Trên trang cá nhân của mình, Thái Thùy Linh đã từng chia sẻ: “Nếu có điều kiện, tôi khuyến khích các bậc phụ huynh cho phép con mình đi “ngủ lang”. Điều đó sẽ giúp bé bạo dạn, tự tin, và học cách tự lo cho mình khi không có bố mẹ bên cạnh”.
Thực tế Thái Thùy Linh đã áp dụng điều đó ra sao với bé Thái An, và bé đã trải nghiệm việc “ngủ lang” như thế nào? Hãy cùng trò chuyện với cô ca sĩ cá tính này…
Chào Linh, lần đầu tiên bé Thái An được mẹ cho phép đi “ngủ lang” là khi nào? Trong hoàn cảnh nào?
- Em bé nhà Linh, trộm vía, đã được đi chơi từ khi mới 8 ngày tuổi. Mình sinh bé trước Tết đúng 10 ngày. Chiều 28, cả đại gia đình đang ăn cơm tất niên ở nhà ông bà ngoại thì thấy Linh đến, xách theo 1 cái giỏ to che khăn voan mỏng. Cả nhà “hết hồn” khi bé Thái An đỏ hỏn say ngủ bên trong.
Thái Thùy Linh và cô con gái đáng yêu của mình. |
Đi chơi từ sớm nên bé bạo dạn từ sớm. Đúng 5 tháng tuổi thì lần đầu tiên con đi “du lịch” qua đêm mà không có mẹ theo cùng. Đó là khi bác họ của cháu cho cháu về quê cách 50km chơi vài ngày. Mẹ Linh khi biết tin thì giãy nảy lên bắt Linh phải lên đón cháu về ngay.Đành phải nói dối bà vì thực ra bác họ cháu là người đã cùng Linh chăm cháu từ ngày đầu tiên cháu chào đời, yêu như con đẻ nên Linh hoàn toàn tin tưởng. Chuyến du hí đầu đời đó hoàn toàn êm đẹp, không xảy ra sự cố gì, chỉ toàn niềm vui cho các ông bà họ hàng ở quê.
Đến lứa tuổi nào thì bé đủ lớn để có thể “ngủ lang” và bố mẹ hoàn toàn yên tâm “thả” con như vậy Linh nhỉ?
- Việc đi “ngủ lang” nên được khuyến khích càng sớm càng tốt, ngay khi bé có những “người bạn” mà bé cảm mến đặc biệt, đến mức có thể gắn bó trong suốt cả ngày. Càng nhỏ thì bé càng ít thói quen, càng ít khái niệm về những thứ “của mình”, do đó cũng dễ dàng thích nghi với môi trường mới. Việc thỉnh thoảng “ngủ lang” nếu diễn ra sớm sẽ được bé mặc nhiên coi đó là một điều hết sức bình thường.
Cô con gái đáng yêu của Thái Thùy Linh. |
Linh khuyến khích bố mẹ cho con “ngủ lang” nếu có điều kiện. Vậy điều kiện này là gì? Các phụ huynh phải chuẩn bị nhũng gì cho “hành trình ngủ lang” của con?
- Nhiều bậc cha mẹ lo sợ đủ thứ nên không dám cho con đi “ngủ lang”. Họ sợ con lạ nhà, con nhớ mẹ, con khó ngủ, con ăn ít, sợ mọi người không biết tắm cho con, với trẻ lớn thì sợ con chạy ra đường, sợ tai nạn…, nói chung là “nghĩ đến cái gì cũng sợ”. Cá nhân Linh cho rằng, nếu cha mẹ tính toán kỹ các tình huống con có thể gặp phải khi xa nhà và có sự chuẩn bị chu đáo thì việc cho con đi “ngủ lang” hoàn toàn không có gì đáng lo sợ:
Điều đầu tiên là an toàn. Và không có nơi nào an toàn bằng nơi có người hiểu biết trông nom con chúng ta. Bố mẹ cần trao đổi trước đế biết chắc rằng người họ hàng/quen biết này sẽ thay ta loại trừ các nguy hiểm đến với bé như sông ngòi ao chuôm, chó mèo, các nguy cơ gây bỏng, nguy cơ gặp kẻ xấu.v.v…
Tiếp theo, bố mẹ cần sửa soạn và dặn dò kỹ người trông nom về các thói quen, sở thích, thậm chí là bệnh sử của con mình nếu có (ví dụ các chứng hen, dị ứng, một số bệnh thông thường dễ xử lý), để bé không bị rơi vào trạng thái khó ăn, khó ngủ vì thiếu những đồ đạc hay thực phẩm quen thuộc. Một cái gối ôm hoặc con gấu bông quen thuộc mang theo có thể giúp bé dễ dàng đi vào giấc ngủ, hay vơi đi cảm giác xa lạ với khung cảnh mới.
Vậy riêng với Thái An, Linh đã chuẩn bị những gì khi cho con đi “ngủ lang” vậy?
- Bé Thái An nhà mình lúc nhỏ có nhiều điểm hơi khác các bạn, ví dụ như thích được cảm nhận tiết tấu nhanh, mạnh trước khi đi ngủ. Vậy nên khi đi “ngủ lang”, mọi người được dặn chỉ cần bế cháu và khiêu vũ theo một điệu nhạc sôi động là cháu đã ngủ rồi. Khi đánh thức cháu thì lại cần một bình sữa ấm, điều này làm cho việc thức dậy trở nên ngọt ngào với một em bé “xấu ngủ” như An.
Mình đã phải rất cố gắng để thiết lập một trật tự khác trong gia đình nhỏ của mình: hoặc là cùng làm, hoặc là các con sẽ gọi món, thanh toán tiền, lau bát đĩa mời cha mẹ.
Thái An có “thành tích” đi “ngủ lang” từ khi nhỏ xíu. |
- Do có “thành tích” đi “ngủ lang” từ khi nhỏ xíu nên đến giờ thì không thể đếm hết những lần Thái An “du lịch” dài ngày. Không kể người thân, họ hàng, bất kỳ trẻ em hay gia đình nào làm Thái An cảm mến thì con sẵn sàng “lên đường” ngay, với tâm trạng háo hức chuẩn bị được khám phá một nơi mới mẻ.
Nhiều lần Thái An làm mọi người ngạc nhiên thốt lên “hình như nó không biết sợ là gì hay sao ấy”, khi con vui vẻ và tự lập tham gia vào mọi hoạt động với bạn mới quen, cả ở những nơi con chưa từng đến trước đó. Mỗi chuyến đi “ngủ lang” thực sự là một chuyến phiêu lưu, đầy ắp sự kiện, đầy ắp hình ảnh Thái An mang về kể cho mẹ.
Thái Thùy Linh luôn cho con làm những việc để học cách tự lập. |
Cha mẹ Việt hầu hết đều có thói quen bao bọc con, việc gì cũng muốn hi sinh, muốn “làm hộ” các con. Ví dụ, một cảnh thường thấy là trong cửa hàng ăn uống, trẻ em sẽ ngồi sẵn chờ cha mẹ lau bát đũa, gọi món, vắt chanh, lấy gia vị, xúc cho con ăn.v.v. Mình đã phải rất cố gắng để thiết lập một trật tự khác trong gia đình nhỏ của mình: hoặc là cùng làm, hoặc là các con sẽ gọi món, thanh toán tiền, lau bát đĩa mời cha mẹ. Mình luôn khuyến khích các con tự làm các việc nhỏ hợp với sức khỏe và (đôi khi là) mong muốn của các con.
Đơn giản hơn, nhiều trường hợp người mới gặp nhìn cháu rồi quay sang mẹ hỏi “Cháu mấy tuổi hả chị?”, thì mình sẽ để con tự trả lời. Ngược lại với nhiều bậc cha mẹ, luôn luôn sốt sắng tranh hết phần trả lời hộ con, rồi lại không quên kèm theo câu “cháu nó nhút nhát lắm ạ”, mà không biết rằng phản xạ “luôn làm hộ” của chính mình lại làm cho con càng nhút nhát hơn.