Không phạt khi con mượn xe của bố, vợ mượn xe của chồng, người yêu mượn xe nhau... người dân nên biết tường tận

( PHUNUTODAY ) - Việc xử phạt xe không chính chủ sẽ được chỉ được thực hiện thông qua công tác điều tra, giải quyết vụ TNGT hoặc thông qua công tác đăng ký xe.

Như chúng tôi đã đưa tin, từ ngày 1/1/2017, theo Nghị định 46/2016, sẽ áp dụng xử phạt cá nhân, tổ chức không làm thủ tục đăng ký sang tên (để chuyển tên chủ xe trong giấy đăng ký xe sang tên của mình) theo quy định khi mua, được cho, được tặng, được phân bổ, được điều chuyển, được thừa kế tài sản là xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô.

phat-xe-chinh-chu-1-phunutoday.vn

 Ảnh minh họa.

Với lỗi không sang tên xe, chủ xe là cá nhân sẽ bị xử phạt từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng; mức phạt gấp đôi là từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng được áp dụng đối với tổ chức.

Mới đây, Cục CSGT đã có chỉ đạo CSGT các tỉnh, thành phố tổ chức tuyên truyền cho nhân dân và thông báo cho cơ quan đăng ký xe tiếp nhận hồ sơ làm thủ tục sang tên di chuyển xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) đã đăng ký, chuyển nhượng qua nhiều chủ nhưng không có chứng từ chuyển nhượng hoặc chứng từ chuyển nhượng không đầy đủ, thực hiện đến ngày 31/12/2016, theo quy định tại Thông tư 15/2014/TT-BCA.

Trước những quy định, chỉ đạo này, rất nhiều ý kiến, câu hỏi băn khoăn được dư luận và người dân đặt ra rằng: “Đối với những trường hợp lưu thông bằng xe mượn của người thân hoặc bạn bè thì có bị xử phạt hay không? CSGT sẽ xử phạt lỗi này trong trường hợp nào? Công tác minh xử phạt như thế nào để hợp lý, không gây tranh cãi?...”

Trước những thắc mắc này, CSGT một số địa phương cũng như Cục CSGT đã lý giải để người dân được rõ.

Trao đổi với PV Người Đưa Tin về việc này, Thiếu tá Nguyễn Mạnh Hùng, Phó trưởng Phòng CSGT đường bộ - đường sắt (PC67 - Công an TP. Hà Nội) cho biết: Việc xử lý đối với chủ phương tiện không làm thủ tục đăng ký sang tên xe theo quy định khi mua, được cho, tặng, được phân bổ, điều chuyển, thừa kế chỉ được thực hiện thông qua công tác điều tra, giải quyết vụ tai nạn giao thông (TNGT) gây hậu quả từ mức nghiêm trọng trở lên hoặc thông qua công tác đăng ký xe.

Theo Thiếu tá Hùng: Chủ xe mô tô, xe máy được hiểu là chủ sở hữu của phương tiện. Tại Điều 158 Bộ luật Dân sự năm 2015, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2017 quy định về quyền sở hữu bao gồm: Quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt tài sản của chủ sở hữu theo quy định của luật.

Tại Điểm b, Khoản 1, Điều 30 Nghị định 46 chỉ quy định về xử phạt đối với chủ phương tiện (tức chủ sở hữu).

“Đối với người điều khiển phương tiện không đủ 3 quyền trên, tức là không phải chủ sở hữu phương tiện và không thuộc phạm vi điều chỉnh, không phải là đối tượng xử lý của các điều khoản trên. Đồng nghĩa với việc, người điều khiển phương tiện đi thuê, đi mượn phương tiện để tham gia giao thông cũng không bị xem xét, xử lý về hành vi vi phạm trên”, Thiếu tá Hùng nhấn mạnh.

Về quy trình xác minh, xử phạt lỗi không sang tên đổi chủ, Phó trưởng phòng PC67 Hà Nội khẳng định: Khi điều tra các vụ TNGT nghiêm trọng trở lên hoặc người đó đang làm thủ tục sang tên ở cơ quan chức năng.

Thiếu tá Hùng khẳng định, lực lượng CSGT có nhiều biện pháp để tiến hành theo quy định của pháp luật như: Lấy lời khai của người điều khiển phương tiện, chủ phương tiện đến làm thủ tục đăng ký xe; thông qua dữ liệu quản lý nghiệp vụ cơ sở dữ liệu về đăng ký xe của lực lượng CSGT, kiểm tra các loại giấy tờ mua bán hoặc mời người đứng tên trong giấy chứng nhận đăng ký xe lên làm việc, xác minh; kiểm tra các loại chứng từ, tài liệu, hợp đồng mua bán; thông qua lực lượng công an sở tại nơi người điều khiển phương tiện, người đến làm thủ tục đăng ký xe sinh sống để kiểm tra, xác minh về mối quan hệ gia đình, thân nhân…

“Ngoài ra, đối với từng vụ việc cụ thể chúng tôi sẽ áp dụng, thực hiện nhiều biện pháp khác theo quy định của ngành và pháp luật để xác minh, làm rõ. Đối với các trường hợp có hành vi gian dối về việc mượn phương tiện nhưng thực chất là xe của mình nhưng chưa làm thủ tục sang tên sẽ bị xem xét, xử lý nghiêm theo quy định”, Thiếu tá Hùng cho hay.

Lãnh đạo PC67 Hà Nội cũng nhấn mạnh rằng việc sang tên đổi chủ hiện nay người dân được tạo điều kiện rất thuận lợi. Đặc biệt, việc sang tên đổi chủ xe sẽ giúp ích rất nhiều cho quyền lợi người sở hữu cũng như thuận tiện cho việc quản lý của cơ quan chức năng.

Đặc biệt, khi có những sự cố không may xảy ra như: TNGT, trộm cắp, tìm chủ sở hữu, xác minh đối tượng. Thậm chí qua đó để có biện pháp quản lý, điều tiết, tổ chức giao thông hợp lý, xây dựng cơ sở hạ tầng phù hợp, đảm bảo giao thông luôn an toàn thông suốt.

Liên quan đến vấn đề này, trả lời báo chí Phòng CSGT đường bộ - đường sắt TP.HCM cũng cho biết, sẽ không xử phạt đối với hành vi vi phạm chạy xe không chính chủ. CSGT chỉ xử phạt hành vi không làm thủ tục sang tên xe qua công tác xác minh khi cá nhân, tổ chức đến cơ quan CSGT để thực hiện thủ tục sang tên, di chuyển xe hoặc trong quá trình điều tra giải quyết các vụ tai nạn giao thông gây hậu quả từ mức nghiêm trọng trở lên.

Thiếu tướng Trần Thế Quân (Cục phó Cục pháp chế, Bộ Công an) cũng cho hay, theo quy định, CSGT không được dừng bất cứ phương tiện nào để kiểm tra với lỗi chưa sang tên đổi chủ. Cảnh sát chỉ được phép kiểm tra các phương tiện khi phát hiện ra lỗi vi phạm giao thông.

Trường hợp con mượn xe của bố, vợ mượn xe của chồng, ông Quân khẳng định không có quy định nào xử phạt người đi mượn xe. Theo ông Quân, trong một nhà, vợ chồng, con cái đi xe của nhau là hết sức bình thường, chỉ cần cầm đăng ký đi là được.

Theo Thiếu tướng Quân, việc mua bán và mượn là khác nhau. Nếu là mượn thì người điều khiển phương tiện phải chứng minh được việc này.

Theo đó, người dân có thể gọi điện thoại hoặc gọi trực tiếp chủ của xe đến để xác nhận đã cho mượn xe. “Cha cho con mượn xe thì sẽ không bị xử phạt. Nhưng cha cho con xe thì phải sang tên, nếu không con sẽ bị phạt” - Thiếu tướng Quân thông tin.

Làm thế nào sang tên khi chủ xe đã chết hoặc mất tích?

Trong trường hợp chủ cũ chiếc xe bị chết hoặc mất tích, người dân cần phải có hợp đồng mua bán và có văn bản thừa kế theo quy định.

Điều 23, Thông tư 15 về giải quyết đăng ký xe của Bộ Công an quy định: Trong trường hợp xe đã đăng ký (đứng tên cả hai vợ chồng hoặc chỉ đứng tên một người) mà người đứng tên trong giấy chứng nhận đăng ký xe đã chết, mất tích (có giấy chứng tử hoặc tòa án tuyên bố mất tích) nay có nhu cầu sang tên cho vợ hoặc chồng hoặc sang tên, di chuyển cho người khác, nếu không có tranh chấp thì cơ quan công an giải quyết đăng ký.

Cụ thể, người đi sang tên sẽ phải làm thủ tục khai nhận di sản thừa kế tại cơ quan công chứng để vợ, chồng, con, cháu... của chủ đăng ký xe (người được hưởng di sản) có thể lập hợp đồng mua bán xe, kèm theo văn bản thừa kế, xin xác nhận của công an xã, phường. Sau khi làm hợp đồng mua bán, các bên làm thủ tục sang tên bên mua theo quy định.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 676 Bộ luật Dân sự, trong trường hợp chủ xe chết không để lại di chúc (hoặc có để lại di chúc nhưng không định đoạt về chiếc xe vì thực tế đã bán) chiếc xe (cùng với những tài sản khác của người chết) sẽ được chia theo pháp luật cho những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất, bao gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết.

Sau khi, xong thủ tục khai nhận di sản thừa kế, phải làm hợp đồng chuyển nhượng (hay giấy bán) chiếc xe.

phat-xe-chinh-chu-2-phunutoday.vn

Ảnh minh họa. 

Các giấy tờ cần thiết cho việc đăng ký sang tên xe được thực hiện theo hướng dẫn tại quy định ở Thông tư 15 như sau:

- Giấy CMND

- Giấy khai đăng ký xe (theo mẫu của cơ quan công an).

- Giấy chứng nhận đăng ký xe.

- Chứng từ chuyển nhượng xe (hợp đồng mua bán và văn bản thừa kế theo quy định của pháp luật).

- Chứng từ lệ phí trước bạ.

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn