Chuyện kiêng cữ sau sinh xưa nay vốn được coi là điều rất quan trọng, bởi nó ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người mẹ. Tuy nhiên nhiều người chưa hiểu biết đúng đắn về việc kiêng cữ sau sinh. Vẫn có những quan niệm kiêng cữ sai lầm, phản khoa học. Đồng thời cũng có không ít người không tìm hiểu kỹ, vội vàng áp dụng theo cách kiêng cữ của các nước phương tây tân tiến.
Ở các nước phương tây, thời gian sản phụ được nghỉ sau sinh không nhiều, thường các bà mẹ phương tây chỉ nghỉ 1-2 tháng rồi quay trở lại công việc bình thường ngay. Nhiều bà mẹ Việt Nam nhìn vào đó và học hỏi theo, và cho rằng không cần kiêng khem quá kỹ như dân gian vẫn thường làm. Tuy nhiên việc so sánh như vậy khá khập khiễng và không phù hợp.
Sản phụ sau sinh vẫn cần nghỉ ngơi tuyệt đối, tránh làm việc nặng và nhất định không vội làm những điều sau.
1. Quan hệ tình dục sớm
Tuyệt đối không vội quay trở lại đời sống gối chăn bình thường. Trải qua cơn vượt cạn, dù sinh thường hay sinh mổ thì cơ thể, đặc biệt là bộ phận sinh sản đều bị ảnh hưởng và cần thời gian nghỉ ngơi, hồi phục. Thông thường sau khi hết sản dịch (4-6 tuần sau sinh) là có thể gần gũi chồng. Theo khái niệm là như vậy, nhưng tốt nhất vẫn phải lắng nghe cơ thể mình, khi cơ thể đã khỏe khoắn trở lại và không gặp bất cứ triệu chứng, dấu hiệu bất thường nào thì mới được phép nghĩ đến “chuyện ấy”. Nếu sản dịch chưa hết, tử cung chưa co hồi lại, vết khâu mổ hoặc vết khâu tầng sinh môn chưa lành, quan hệ tình dục dễ gây nhiễm trùng hoặc các bệnh phụ khoa khác. Bản thân người chồng cũng phải hiểu cho vợ mình, đừng vội vã làm chuyện ấy khi sức khỏe vợ chưa cho phép và chưa sẵn sàng.
2. Ngồi xổm
Sau sinh tuyệt đối không được phép ngồi xổm. Khi này các cơ vùng chậu chưa hồi phục hoàn toàn, việc ngồi xổm sẽ dẫn đến sa tử cung (sa dạ con), ảnh hưởng đến khả năng sinh sản sau này. Ngoài tư thế ngồi xổm, cũng cần tránh tư thế nửa nằm nửa ngồi. Tư thế thích hợp nhất sau sinh là tư thế nằm thoải mái trên giường, hoặc ngồi trên ghế tựa chắc chắn.
3. Ăn quá nhiều
Vẫn còn có quan niệm sản phụ sau sinh mất sức, cần được tẩm bổ càng nhiều càng tốt. Tuy nhiên quan niệm này không hề đúng. Sau sinh, nhất là sinh mổ, nên ăn những món loãng, dễ tiêu. 1 tuần sau sinh, khi hệ tiêu hóa dần hồi phục, có thể quay trở lại chế độ ăn uống bình thường, không nhất thiết phải có chế độ ăn khủng 1 ngày 6 bữa như nhiều gia đình vẫn thường làm. Trong ăn uống, chỉ cần kiêng khem một số món cay nóng, món nhiều dầu mỡ, món tính hàn như cua. Tập trung ăn nhiều rau xanh, trái cây thực phẩm giàu sắt, canxi.
4. Tập thể dục quá sớm
Việc đi lại sau sinh rất quan trọng bởi nó giúp tử cung co hồi tốt, đẩy sản dịch ra nhanh hơn. Tuy nhiên chỉ nên đi lại nhẹ nhàng và tuyệt đối không được tập các bài tập giảm cân, các bài thể dục khi cơ thể chưa hồi phục hoàn toàn. Tốt nhất nên tham khảo ý kiến của bác sỹ trước khi áp dụng. Nếu tập quá sớm có thể gây đau lưng, sa sinh dục, nhiễm trùng âm đạo, nhiễm trùng tử cung…
5. Tắm
Những phụ nữ sau khi sinh con thường có những cảm giác lẫn lộn như khó chịu, đau đớn, vui vẻ.... Khi ấy, không thể trách cứ những phụ nữ sau khi sinh thực sự muốn tắm gội càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, lao vào vòi sen hoặc bồn tắm quá sớm có thể không phải là một ý tưởng tốt ngay sau khi mới sinh bạn ạ. Vì thế, bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ nhé.
Những việc cấm các mẹ làm sau khi sinh mổ
Sinh mổ là một ca phẫu thuật không hề đơn giản vì vậy sau sinh mẹ cần chú ý đến chế độ nghỉ ngơi và tạo lối sống lành mạnh để có thể sớm phục hồi sau sinh. Dưới đây là danh sách những việc mẹ cần tránh sau sinh mổ.
Đi vệ sinh
Do đau đớn sau ca sinh mổ nên hầu hết các mẹ thường ngại đứng lên đi vệ sinh và còn sợ ảnh hưởng đến vết thương. Thậm chí có mẹ còn ngồi ăn uống, đi vệ sinh ngay trên giường bệnh. Trên thực tế, hành động này vô tình gây nguy hiểm cho sản phụ đấy. Ngồi quá nhiều và nín đi vệ sinh có thể khiến mẹ bị bí tiểu, táo bón thậm chí là nhiễm trùng đường tiết niệu. Nếu mẹ bị táo bón và bệnh trĩ thì nguy cơ này càng cao hơn.
Bà mẹ sau sinh mổ thường được rút ống thông tiểu sau ca phẫu thuật khoảng 24 giờ và từ lúc đó nếu có nhu cầu mẹ nên đi vệ sinh hoặc nhờ người nhà dìu đi. Mẹ nên đi vệ sinh 3-4 giờ/lần. Nếu không thể đi tiểu được, mẹ nên thông báo với bác sĩ vì có thể bạn đã bị bí tiểu.
Ăn nhiều thịt và cá
Việc bổ sung dưỡng chất sau ca sinh mổ là cần thiết tuy nhiên các chuyên gia khoa sản luôn khuyên chị em chỉ nên ăn cháo loãng trong ngày đầu mới sinh. Khi đã trung tiện được thì mới có thể ăn các thực phẩm khác.
Dù vậy, khi mới sinh nở, bụng dạ chị em còn khá yếu nên trong tuần đầu không nên bồi bổ quá nhiều sẽ khiến thực phẩm lên men, gây đầy hơi. Tốt hơn hết, sau một tuần đầu, mẹ mới nên tẩm bổ thêm các thực phẩm từ cá, thịt, và các loại thực phẩm có lượng protein cao. Đồng thời mẹ sau sinh cũng nên hạn chế ăn dầu mỡ, uống cà phê, chè, rượu và các gia vị cay, nóng.
Mẹ cũng cần lưu ý không nên ăn đồ ăn chứa nhiều chất béo vì có thể làm tăng hàm lượng chất béo đến sữa mẹ - không có lợi cho em bé.
Nằm ngửa
Sau khi sinh mổ khoảng 4-5 giờ, thuốc gây tê sẽ dần mất tác dụng khiến mẹ phải đối mặt với những cơn đau đớn. Nếu mẹ nằm ngửa lúc này sẽ làm tăng sự co thắt tử cung và khiến mẹ đau đớn hơn.
Tư thế nằm tốt nhất cho mẹ là nằm nghiêng so với giường một góc khoảng 20-30 độ, giường đệm êm và chắc chắn để hạn chế tối đa sự rung động đến vết mổ đẻ. Vị trí nằm này cũng khiến sản dịch trong cơ thể dễ dàng đi ra ngoài hơn nằm ngửa.
Người mẹ sau sinh mổ cũng cần lưu ý nằm sau cho thoải mái nhất với ống thông tiểu trong ngày đầu tiên. Mẹ cũng cần sử dụng băng vệ sinh thoải mái và massage tử cung thường xuyên để sản dịch sớm được đi ra ngoài. Mẹ sau sinh mổ cũng cần lưu ý chăm chỉ vận động từ 24 giờ. Mẹ cần bắt đầu ngồi dậy, đứng lên nhẹ nhàng và di chuyển những bước đi đầu tiên. Việc vận động này sẽ giúp sản dịch nhanh tống ra ngoài và tốt cho đường ruột.
8 luật ngầm "không ai ép" nhưng nên nhớ khi đặt tên cho con (Làm Mẹ) - (Phunutoday) - Chẳng ai bắt buộc bố mẹ phải làm theo những luật này nhưng sự thực là nếu không cân nhắc tới 8 điều sau đây, cái tên của bé có thể gặp rắc rối. |