Rau đay hay còn gọi là rau nhớt là một loại rau khá phổ biến ở Việt Nam. Còn trên thế giới, rau đay thường được trồng ở các vùng khác của châu Á và Trung Đông.
Rau đay là một trong những loại rau chứa nhiều chất sắt, muối khoáng và vitamin. Vì có tính hàn cao, lành tính và vị ngọt đặc trưng nên rau đay hay được dùng để chế biến món canh vào mùa hè như canh cua rau đay, canh tôm rau đay,...
Sự khác biệt của rau đay so với các loại rau khác chính là tính nhớt của nó, chỉ cần bứt vài chiếc lá rồi vò lại bạn sẽ thấy tay mình rất trơn và nhớt.
Tác dụng của rau đay?
Rau đay giúp nhuận tràng, trị bệnh táo bón
Trong rau đay có nhiều polysaccharid, vì nhiều polysaccharid nên sẽ làm tăng lưu chuyển ruột, chống ứ đọng phân. Bên cạnh đó, trong rau đay có nhiều chất nhờn và đường sucrose và inositol, có công dụng kích thích ruột vận động, làm mềm phân trị táo bón cực kì hiệu quả.
Rau đay tốt cho tim mạch
Hạt của cây rau đay chứa nhiều glycosid khác nhau, nhưng chủ yếu là corchorosid và olitorisid. Các chất này có hoạt chất giúp trợ tim cao, làm tăng sức co bóp của tim và giảm nhịp tim bằng với nhịp đập sinh học.
Rau đay giúp thanh nhiệt, giải độc cơ thể
Rau đay vốn có nhiều nước lại có tính hàn cao nên rất tốt trong việc thanh lọc cơ thể, có tác dụng làm mát, trị các bệnh về nhiệt như nóng trong người, nhiệt miệng, chữa say nắng,... đặc biệt trong thời tiết nóng bức như hiện nay, cơ thể sẽ cảm thấy khó chịu, bức bối gây cảm giác chán ăn, khó ngủ.
Rau đay giúp tăng cường sữa cho mẹ bầu
Vì trong rau đay chứa nhiều nước nên làm tăng thể tích sữa, đặc biệt chất nhầy trong rau đay sẽ đẩy sữa về nhiều hơn. Sau khi sinh, bà mẹ nếu được ăn rau đay liên tiếp trong 4 tuần sẽ thấy rõ lượng sữa ngày một tăng lên đều đặn.
Rau đay chống còi xương, tốt cho trẻ đang ăn dặm
Rau đay là món ăn trong thực đơn không thể bỏ qua của các bé đang trong độ tuổi ăn dặm. Trong độ tuổi này, trẻ dễ mắc phải bệnh còi xương nên cần bổ sung thật nhiều chất dinh dưỡng và canxi là loại chất đặc biệt có nhiều trong rau đay.
Khi chế biến món ăn cho trẻ, các mẹ nhớ lưu ý bỏ cuống, chỉ lấy lá, thái nhuyễn và xay cùng bột cho bé ăn.
Người lớn bị loãng xương vôi hóa khớp, loãng xương, thoái hóa xương khớp cũng nên ăn rau đay đều đặn mỗi tuần để cải thiện triệu chứng bệnh.
Rau đay giúp lợi tiểu, phòng tránh viêm đường tiết niệu
Những người thường bị khó tiểu, tiểu rát thì rau đay là một bài thuốc không thể bỏ lỡ. Rau đây có hoạt chất vận động tim mạch tốt nên sẽ làm tăng số lượng nước tiểu giúp nước tiểu dễ dàng đi ra ngoài.
Ngoài ra rau đay còn có khả năng kháng viêm tự nhiên. Nếu dùng thường xuyên sẽ có tác dụng chống viêm, sưng ở các bộ phận như bàng quang, đường tiết niệu,...
Rau đay giúp sơ cứu vết thương, trị rắn cắn
Nghe có vẻ lạ tai nhưng sự thật đây là một trong những công dụng cực kì tuyệt vời của rau đay. Khi bị rắn cắn, bạn cần chọn ngọn rau đay, kết hợp với ngọn chuối tiêu, dây kim cang mỗi thứ một nắm, rửa sạch vẩy ráo nước. Sau đó thái nhỏ vắt lấy nước cốt để uống, còn bã thì đắp vào chỗ vết cắn.
Lưu ý: Đây chỉ là bước sơ cứu tạm thời, bạn nên đến cơ sở y tế hoặc bệnh viện gần nhất để có phương pháp điều trị phù hợp và kịp thời nhé!
Rau đay giúp kháng viêm
Trong chất nhớt của rau đay có chứa những chất như: Vanillic, Hydroxybenzoic, Ferulic, Coumaric. 4 thành phần trên đều có tác dụng kháng viêm, tuy không mạnh bằng các loại thuốc tây (tân dược) nhưng giúp bạn phòng ngừa bệnh tật an toàn, ít tác dụng phụ.
Rau đay giúp chống hen suyễn
Hạt của cây đay có tác dụng tiêu đàm, chống phù thũng, giảm co thắt đường thở và hỗ trợ chặn đứng cơn hen suyễn.
Người bị hen suyễn lâu năm có thể trồng cây đay để lấy hạt pha nước uống thường xuyên để phòng bệnh, ngăn chặn triệu chứng rất hiệu quả.
Rau đay giúp ngăn ngừa thiếu máu
Trong khoảng 100mg rau đay có chứa khoảng 7mg chất sắt, vì thế rau đay được xếp hàng đầu trong những loại rau củ bổ máu nhất.
Những phụ nữ sau sinh có thể dùng khoảng 200-300g rau đay/ngày là có thể đáp ứng đủ nhu cầu bổ sung chất sắt cho cơ thể.
Ngoài ra, người bị thiếu máu do thiếu sắt cũng nên thường xuyên bổ sung thực phẩm này vào chế độ ăn để cải thiện triệu chứng thiếu máu.
Những ai không nên ăn rau đay?
Người dễ bị tiêu chảy, dễ lạnh bụng không nên ăn nhiều và liên tục rau đay. Khi rửa rau, không nên làm dập rau, hạn chế vò rửa quá kỹ làm mất chất nhầy từ rau và các vitamin, khoáng chất trong rau.
Người khỏe mạnh nên ăn lượng rau đay vừa phải, khoảng 2-5 lần/tuần giúp thúc đẩy nhu động đường ruột và giúp đi tiểu dễ dàng. Tuy nhiên, ăn quá nhiều rau đay có thể gây khó tiêu, nên người đang bị bệnh đường tiêu hóa không nên ăn quá nhiều.
Trẻ nhỏ dưới 5 tuổi không ăn quá nhiều rau đay, vì điều này gây cản trở sự hấp thu canxi và kẽm trong cơ thể, ảnh hưởng đến sự phát triển xương và trí não.