Loại rau được nhắc đến ở đây chính là rau diếp thơm. Loại rau này không chỉ có giá trị trong ẩm thực mà còn mang lại nhiều lợi ích tuyệt vời cho sức khỏe.
Rau diếp thơm được trồng khá nhiều ở Việt Nam. Rau có hương vị đặc trưng, thơm dịu nhẹ, có thể sử dụng sống hoặc nấu chín đều được.
Rau diếp thơm và rau xà lách thuộc cùng họ nhưng diếp thơm sẽ có mùi thơm đặc trưng, kích thích vị giác và khứu giác. Diếp thơm nấu canh vẫn giữ được độ giòn còn xà lách gặp nước nóng rất nhanh bị nát nên thường chỉ dùng để ăn sống.
Theo y học cổ truyền, rau diếp có vị ngọt, mùi thơm, tính hàn, không độc. Loại rau này có tác dụng thanh nhiệt, tiêu độc, nhuận tràng, lợi sữa, an thần...
Theo khoa học hiện đại, rau diếp thơm có giá trị dinh dưỡng cao. Rau này chứa nhiều kali, vitamin C, canxi, sắt, phốt pho, beta-caroten... cần thiết cho cơ thể. Đặc biệt, rau diếp chứa nhiều chất xơ và rất ít calo (100 gram chỉ có 14kcal). Đây là loại rau rất phù hợp với người đang có ý định ăn kiêng, giảm cân.
Rau diếp thơm còn chứa lượng canxi cao, thậm chí cao hơn cả nước hầm xương. Một muỗng canh nước hầm xương cung cấp khoảng 2mg canxi. Trong khi đó, 100 gram rau diếp thơm cung cấp khoảng 38mg canxi (theo bảng thành phần thực phẩm Việt Nam).
Ngoài ra, canxi trong nước hầm xương là canxi vô cơ khóa hòa tan, khó tiêu hóa, tức là cơ thể sẽ khó hấp thụ tối đa lượng canxi này. Canxi trong rau diếp thơm là canxi tự do dễ hòa tan, dễ hấp thụ hơn. Do đó, bổ sung rau diếp thơm vào chế độ ăn uống là một trong những cách cung cấp canxi tự nhiên có lợi cho cơ thể. Tất nhiên, cả rau diếp thơm và nước hầm xương đều có hương vị riêng, giá trị dinh dưỡng khác nhau. Tùy theo sở thích và khẩu vị, bạn có thể chọn món mà mình muốn ăn.
Rau diếp thơm có lượng canxi cao tốt cho xương khớp. Loại rau này còn chứa vitamin K (100 gram rau cung cấp 173,6 microgram vitamin K) giúp tăng khả năng tích lũy canxi trong xương, ngăn ngừa loãng xương, làm xương chắc khỏe.
Vitamin A và beta-caroten trong rau diếp thơm có tác dụng bổ mắt, tốt cho da.
Rau diếp thơm có khả năng nhuận tràng, kích thích tiêu hóa nên những người đang gặp tình trạng rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy, lạnh bụng nên hạn chế ăn loại rau này.