Trả lời trên Người Lao động, bác sĩ Trương Hữu Khanh (Bệnh viện Nhi Đồng 1 - TP HCM) cho hay, số F0 không triệu chứn vẫn chiến khoảng 60-70% trong cộng đồng. Bác sĩ cũng cho biết thêm hiện nay không có cách nào để xác định F0 trừ khi xét nghiệm và phát hiện.
Họ tuy không phải bệnh nhân vì không gặp vấn đề nào về sức khỏe nhưng vẫn có thể lây bệnh cho người khác dù khả năng này thấp hơn so với người có triệu chứng và triệu chứng nặng.
Bác sĩ Khanh khuyến cáo, với chủng Delta lây rất mạnh, nếu bạn tiếp xúc gần với F0 không triệu chứng, khả năng bạn bị lây nhiễm vẫn rất cao. Cách duy nhất để phòng ngừa lây nhiễm bệnh là hạn chế tiếp xúc gần và tuân thủ giãn cách triệt để.
Ngày 27/7, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn đã có 10 khuyến cáo cụ thể đối với n F0 hoặc người tiếp xúc gần (F1) không triệu chứng và không có bệnh nền khi cách ly tại nhà.
1. Chuẩn bị khu vực cách ly cho bản thân trong nhà với điều kiện có phòng riêng (hoặc 01 khu vực riêng biệt), có nhà vệ sinh riêng. Lấy số điện thoại của cơ sở y tế, nhân viên y tế được phân công theo dõi, số điện thoại của bác sĩ tư vấn.
Chuẩn bị một số vật dụng tối thiểu cần thiết như sau:
- Dung dịch khử khuẩn tay và bề mặt;
- Nước súc họng hoặc nước muối sinh lý (0,9%);
- Khẩu trang y tế, cặp nhiệt độ, cồn sát trùng;
- Một số loại thuốc thiết yếu như thuốc hạ sốt và một số loại thuốc nâng cao sức khỏe đông tây y (vitamin C, multivitamin);
- 01 bàn, ghế cá nhân đặt trước cửa phòng và khu vực cách ly để nhận tiếp tế nhu yếu phẩm từ gia đình và cán bộ y tế chuẩn bị cho bạn;
- Thùng rác cá nhân có nắp và túi rác đi kèm.
2. Mở cửa sổ tạo không khí thông thoáng, hạn chế sử dụng điều hòa trong phòng.
3. Thực hiện đeo khẩu trang thường xuyên trừ khi ăn uống, vệ sinh cá nhân. Phải thay khẩu trang 2 lần/ngày (khử khuẩn bằng cồn trước khi loại bỏ khẩu trang)
4. Thường xuyên khử khuẩn tay, các vật dụng và bề mặt tiếp xúc (mặt bàn, tay nắm cửa, bồn cầu, lavabo…) sau khi sử dụng hoặc tiếp xúc .
5. Đo thân nhiệt tối thiểu 2 lần/ngày, hoặc khi cảm thấy có dấu hiệu sốt. Ghi chép nhiệt độ và báo cáo cho nhân viên y tế hàng ngày.
6. Ăn đầy đủ chất dinh dưỡng.
7. Uống nhiều nước, bổ sung vitamin và khoáng chất thường xuyên.
8. Tập thể dục tại chỗ, tập thở ít nhất 15 phút/ngày.
9. Yêu cầu nhân viên y tế đến lấy mẫu xét nghiệm lại hoặc là được hướng dẫn tự lấy mẫu tại nhà sau 7 ngày cách ly.
10. Khi có một trong các dấu hiệu sau, bạn cần gọi cho nhân viên y tế ngay lập tức. Đó là:
- Sốt > 37.5 độ C
- Ho, đau họng
- Tiêu chảy
- Khó thở (khi bạn không thể hít sâu và nín thở đủ 10 giây)