Dự báo Tết Nguyên đán 2022 khủng hoảng thiếu thực phẩm gia cầm

( PHUNUTODAY ) - Bộ NN- PTNT dự báo, rất có thể tết Nguyên Đán 2022 tới, nước ta sẽ đối mặt với một đợt thiếu thực phẩm gia cầm.

Cụ thể, theo báo cáo Tổ công tác 970 của Bô NN- PTNT gửi Chính phủ, hiện nay lượng gia cầm ở các tỉnh phía Nam được bán ra đang ở mức khá thấp. Dự báo dịp tết Nguyên Đán 2022, nước ta có thể sẽ phải đối mặt với một đợt khủng hoảng thiếu thực phẩm gia cầm.

Theo ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, được giao làm Tổ trưởng Tổ công tác 970, thực tế ở các tỉnh phía nam đang thực hiện giãn cách xã hội, các doanh nghiệp đã cố gắng duy trì sản xuất "3 tại chỗ" nhưng vẫn còn khá nhiều cơ sở giết mổ, nhà máy chế biến nông sản, thủy sản không đáp ứng được các điều kiện vì chi phí quá lớn cho việc đảm bảo an toàn dịch bệnh, phải dừng hoạt động.

giacam

Điều này cũng là nguyên nhân khiến nhiều mặt hàng nông sản khó tiêu thụ, ứ đọng, giá xuống thấp như: thanh long, chuối, dứa, chanh, gà lông trắng, cá tra, tôm… Tiêu thụ không lưu thông khiến một bộ phận nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp có tâm lý băn khoăn, chần chừ trong tái đầu tư sản xuất.

Theo Tuổi Trẻ ghi nhận ngày 2/8, giá gà công nghiệp phía Nam giảm mạnh còn 5.000 đồng/kg (gà quá trọng lượng) và 7.000-9.000 đồng/kg (gà đúng trọng lượng). Đây cũng là mức giá thấp nhất từ trước đến nay của ngành chăn nuôi Việt Nam.

Số lượng gia cầm đến ngày xuất chuồng nhưng không thể bán ra cũng rất lớn. Theo ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam, cho biết, hiện nay có khoảng 60 triệu con gia cầm chưa thể tiêu thụ ở các tỉnh phía Nam. Trong đó, nhiều giống gà không thể tái đàn nên người nông dân chỉ đành đốt bỏ.

Không chỉ chăn nuôi, trồng trọt, ngành thủy hải sản khu vực Nam bộ cũng đang rơi vào tình cảnh hết sức khó khăn. Công suất tại các nhà máy chế biến thủy sản giảm còn 50% so với trước khi dịch bệnh bùng phát. Lượng thuỷ sản được xuất khẩu bị sụt giảm mạnh.

Do đó, Bộ NN-PTNT đã kiến nghị Chính phủ: "Cần có một chương trình hỗ trợ tổng thể từ giống cây trồng, vật nuôi, giống thủy sản cho đến sản xuất cung ứng nông sản trong thời gian tới để kích cầu sản xuất trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, đảm bảo chuỗi giá trị không bị đứt gãy".

Bên cạnh đó, Bộ cũng mong Chính phủ xem xét, chỉ đạo các địa phương ưu tiên tiêm vaccine Covid-19 cho lao động thuộc các nhà máy chế biến đang thực hiện tốt “3 tại chỗ”. Từ đó có thể thúc đẩy quá trình sản xuất, đảm bảo nguồn cung lương thực, thực phẩm lâu dài.

Theo:  khoevadep.com.vn copy link