Mới đây, các chuyên gia phôi thai học thuộc trường Đại học Amsterdam đã phát minh ra một phần mềm minh họa ba chiều giúp cung cấp những hình ảnh chân thực nhất về quá trình phát triển trong hai tháng đầu tiên của phôi thai người.
Nghiên cứu này được xuất bản trong ấn phẩm mới nhất của chuyên trang tạp chí Khoa học và được công nhận là thành tựu lớn nhất của lĩnh vực nghiên cứu phôi thai trong nhiều năm qua.
Để tiến hành dự án này, các chuyên gia phôi thai học đã thu thập dữ liệu của 15.000 mẫu mô từ Bộ sưu tập US Carnegie, trong đó, có nhiều mẫu mô đã tồn tại hơn một thế kỷ. Từ 15.000 mẫu mô thu thập được, tác giả dự án nghiên cứu Bernadette de Bakker cùng 75 nhà nghiên cứu khác đã phát hiện ra khoảng 150 cơ quan và cấu trúc của phôi thai, vị trí của từng cơ quan và cách thức các cơ quant hay đổi vị trí.
Không chỉ cung cấp dữ liệu xác thực hơn về quá trình phát triển của con người, nghiên cứu còn là bằng chứng về sự khác nhau giữa phôi thai người với các loài động vật khác, hỗ trợ các nhà khoa học trong các thí nghiệm về quá trình phát triển của phôi thai người.
Trước đó, hình ảnh minh họa về phôi thai chỉ được trình bày trong sách giáo khoa.
Trao đổi với trang The Guardian, tác giả dự án de Bakker cho biết: “Mọi người đều cho rằng chúng tôi đã biết về điều này rồi, nhưng tôi tin rằng chúng ta biết nhiều điều về mặt trăng hơn là về quá trình phát triển của chính chúng ta.”
Trước nghiên cứu này, hiểu biết của chúng ta về phôi thai học chỉ được trình bày trong sách giáo khoa, một vài cuốn trong số đó được xuất bản từ những năm 1910. De Bakker cho biết, hầu hết các sơ đồ trong sách giáo khoa là từ những năm 1930. Trên thực tế, bất kỳ hình ảnh cập nhật nào đều thường cùng là một sơ đồ và nhiều hình ảnh minh họa là về phôi thai của chuột hoặc gà.
De Bakker cũng cho biết thêm, “Chúng tôi phát hiện ra rằng một vài cơ quan của người đã phát triển trước khi xuất hiện trên phôi thai của gà và chuột và một vài cơ quan khác phát triển sau. Đó là một nghiên cứu cẩn thận về quá trình phát triển của con người bằng các tư liệu được phân tích kỹ càng. Nó sẽ trở thành nguồn thông tin vô giá cho các nghiên cứu khác trong tương lai.”