Nhiều người đồng tình thí điểm tăng tuổi hưu ở đối tượng quản lý, chuyên gia (Ảnh minh họa).
Dự thảo Luật BHXH sửa đổi đã được đưa vào chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội khóa XIII, dự kiến sẽ trình Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2014) và thông qua vào kỳ họp thứ 8 (cuối năm 2014). Ban soạn thảo Dự thảo Luật BHXH sửa đổi đã đưa ra hai phương án quy định lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu đối với từng nhóm đối tượng.
Phương án 1: Từ năm 2016 trở đi, công chức, viên chức cứ 3 năm tăng lên 1 tuổi cho đến khi đạt 62 tuổi đối với cả nam và nữ. Từ năm 2020 trở đi, các đối tượng còn lại 3 năm tăng lên 1 tuổi cho đến khi đạt 62 tuổi.
Phương án 2: Từ năm 2016 trở đi, công chức, viên chức 3 năm tăng lên 1 tuổi cho đến khi đạt 60 tuổi với nữ và 62 tuổi với nam. Từ năm 2020 trở đi, các đối tượng còn lại 3 năm tăng 1 tuổi cho đến khi đạt 60 tuổi với nữ và 62 tuổi với nam.
Như vậy, trước mắt sẽ quy định lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu đối với cán bộ, công chức, viên chức từ năm 2016 trở đi, từ năm 2020 thực hiện tăng tuổi nghỉ hưu với các nhóm còn lại theo hướng mỗi năm tăng thêm bốn tháng tuổi cho đến khi đạt 62 tuổi với nam và 60 tuổi với nữ. Còn đối với lao động làm công việc nặng nhọc, độc hại, tuổi nghỉ hưu giữ như hiện hành.
Trước đó, điều kiện nghỉ hưu và hưởng lương hưu, người lao động khi nghỉ việc có đủ 20 năm đóng BHXH trở lên được hưởng lương hưu khi nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi hoặc nam từ đủ 55 tuổi đến đủ 60 tuổi, nữ từ đủ 50 tuổi đến đủ 55 tuổi và có đủ 15 năm làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ LĐ-TB&XH và Bộ Y tế ban hành hoặc có đủ 15 năm làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên.