Trong những ngày hè nóng nực, không có gì vui thú bằng việc cả gia đình cùng kéo nhau nhảy ùm xuống biển, ngụp lặn theo từng con sóng vỗ bờ. Tuy nhiên, tắm biển cũng tiềm ẩn những mối nguy hiểm rất lớn. Nhiều người vì không biết nên thường chọn bơi vào những vùng nước phẳng lặng mà không ngờ rằng đây mới chính là những khu vực có dòng chảy xa bờ, là những “cạm bẫy” dẫn đến nhiều vụ đuối nước thương tâm.
* Dòng chảy xa bờ (rip current) luôn được xem là “tử thần giấu mặt” của biển cả. Mặt nước nơi có dòng chảy xa bờ thường phẳng lặng, ít sóng nên nhiều người tưởng rằng đó là nơi an toàn và di chuyển tới đó. Thế nhưng, khi chẳng may bơi vào dòng chảy xa bờ, chúng ta có thể ngay lập tức bị nước cuốn trôi ra xa. Dòng chảy xa bờ được xem là nguyên nhân của hầu hết các trường hợp chết đuối khi tắm biển.
Chắc bạn sẽ thắc mắc vì sao dòng chảy xa bờ lại tiềm ẩn mối nguy hiểm khủng khiếp đến vậy?
Dòng chảy xa bờ được ví như một dòng sông nhỏ sẽ cuốn tất cả những gì rơi vào nó xa khỏi bờ và đưa thẳng ra biển. Vận tốc trung bình của dòng chảy xa bờ có thể thay đổi từ 0,5 m đến 1m/giây, khi đó không ai có khả năng bơi ngược nó để vào bờ. Có khi do những thay đổi đột ngột của sóng biển, vận tốc dòng chảy xa bờ có thể lên đến 2,5 m/giây, nhanh hơn cả vận tốc bơi của một vận động viên bơi lội Olympic! Tuy nhiên, do dòng chảy xa bờ thường hẹp, có chiều ngang khoảng 1 – 3m nên nhiều người bơi thành thạo có thể dễ dàng thoát ra bằng cách bơi vuông góc với dòng chảy và song song với bờ biển.
Dòng chảy xa bờ cực kì nguy hiểm vì nó có thể kéo người tắm biển ra xa bờ làm cho họ kiệt sức khi cố bơi ngược dòng chảy xa bờ, rồi chết đuối. Bên cạnh đó, sự hoảng loạn cũng khiến người bơi không còn khả năng phán đoán chính xác. Đối với người không biết bơi, dòng chảy xa bờ có thể kéo người đó ra chỗ sâu hơn dù người đó đang đứng ở mực nước ngang hông. Khi đó, người không biết bơi sẽ hoảng loạn và có thể chết đuối.
Dòng chảy xa bờ có thể gây nguy hiểm cho người tắm biển bất cứ lúc nào, không phải chỉ khi có sóng lớn. Khi sóng to thì vận tốc dòng chảy xa bờ cũng nhanh hơn và gây nguy hiểm hơn cho người bơi. Tuy nhiên, khi đó thường ít có người xuống biển tắm vì e ngại sóng to. Trái lại, vào những ngày sóng không lớn, người ta thường đuối nước nhiều hơn vì có nhiều người xuống biển tắm. Khi thấy sóng không quá to người tắm thường chủ quan và không quan tâm đến dòng chảy xa bờ. Mặt nước nơi có dòng chảy xa bờ thường lặng, ít sóng nên thường làm cho nhiều người hiểu lầm đó là nơi an toàn, và khi họ di chuyển sang nơi đó tắm sẽ ngay lập tức bị cuốn trôi ra biển.
Trước khi xuống biển, bạn nên dành khoảng 5 – 10 phút để nhận dạng dòng chảy xa bờ nhờ những đặc điểm sau đây:
– Dòng chảy xa bờ sẽ có màu sậm hơn vì nơi đó nước sâu hơn.
– Dòng chảy xa bờ có mặt nước lặng hơn, thường có sóng nhỏ hơn.
– Đôi khi bạn còn có thể thấy các mảnh vỡ hay bọt nước nổi trên mặt dòng chảy xa bờ và trôi ra biển.
* Vùi cả cơ thể dưới cát là thú vui của không ít người khi đi biển, bao gồm cả trẻ nhỏ và người lớn.
Tuy nhiên, kênh truyền hình NDTTV của Trung Quốc mới đây đã có một bài cảnh báo rất đáng lưu tâm khi chơi đùa, thư giãn trên cát theo cách này.
Theo trang mạng Cocomy, những hạt cát trong trường hợp không ngấm nước, giữa chúng có tồn tại không khí, những hạt cát thường tơi, tách rời nhau, liên kết rất lỏng, có thể tác động trơn trượt lên nhau. Khi vùi cả cơ thể xuống cát khi cát khô, cảm giác khá thú vị.
Tuy nhiên khi ngấm nước, tình hình sẽ thay đổi ngay lập tức. Nước sẽ lấp đầy những khe hở giữa những hạt cát với nhau và làm cho chúng không còn không gian để có thể tách rời nhau một cách dễ dàng và thậm chí, nó có thể "hút" chặt cơ thể con người.
Đây chính là nguyên nhân cơ bản giải thích cho hiện tượng vì sao khi thủy triều dâng lên, người vùi trong hố cát đứng dậy rất khó.
Đặc biệt, khi gặp cơn thủy triều quá mạnh, nếu chúng ta vùi toàn thân trong cát, cả cơ thể sẽ bị cát "trói buộc", ghìm lại trong hố cát không thể thoát ra.
Để kì nghỉ của bạn lý thú và an toàn hơn, hãy chú ý những dấu hiệu nguy hiểm này trước khi đi biển nhé!