắm giặt nên chắc mẹ sẽ để dành tiền mua sau. Những trao đổi này sẽ dạy trẻ những bài học cơ bản nhất về chi tiêu.
Điều quan trọng là bố mẹ phải nhẹ nhàng, và dạy con bằng các bài học thực tế, tránh những bài thuyết trình dài dòng, gây cho trẻ sự mơ hồ và khó hiểu.