Ngày 21/9, TAND TP.HCM mở phiên sơ thẩm xét xử Hoa hậu Trương Hồ Phương Nga (SN 1987, Hà Nội, Hoa hậu người Việt tại Nga năm 2007) và Nguyễn Đức Thùy Dung (27 tuổi) về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Tuy nhiên, HĐXX thấy còn nhiều vấn đề chưa được điều tra làm rõ nên quyết định hoãn phiên tòa, trả hồ sơ điều tra bổ sung.
Đáng chú ý là tại tòa, Hoa hậu Phương Nga thừa nhận rằng giữa bị cáo và bị hại có "Hợp đồng tình ái" trị giá 16,5 tỷ đồng. Hợp đồng có "điều khoản" là Nga phải quan hệ tình cảm với bị hại trong 7 năm tính từ năm 2012. Ngoài ra, bị cáo Dung khai cũng đã đọc được "Hợp đồng tình ái" này nhưng tên hợp đồng đó là "Hợp đồng tình dục".
Nhằm làm rõ hơn về nội dung nêu trên, PV đã trao đổi với luật sư Trần Tuấn Anh, Giám đốc Công ty Luật Minh Bạch (Đoàn luật sư thành phố Hà Nội) để làm rõ.
Luật sư Tuấn Anh cho biết: "Trước hết đây là lời khai một phía từ Hoa hậu Phương Nga nên tôi chưa thể khẳng định hợp đồng tình cảm này có thật hay không? Phương Nga cũng chưa chính thức đưa ra “bản hợp đồng” này để làm chứng cứ xác thực lời khai của mình. Đây là một trong những yếu tố để TAND TP.HCM trả hồ sơ để Viện kiểm sát để điều tra bổ sung".
“Hợp đồng tình ái” là trái quy định của pháp luật Việt Nam
Trong trường hợp lời khai của bị cáo Nga, Dung là đúng sự thật, theo quy định của Pháp luật Việt Nam thì không có quy định nào về “Hợp đồng tình ái”. Nếu coi đây là một “hợp đồng dân sự” thì nó đã vi phạm nguyên tắc giao kết hợp đồng dân sự theo quy định tại Điều 389 BLDS 2005.
Bởi lẽ, tình cảm là thứ xuất phát tự nguyện từ bản thân của hai phía. Không thể dùng tiền bạc, tài sản hay thậm chí là danh lợi để giao dịch. Như vậy, hành vi dùng 16,5 tỷ VNĐ để đổi lấy 07 năm quan hệ tình cảm với ông Cao Toàn Mỹ là trái với thuần phong, mỹ tục của dân tộc ta.
Vậy cơ quan pháp luật sẽ xử lý thế nào với hợp đồng đó?
Luật sư Vũ Viết Năng. (Văn phòng Luật sư Hưng Giang, Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho biết:
Hợp đồng này trái pháp luật và đạo đức xã hội. Hợp đồng đó đã vi phạm điều cấm của pháp luật. Điều 128 BLDS quy định:” Giao dịch dân sự có mục đích và nội dung vi phạm điều cấm của pháp luật, trái đạo đức xã hội thì vô hiệu. Điều cấm của pháp luật là những quy định của pháp luật không cho phép chủ thể thực hiện những hành vi nhất định. Đạo đức xã hội là những chuẩn mực ứng xử chung giữa người với người trong đời sống xã hội, được cộng đồng thừa nhận và tôn trọng.”
Căn cứ Điều 122, 127, 128 BLDS thì đó là hợp đồng vô hiệu.
Vậy người đã giao kết hợp đồng trên, vi phạm điều cấm của pháp luật thì có bị xử lý gì không?
Theo quy định của Pháp lệnh phòng, chống mại dâm 2003 thì:
Bán dâm là hành vi giao cấu của một người với người khác để được trả tiền hoặc lợi ích vật chất khác.
Mua dâm là hành vi của người dùng tiền hoặc lợi ích vật chất khác trả cho người bán dâm để được giao cấu.
Căn cứ vào quy định trên, và thông tin từ báo chí có thể cho thấy, bản chất của hợp đồng này là mua bán dâm. Do đó người mua bán dâm sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12.11.2013 của Chính phủ “Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình”