Bác sỹ Nguyễn Văn Dũng, Trưởng phòng T4, Viện sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, bác sĩ vừa tiếp nhận bệnh nhân Hoàng Văn Phương (tên đã được thay đổi) ở Hà Nội vì có biểu hiện kích động, hoang tưởng.
Hoàng Văn Phương tại Viện sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai.
Theo người nhà bệnh nhân, ngày 24/3, bà Nguyễn Thị Th. mẹ của Phương đi chợ về thấy con không chịu học mà mải mê chơi game cất máy tính vào trong phòng riêng không cho sử dụng.
Bực tức với mẹ, Phương cầm ghế đập phá tất cả những gì có trong nhà. Khi mẹ vào can ngăn và kèm theo vài lời chửi mắng, Phương tiện tay cầm phích nước đập thẳng vào đầu bà Th. Thấy bà Th. bị bỏng và ôm đầu kêu khóc, Phương càng la hét và không làm chủ được hành vi của mình. Hàng xóm thấy vậy kéo đến can ngăn và khống chế cậu đưa vào Viện sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai để điều trị.
Theo bác sỹ Dũng, tuy bệnh nhân Phương có dáng người nhỏ và gầy nhưng để chuyển được bệnh nhân này đến bệnh viện thì phải 4 người trói chân tay Phương lại mới có thể di chuyển được. Họ phải giữ chặt thì bác sĩ mới tiêm được cho Phương.
Chiều ngày 30/3, bác sỹ Dũng đưa chúng tôi đến buồng bệnh nhân hỏi thăm, Phương vẫn trong nửa say, nửa tỉnh. Bác sỹ Dũng có hỏi: “Vào đây làm gì có biết không, cháu có biết đã đánh mẹ phải nằm viện vì ‘vỡ đầu’ không”, thì Phương chỉ lắc đầu và khuya tay, kéo chăn kín đầu.
Người nhà bệnh nhân cho biết, từ nhiều năm nay Phương thường chơi game, có những lần ngồi vào máy tính 2 ngày liên tục không chịu ăn cơm mà chỉ “gặm” bánh mỳ với nước lọc. Gần đây Phương biểu hiện rõ của một kẻ nghiện game, thường xuyên bỏ học và nhiều lúc một mình trong phòng riêng cũng la hét, dậm chân, đập tay trước màn hình máy tính.
Một người chăm sóc cho bệnh nhân Phương ở bệnh viện kể lại: “Tôi chẳng hiểu gì về ‘gêm’ là làm sao, nhưng lúc nào đến cũng thấy nó có cái máy tính toàn là người đang đánh nhau trong đó".
Một người xưng là "bạn chiến hữu" của Phương đến bệnh viên thăm cũng kể lại: “Mấy ngày trước em nghe Phương kể, thấy xe tăng đầy mặt đất, máy bay trên mái nhà mình mà không làm gì được. Bạn ấy cũng kể gần đây liên tục bị các game thủ khác ăn điểm, khủng bố ngay trong game. Bị cảnh sát (trong game) liên tục bắt rồi lại thả ra".
Bác sỹ Nguyễn Văn Dũng cho biết thêm: “Khi nhập viện thì bệnh nhân Phương có biểu hiện hoang tưởng, ảo giác, kích động do nghiện game, bệnh nhân này nghĩ rằng mình bị mất một thứ gì đó nên đánh người. Sau 6 ngày nhập viện và điều trị, bệnh nhân Phương đã có sức khỏe tốt, tinh thần đã bình phục được 60% của một đứa trẻ bình thường. Bệnh nhân Phương sẽ phải nằm lại viện để theo dõi điều trị khoảng 20 ngày nữa thì được xuất viện".