Thi chạy trong giờ nghỉ, một công nhân gục xuống đất rồi qua đời
Theo đó, ngày 2.8, Cơ quan CSĐT Công an TX.Phú Mỹ (Bà Rịa - Vũng Tàu) điều tra nguyên nhân tử vong của anh Đ.U.T (37 tuổi, công nhân của một công ty trên địa bàn TX.Phú Mỹ).
Theo đoạn clip được chia sẻ vào chiều ngày 1/8, sau giờ nghỉ hai công nhân này rủ nhau chạy đua. Tuy nhiên, khi chạy xong và quay lại điểm xuất phát, anh T có cảm giác mệt mỏi, khó thở.
Lúc đầu, mọi người xunh quanh vẫn chưa chú ý, cho đến khi anh này đổ gục xuống đất. Mọi người có mặt đã nhanh chóng sơ cứu và đưa anh T và phòng y tế hô hấp. Sau đó, anh được đưa tới phòng khám đa khoa Mỹ Xuân nhưng vẫn không qua khỏi.
Hiện cơ quan chức năng đang tiếp tục điều tra, làm rõ nguyên nhân vụ việc.
Đã có nhiều trường hợp người trẻ qua đời khi vận động gắng sức
Theo PGS. TS. BS Lê Thị Tuyết Lan (PCT Hội Hô hấp Việt Nam): Hiện nay, tai biến trong vận động ngày càng phổ biến. Điều đáng lo là hầu hết bệnh nhân không nhận biết được dấu hiệu bất thường của cơ thể.
Theo BS. Lan, ngoài đối tượng người trẻ thì trẻ em cũng là nhóm dễ bị đột tử khi vận động gắng sức. Nhiều trường hợp các em sau khi học thể dục ở trường thì lăn ra ngất xỉu vì bị co thắt phế quản.
‘Hầu hết giáo viên thể dục đều không biết được tình trang sức khỏe của từng học sinh. Do đó, khi trẻ bảo khó thở, không tập nổi thì giáo viên lại cho là trẻ lười biếng, không muốn vận động nên cứ ép. Thậm chí còn cho điểm thấp gây áp lực tâm lý buộc trẻ phải cố gắng vận động. Điều này rất nguy hiểm vì dễ dẫn tới tai biến, đột tử nhất là với bé bị hen suyễn’, bà Lan thông tin.
Không chỉ người trẻ ít vận động hay trẻ em mà thậm chí những vận động viên, cầu thủ chuyên nghiệp cũng từng có người qua đời khi vận động gắng sức. Trong khi đó, bình thường thì trạng thái của họ vô cùng khỏe mạnh. Bởi vậy, bất kì ai cũng không nên coi thường.
Tập thể dục có lợi cho sức khỏe nhưng ai cũng cần biết giới hạn của bản thân để tránh những điều đáng tiếc xảy ra
Theo các chuyên gia tim mạch, việc qua đời do tập thể dục gắng sức cũng có thể dẫn tới đột quỵ với cả người trẻ tuổi nếu mắc một số chứng bệnh liên quan tới cơ tim. Chẳng hạn như cơ tim giãn nở, bệnh lý mạch vành. Những bệnh lý này bình thường thì không có triệu chứng. Nhưng tới khi vận động gắng sức, đột ngột thì mới bộc phát.
Ngay cả với các vận động viên chuyên nghiệp, đột quỵ khi gắng sức cũng đã từng xảy ra.
Vận động viên xe đạp địa hình Đỗ Xuân Tâm đã chết ngay trên đường đua vì trụy tim. Hay đội trưởng CLB hạng nhì Quân khu 4, Trần Nam Trung (sinh năm 1974) bất ngờ ngất lịm, đột quỵ. Cầu thủ bóng rổ Diệp Phước Lộc (28 tuổi, đội Sóc Trăng) cũng đã bị đột quỵ vì nhồi máu cơ tim. Mới đây nhất, trên đường chạy HCMC Marathon 2019, chàng trai 23 tuổi Võ Văn Thơm (Bình Thuận) cũng ra đi mãi mãi.
BS Trần Chí Cường (Chủ tịch Hội can thiệp thần kinh TP. HCM, GĐ BV Đột quỵ tim mạch Cần Thơ) cho hay: Trường hợp bị đột t.ử khi đang vận động có thể được coi là đột quỵ. Tuy nhiên, cần xác định đây là đột quỵ tim hay đột quỵ não. Nếu vận động viên đang chạy tự nhiên ngã xuống rồi ngưng tim, hôn mê sâu thì có khả năng là đột quỵ do tim.
Có thể, trước đó bệnh nhân đã bị rối loạn nhịp tim sẵn hay bệnh lý cơ tim phì đại, tim bẩm sinh. Khi vận động mạnh quá sức, tim đột ngột ngừng đập, toàn bộ hệ thống tuần hoàn của cơ thể bị ứ trệ và dẫn tới ‘quy tiên’. Đa số các trường hợp đang vận động mà qua đời hoặc qua đời khi ngủ là do đột quỵ tim.
Tuy nhiên, cũng có thể là do bị đột quỵ não. Người bị đột quỵ não thường thì khi ngã xuống, bệnh nhân vẫn còn nhận thức như co tay chân được, mở mắt, nói đớ, liệt nửa người… Đột quỵ não ở người trẻ, khỏe mạnh phần lớn là do dị dạng mạch máu não bẩm sinh. Khi vận động quá sức, huyết áp tăng cao, thúc đẩy mạch máu não vỡ ra.
Việc khám sức khỏe định kỳ rất khó phát hiện ra. Bởi, bình thường bệnh nhân chưa gắng sức nên không có biểu hiện bệnh ra ngoài. Do đó, cần được tầm soát chuyên sâu để được tư vấn, lựa chọn môn thể dục phù hợp.
Ths. BS Vũ Trần Thiên Quân (Phòng khám BV ĐH Y Dược 1) cho biết: hiện nay, có thể phát hiện được những nguy cơ tiềm ẩn khi vận động bằng biện pháp đo gắng sức hô hấp – tim mạch. Biện pháp này nhằm đánh giá hệ tim mạch, hô hấp, chuyển hóa, thần kinh – cơ, triệu chứng khi gắng sức tới tối đa. Nhờ đó có thể nhận diện cơ chế sinh lý bệnh làm giới hạn khả năng vận động, hô hấp, tuần hoàn, hệ cơ xương và ti thể.
Việc hiểu rõ giới hạn của bản thân nhằm giúp mọi người có cách tập luyện an toàn, phù hợp với sức khỏe, nhất là những người đã xuất hiện dấu hiệu bệnh lý về tim mạch.
Còn theo BS. Tuyết Lan thì: Để hạn chế tối đa tai biến, đột tử khi vận động cần phải kiểm tra sức khỏe cho người tập và kiểm tra y học cho vận động viên trước khi cho phép hoặc khuyến khích nên tập, huấn luyện môn thể thao nào cho phù hợp.
Có 8 nhóm vận động bạn cần biết
1, Khỏe mạnh, đang tập luyện
2, Đang luyện tập, có triệu chứng bệnh lý
3, Có bệnh lý được kiểm soát, đang luyện tập
4, Có bệnh chưa kiểm soát, đang luyện tập
5, Khỏe mạnh, không luyện tập
6, Không luyện tập, có triệu chứng bệnh lý
7, Có bệnh lý được kiểm soát, không luyện tập
8, Có bệnh lý chưa được kiểm soát, không luyện tập
Theo đó, các bác sĩ khuyến cáo: nhóm 1 có thể tiếp tục tập luyện với cường độ vừa - cao, nhóm 2 tập với cường độ trước đó, nhóm 3 tiếp tục tập luyện với cường độ vừa. Nhóm 4 và nhóm 8 cần xây dựng một chương trình tập luyện theo tư vấn của bác sĩ. Các nhóm còn lại vẫn tập luyện, nhưng với cường độ nhẹ - vừa.