Hành trình hai lao động khổ sai trốn thoát khỏi bãi vàng

20:30, Thứ ba 01/04/2014

( PHUNUTODAY ) - Vì không chịu được cảnh lao động khổ sai, 2 phu vàng trẻ tuổi đã chạy trốn khỏi một bãi vàng trái phép ở Quảng Nam trong sự truy đuổi gắt gao của chủ bãi.

Tháo chạy vì bị đày ải

Đã 3 ngày trốn thoát khỏi một bãi vàng trái phép ở xã Tam Lãnh, H.Phú Ninh (Quảng Nam) nhưng 2 phu vàng trẻ tuổi là Phạm Văn Hảo (17 tuổi) và Phạm Văn Cường (19 tuổi), cùng trú tại H.Ngọc Lặc, Thanh Hóa vẫn chưa hết bàng hoàng khi nhớ lại khoảng thời gian bị đày ải dưới hầm sâu.

Mô tả ảnh.
Hảo (bên trái) cùng Cường – hai phu vàng trẻ trốn thoát khỏi bãi vàng vì bị ép lao động khổ sai

Tiếp xúc với PV Thanh Niên Online tại Trung tâm Công tác xã hội trẻ em (thuộc Sở LĐ-TB-XH Quảng Nam), Cường cho biết, để trốn thoát khỏi bãi vàng và tránh sự truy đuổi của những tay cai bãi bặm trợn, cả 2 đã phải lẩn vào rừng sâu trong 2 ngày.

“Khi có ý định bỏ trốn, vào ngày 27/3, nhóm bọn em gồm 10 người đã ăn no rồi chạy thẳng một mạch vào rừng. Sau đó, lần tìm đường về nhà sau. Để tránh sự truy tìm của chủ bãi, bọn em đã ẩn nấp trong rừng đến 2 ngày. Đến tối, bọn em xuống nhà dân xin ăn rồi ngủ nhờ”, Cường nhớ lại.

Sau khi đã trốn khỏi bãi vàng, Hảo và Cường đi dọc bìa rừng từ xã Tam Lãnh (Phú Ninh) đến địa phận xã Tiên Thọ (H.Tiên Phước). Tuy nhiên, khi đến ngã ba xã Tiên Thọ thì bị một nhóm người đang trên đường truy tìm phát hiện.

“Khi đó, vào khoảng 5 giờ chiều ngày 28/3. Thấy bọn em, bọn chúng đã dùng gậy đuổi đánh. Cả em và Cường phải tháo chạy tán loạn”, Hảo nhớ lại.

Sau khi được người dân địa phương can ngăn và thông tin đến Công an xã Tiên Thọ, cả hai đã được đưa về Trung tâm Công tác xã hội trẻ em Quảng Nam vào ngày 29/3.

Tuy là những thanh thiếu niên mới lớn nhưng trông Hảo và Cường gầy rộc xanh xao và nhỏ thó so với lứa tuổi của mình.

Do bị ép phải làm việc khổ sai trong nhiều ngày liền, cả hai đều lâm vào tình trạng sức khỏe kiệt quệ, tiều tụy. Trong đó, Hảo bị sốt rét rừng nặng hiện vẫn đang điều trị.

Tại trung tâm, qua nhiều ngày được cán bộ trung tâm chăm sóc tình trạng hiện sức khỏe của cả hai đã tiến triển tích cực và tâm lý đã ổn định dần.

Các cán bộ tại Trung tâm Công tác xã hội Quảng Nam đã tiếp cận, động viên và tìm cách liên hệ với người nhà của cả 2 em.

Hàng chục lao động vẫn kẹt trong các bãi

Theo lời kể của Cường, trước khi tháo chạy khỏi bãi vàng Tam Lãnh, cả em và Hảo đã từng phải lao động khổ sai trong khoảng 1 tháng tại một bãi vàng ở xã Phước Thành (H.Phước Sơn). Đây là bãi vàng biệt lập trong rừng sâu, các em phải làm việc trong điều kiện luôn bị dọa nạt và có người canh gác.

 

Mô tả ảnh.
Cả 2 em đang được chăm sóc và điều trị bệnh

Cường kể, em cùng Hảo và khoảng 40 người khác được một người đàn ông tên Ảnh (trú cùng quê) đưa vào một bãi vàng tại xã Phước Thành để làm việc từ ngày 19/2.

Theo như hứa hẹn trước đó, nếu làm tốt công việc, mỗi người sẽ được nhận mức thù lao khoảng 4 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, do công việc nặng nhọc lại phải thường xuyên ở dưới hầm sâu từ 18 giờ mỗi ngày cho đến 5 giờ sáng nên Cường và Hảo cùng 8 người khác xin nghỉ.

“Trước khi vào Phước Thành, bọn em đã thống nhất với chủ bãi là sẽ làm trong 6 tháng liền mới được nhận tiền công. Cho nên, làm được 1 tháng thì chủ bãi không trả cho chúng em đồng nào cả. Nhưng việc nặng nhọc quá, đào đất trong hầm hàng tiếng đồng hồ bọn em chịu không nổi nên quyết bỏ về”, Cường nói.

Cùng chịu cảnh lao động nguy hiểm và khổ sai như Cường và Hảo còn có khoảng 15 người khác nhỏ hoặc bằng tuổi cả 2.

Quyết định rời bãi vàng, sau khi đi bộ từ Phước Thành ra thị trấn Khâm Đức (H.Phước Sơn), Cường và Hảo được một người đàn ông gọi sang bãi vàng Tam Lãnh (H.Phú Ninh) để làm việc.

Khi đến đây, cả hai tiếp tục bị chủ bãi ép xuống hấm sâu để đào đất tìm vàng.

“Họ ép bọn em phải làm ngày, làm đêm. Đào đất nặng nhọc lắm… Bây giờ em chỉ muốn về nhà thôi…” - Hảo nói yếu ớt vì cơn sốt rét vẫn đang hành hạ.

Theo Hảo, tại bãi vàng Tam Lãnh còn có khoảng 6 lao động trẻ khác vẫn đang bị ép lao động. Còn 8 người đã bỏ trốn cùng lúc với 2 em thì đã tản mác về quê hoặc tìm chỗ khác để xin vào làm.

Được biết, khoảng 40 lao động từ Thanh Hóa vào Quảng Nam làm vàng cùng đợt với Hảo và Cường đều có hoàn cảnh khó khăn.

Riêng Cường là con út trong một gia đình có 9 anh em, Hảo là con đầu trong gia đình có 2 anh em. Vì nhà nghèo nên cả 2 em đều bỏ học khi chưa tốt nghiệp THCS.

Ông Nguyễn Thế Anh, Phó giám đốc Trung tâm Công tác xã hội trẻ em Quảng Nam cho biết, 2 em vào trung tâm trong tình trạng hoảng loạn, suy kiệt do nhiều ngày chạy trốn và làm việc khổ sai.

Sau khi tiếp nhận, trung tâm đã cử cán bộ tham vấn tâm lý để các em cảm thấy có nơi nương tựa rồi dần dần bình phục.

Ngoài ra, trung tâm còn tìm cách liên hệ với gia đình để các em có thể nói chuyện với người thân.

Sức khỏe các em vẫn còn yếu nhưng như thế là đã là khỏe lại hơn rất nhiều khi mới vào trung tâm. Sau khi tiếp nhận các em, chúng tôi cũng cố gắng bảo vệ để tránh sự truy đuổi của những tên cai bãi”, ông Anh nói.

Ông Anh cũng kiến nghị, cơ quan chức năng cần quản lý chặt chẽ hơn nữa để những chủ bãi vàng không có cơ hội lừa gạt, bóc lột sức lao động như trường hợp của Hảo và Cường.

chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả: Phạm Đông