Dịch sởi diễn biến nặng chưa từng thấy

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Trong 40 năm hành nghề của mình, PGS.TS Phạm Nhật An, Phó Giám đốc, Bệnh viện Nhi Trung ương, chưa từng thấy năm nào có dịch sởi diễn biến nặng như năm nay.

Khoảng 2 tháng trở lại đây, Bệnh viện Nhi Trung ương luôn ở trong tình trạng quá tải trầm trọng do lượng bệnh nhân nhập viện tăng cao. Sự quá tải không chỉ xảy ra ở khu vực phòng khám mà tại hầu hết các khoa điều trị nội trú, đặc biệt là tại khoa Truyền nhiễm. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là sự gia tăng đột biến số bệnh nhi mắc sởi. 

Mô tả ảnh.
Năm nay có rất nhiều bệnh nhi mắc sởi biến chứng nặng

Chẳng hạn như trong tháng 3 vừa qua, bên cạnh số bệnh nhi nhập viện vì viêm phế quản chiếm tỷ lệ cao nhất thì số bệnh nhi mắc sởi nhập viện cao thứ 2 trong số 5 loại bệnh phổ biến. Đây là điều chưa từng có trong nhiều năm trở lại đây.

Ông Lê Thanh Hải, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết năm nay, dịch sởi rất lạ, đó là gây biến chứng viêm phổi nặng. Bệnh nhi nhập viện bình thường, điều trị ngay nhưng diễn biến nặng lên trông thấy và nhiều bệnh nhi đã tử vong.

Ông Hải cho biết, lần đầu tiên bệnh viện đã phải phân loại và dành riêng khoa Truyền nhiễm chỉ để tiếp nhận điều trị cho bệnh nhi mắc sởi. Lúc cao điểm có tới hơn 200 bệnh nhân biến chứng viêm phổi nặng do sởi nên số này phải nằm ghép 3-4 bệnh nhân một giường. Riêng Khoa truyền nhiễm cho đến ngày 4/4 có hơn 200 bệnh nhân biến chứng sởi gây viêm phổi.

Theo PGS.TS Phạm Nhật An, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, chưa bao giờ ông thấy dịch sởi diễn biến phức tạp và nặng nề như trong vụ dịch năm nay. “Vào những năm 70 của thế kỷ trước tôi từng chứng kiến nhiều trẻ mắc sởi bị hoại tử, mù lòa, tiêu chảy, suy sinh dưỡng... nhưng năm nay, dịch sởi diễn biến còn đặc biệt hơn, nhất là có nhiều ca sởi gây biến chứng viêm phổi rất nặng. Dù các bác sĩ đã điều trị tăng cường miễn dịch, dùng kháng sinh ngay từ đầu nhưng tình trạng bệnh của trẻ vẫn rất nặng", ông An nói.

Tình trạng này cũng diễn ra tại Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai. PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, dịp tháng 3 - tháng 4 năm nào cũng vậy lượng bệnh nhân đều tăng lên do đang giai đoạn chuyển mùa. Tuy nhiên, năm nay quá tải trầm trọng bởi thêm sởi.

Theo PGS Dũng, diễn biến bất thường của sởi, nên phần lớn các ca bị viêm phổi do sởi đều phải chỉ định nhập viện điều trị, dù quá tải vẫn phải nhận vì không dám chỉ định điều trị ngoại trú. Không ít bệnh nhân buổi sáng đến khám tỉnh táo, chỉ ho, sốt nghĩ viêm phổi bình thường, đến chiều tối đã diễn biến nhanh, suy hô hấp khiến thầy thuốc phải rất thận trọng, cứ bệnh nhi bị sởi mà viêm phổi là phải nhập viện, vì không đoán được diễn biến của bệnh.

Đáng lo ngại là tại Bệnh viện Nhi Trung ương, hiện có hơn 100 trẻ phải thở ôxy và có thể ngừng thở bất cứ lúc nào do bệnh hô hấp và sởi biến chứng.

Các bác sĩ cho biết, thời tiết thay đổi, nóng lạnh thất thường tạo điều kiện thuận lợi cho các loại vi khuẩn, virus phát triển và gây bệnh cho trẻ. Ngoài ra, do sức đề kháng của trẻ non yếu nên các loại vi khuẩn, virus dễ dàng tấn công trẻ. Bệnh viêm đường hô hấp do virus rất nguy hiểm, dễ gây biến chứng, không được điều trị kịp thời có thể để lại những biết chứng ảnh hưởng đến sức khỏe dẫn đến các bệnh mãn tính, ảnh hưởng đến sự sống của trẻ.

Các chuyên gia khuyến cáo, khi phát hiện trẻ có sốt phát ban, cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để được điều trị và cách ly kịp thời, tránh lây nhiễm cho cộng đồng. Để phòng, chống bệnh sởi, cách tốt nhất là nên đưa trẻ đi tiêm chủng vắc xin sởi đầy đủ, đúng lịch.

Đối với các bệnh về hô hấp, để phòng tránh, các bậc phụ huynh nên giữ ấm cho trẻ khi về đêm và gần sáng, cởi bớt đồ khi trưa nắng nóng, chống ô nhiễm, tránh khói thuốc lá, bụi xe. Bên cạnh đó, phụ huynh nên cung cấp cho trẻ đủ dinh dưỡng, rửa tay thường xuyên là cách giúp trẻ phòng bệnh trong thời tiết thất thường.

Chưa điều chỉnh lịch tiêm chủng 

PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế cho biết, thời gian qua ngành y tế đã xem xét, cân nhắc dựa trên diễn biến sau nhiều dịch sởi và thấy rằng chưa cần thiết phải điều chỉnh lịch tiêm chủng vaccine sởi cho trẻ nhỏ. Trong dịch sởi năm nay, ở nước ta có khá nhiều trẻ dưới 9 tháng tuổi đã mắc sởi, trong khi độ tuổi tiêm vaccine sởi mũi 1 là 9 tháng tuổi trở lên. Tuy nhiên, hiện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vẫn khuyến cáo nên giữ nguyên lịch tiêm chủng vaccine sởi như hiện tại bởi theo tính toán thì số trẻ dưới 1 tuổi mắc sởi chiếm tỷ lệ rất nhỏ.

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn