Nhân chứng vụ nổ kinh hoàng khiến 6 người chết: “Tiếng nổ rung cả mái nhà tôi!”
Đến chiều 18/8, cơ quan quân sự cùng công an huyện Khánh Sơn đã kết thúc công tác khám nghiệm hiện trường vụ nổ. Một vật thể dài khoảng 20cm, màu gỉ sét có hình thù giống một quả đạn pháo đã được phát hiện, đưa ra khỏi hiện trường để phục vụ công tác điều tra, làm rõ.
Nhà cách hiện trường chừng 30 mét, anh Cao Hương bàng hoàng kể: “Vụ nổ xảy ra khoảng 9h15 sáng nay 18/8. Khi đó tôi đang ngồi ăn cơm trong nhà thì bất ngờ nghe một âm thanh lớn”.
Theo anh Hương, lúc đó tiếng nổ nghe rất dữ dội và anh cũng không thể xác định đó là tiếng nổ gì. “Tiếng nổ rung cả mái tôn nhà tôi. Nhiều nhà dân liền kề cũng bị tương tự”, anh kể.
Khi đó, mọi người hoảng hốt chạy về phía tiếng nổ để nghe ngóng và chứng kiến khung cảnh hết sức tang thương. Ngoài 5 người tử vong tại chỗ thì có 2 người bị thương nặng được đưa đi cấp cứu. Một trong 2 nạn nhân này do bị thương quá nặng đã tử vong trên đường đến bệnh viện.
Theo người dân địa phương, ở khu vực Tà Lương huyện miền núi Khánh Sơn ít khi bắt gặp bom đạn. “Đây là vụ nổ xảy ra trên địa bàn từ trước tới nay mà tôi từng biết”, một người dân nói.
Suu vụ nổ kinh hoàng, ông Nguyễn Duy Bắc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cùng đoàn công tác đã đến hiện trường chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả, đồng thời thăm hỏi gia đình các nạn nhân. Tại hiện trường, cơ quan chức năng đã phong tỏa, giăng dây khám nghiệm hiện trường. Hàng trăm người dân miền núi vẫn chưa hết bàng hoàng, đến động viên các gia đình xấu số.
Theo ông Nguyễn Hữu Thơ, Chánh Văn phòng UBND huyện Khánh Sơn, bước đầu xác định vụ nổ xảy ra nghi ngờ do người dân “cưa bom”. Hiện ngành chức năng đang làm rõ vật liệu nổ là gì. Tuy nhiên, theo một số người dân, vật liệu nổ nghi ngờ là đạn pháo 105 ly.
Tan hoang trường học Mù Cang Chải sau lũ quét
Cụ thể, nhiều hạng mục xây dựng như phòng học, nhà bếp, sân trường, tường rào,...bị hư hỏng nặng; bàn ghế học sinh hỏng 460 bộ, bàn ghế giáo viên 30 bộ, máy tính 98 bộ, bảng viết 14 cái; thiệt hại toàn bộ sách giáo khoa, sách giáo viên, sách tham khảo cấp THCS của Trường Tiểu học và THCS thị trấn Mù Cang Chải.
Tại các trường mầm non, nhiều hạng mục cũng bị hư hỏng, thiệt hại 45 giá kệ để đồ, 10 tủ đựng đồ học sinh,... và toàn bộ hệ thống thiết bị dạy học, đồ chơi ngoài trời của Trường Mầm non Hoa Lan.
Riêng điểm trường Tà Ghênh đã bị lũ phá hủy hoàn toàn.
Đối với cán bộ, giáo viên, nhân viên ngành giáo dục có 16 gia đình bị ảnh hưởng trực tiếp do mưa lũ, tổng thiệt hại khoảng trên 2 tỷ đồng.
Cùng đó, có 64 gia đình học sinh bị ảnh hưởng bởi bão lũ với tổng thiệt hại trên 900 triệu đồng.
Qua đó, ông Duy kiến nghị Bộ GD-ĐT xem xét hỗ trợ bổ sung kinh phí khắc phục hậu quả bão lũ đối với những đơn vị chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là các trường Mầm non Lao Chải, Mầm non Hoa Lan, Mầm non Kim Nọi, Tiểu học và THCS thị trấn Mù Căng Chải,...
Bộ GD-ĐT cũng trao tặng 1,2 tỷ đồng hỗ trợ cho huyện Mù Căng Chải. Cùng đó Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng trao 3000 cuốn vở và 300 bộ sách giáo khoa cho học sinh huyện Mù Căng Chải tỉnh Yên Bái.
Cứu sống bé sơ sinh bỏ trong túi nilon trước nhà dân
Chiều nay (18/8), tin từ Khoa Hồi sức cấp cứu nhi và sơ sinh (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk) cho biết, đang điều trị và chăm sóc đặc biệt cho bé gái sơ sinh thiếu tháng bị bỏ rơi.
Theo bác sĩ Lê Đình Nhân (Phó trưởng khoa), bé gái được đưa vào viện cấp cứu chiều ngày 16/8 trong tình trạng tím tái đầu và chi, thở không đều, hạ thân nhiệt và phản xạ rất kém. Bé được xác định sinh non khoảng 32-34 tuần tuổi, cân nặng gần 1,5kg.
Sau khi tiếp nhận, bệnh viện đã tiến hành cấp cứu, cho nằm lồng ấp, ủ ấm tích cực, thở ô xy, truyền dịch và thuốc. Sau 2 ngày điều trị, hiện sức khỏe của bé đã tiến triển tốt nhưng bệnh viện vẫn phải theo dõi nhiễm trùng và chăm sóc đặc biệt.
Theo lời kể của chị Phan Thị Thùy Khiêm (trú phường Tân Tiến, TP. Buôn Ma Thuột, người nhặt được cháu bé), chiều ngày 16/8, chị ra trước cổng nhà thì phát hiện túi ni lon màu đen có biểu hiện bất thường. Khi mở ra kiểm tra thì phát hiện bé gái sơ sinh còn sống nên vội vàng bế vào bệnh viện cấp cứu.
Cũng theo chị Khiêm, chị có tham gia vào hội cưu mang phụ nữ có thai ngoài ý muốn, có thể mẹ cháu bé biết nên cố tình để trước cửa nhà.
“Gia đình tôi sẽ chăm sóc bé tại bệnh viện và tiến hành làm các thủ tục xin nhận nuôi cháu bé” – chị Khiêm cho biết.
Bình Định: Tàu cá cùng 9 ngư dân mất liên lạc trên biển
Ngày 18/8, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) tỉnh Bình Định vẫn chưa liên lạc được với 9 ngư dân đi trên tàu cá BĐ 97785 TS bị nạn.
Trước đó, trưa 16/8, tàu cá BĐ 97785 - TS, công suất 750 CV, do ông Nguyễn Văn Ku (trú xã Hoài Hương, huyện Hoài Nhơn, Bình Định) làm chủ tàu kiêm thuyền trưởng hoạt động trên vùng biển có tọa độ 14055’N - 112055’E (cách đá Bông Bay, quần đảo Hoàng Sa 75 hải lý về hướng Nam Đông Nam) thì bị hỏng máy, thả trôi, thiết bị liên lạc trên tàu đã hết nguồn điện nên không liên lạc được.
Nhận được tin báo, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT - TKCN tỉnh Bình Định đã đề nghị Bộ đội Biên phòng tỉnh, Chi cục Thủy sản, Quy Nhơn Radio, Phòng Kinh tế huyện Hoài Nhơn thông báo cho các tàu hoạt động trên biển biết để tìm cách hỗ trợ nhưng vẫn chưa liên lạc được.
Cũng theo Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Bình Định, đến sáng 18/8, sức khỏe thuyền viên Trần Ngà (44 tuổi), thuyền viên trên tàu cá BĐ 96071TS của chủ tàu Phan Ngọc Hoàng, do ông Trần Tuấn Phương làm thuyền trưởng (cùng trú xã Tam Quan Bắc, huyện Hoài Nhơn) đã ổn định sau thời gian nhận được sự hỗ trợ, tư vấn cách chữa trị từ bác sĩ Viện Y học biển Việt Nam.
Hiện tại, ngư dân này không cần hỗ trợ về y tế nữa, tàu tiếp tục hành trình đi đánh bắt thủy hải sản.
Trước đó, khoảng 8h27’ngày 17/8, trên tần số 7903 kHz, tàu cá BĐ 96071 TS liên hệ trực tiếp tới Đài Thông tin Duyên hải Hồ Chí Minh thông báo có 1 ngư dân trên tàu bị nôn, đau bụng đi ngoài cần trợ giúp ý tế. Đài Thông tin Duyên hải Hồ Chí Minh đã kết nối liên lạc cho tàu gặp các bác sĩ của Viện Y học biển Việt Nam để được hỗ trợ y tế. Theo đó, ngư dân Ngà được bác sĩ chuẩn đoán tiêu chảy cấp. Sau đó, bác sĩ hướng dẫn cho bệnh nhân uống nước gạo và muối đun sôi, uống thuốc Becberin có trên tàu.
Liên quan đến thông tin, 10 thuyền viên trên 3 tàu cá Bình Định bị chìm, mất tích trên biển hồi cuối tháng 7, đến nay vẫn không có tung tích. Hi vọng sống sót trở về của các ngư dân là chấm hết nên các gia đình đã lập bàn thờ các ngư dân. Lãnh đạo tỉnh Bình Định cũng đã đến thăm hỏi, động viên và hỗ trợ gia đình có thuyền viên mất tích.
Điều tra vụ chồng trình báo vợ mất tích sau hơn 1 tháng đi tìm nhưng không thấy
Thiếu tá Hoàng Minh Tuấn, Đội trưởng đội Phòng chống tệ nạn và buôn bán người, phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về Trật tự xã hội (PC45), Công an tỉnh Tuyên Quang cho biết, đơn vị vừa khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Nguyễn Thị Vui (29 tuổi), trú tại xã An Tường, TP. Tuyên Quang (tỉnh Tuyên Quang) về hành vi mua bán người.
Vui là kẻ vì tham tiền mà lừa bán đồng nghiệp sang bên kia biên giới.
Theo đó, ngày 14/7, tại đội Phòng chống tệ nạn và buôn bán người, anh Trần Văn Hường (36 tuổi, trú tại huyện Yên Sơn, Tuyên Quang) với dáng vẻ mệt mỏi, ánh mắt lờ đờ của người nhiều đêm thiếu ngủ, đến trình báo về việc vợ mình là chị Nguyễn Thị K. (31 tuổi) đã mất tích hơn một tháng, nghi bị bắt cóc.
Anh Hường trình bày, chị K. vốn là công nhân của một công ty may trên địa bàn. Sáng dậy đi làm, hết ca thì về, chưa bao giờ chị đi đâu mà không xin phép. Chị K. có tính thật thà và có phần chậm chạm, vì thế khi không thấy vợ về, anh Hường cùng người thân đã tỏa đi nhiều nơi để tìm kiếm. Tuy nhiên, thông tin chị K. vẫn bặt vô âm tín càng khiến anh Hường thêm phiền lòng, mất ăn mất ngủ vì lo lắng và nhớ thương vợ.
Nhiều người cho rằng chị K. bị sát hại phi tang xác ở đâu đó, nhiều kẻ độc mồm nói chị K. bỏ anh mà đi. Tuy nhiên, có một thông tin gia đình nắm được trong quá trình đi tìm chị này, đó là trước khi mất tích, chị K. có chơi thân với một đồng nghiệp cùng làm. Tuy nhiên sau khi chị K. mấy tích một thời gian, người này cũng đột ngột chuyển chỗ làm, thay đổi số điện thoại.
Trong lá đơn viết tay dài 2 trang giấy với nét chữ nguệch ngoạc gửi cơ quan điều tra, anh Hường khẩn thiết mong cơ quan công an vào cuộc điều tra về sự mất tích bí ẩn của vợ mình.
Ngay sau khi tiếp nhận thông tin trình báo của người dân, đội Phòng chống tệ nạn và buôn bán người đã báo cáo lãnh đạo Công an tỉnh Tuyên Quang. Dưới sự chỉ đạo của Ban Giám đốc công an tỉnh, PC45 và đội Phòng chống tệ nạn và buôn bán người lập chuyên án đấu tranh.
Thiếu tá Tuấn cho biết, sau một thời gian điều tra, xác minh, cơ quan công an đã có đủ căn cứ xác định đối tượng Nguyễn Thị Vui có liên quan đến việc mất tích của chị K.
Tại cơ quan điều tra, Vui đã phải cúi đầu khai nhận hành vi phạm tội của mình. Chị K. là đồng nghiệp làm cùng phân xưởng may với Vui tại một công ty ở TP. Tuyên Quang. Vui lừa bán chị này cho một đối tượng người Việt Nam đang ở Trung Quốc với số tiền mặt chỉ hơn 800.000 đồng.