Loại rau xưa ra vườn hái một loáng được cả rổ: Ngày nay đến nhà giàu còn thèm

( PHUNUTODAY ) - Loại rau xưa ra vườn, ra ruộng hái một loáng được cả rổ, hương vị khiến con người ta nhớ mãi không quên, ngày nay đến đại gia, nhà giàu còn thèm.

Tập tàng là tên gọi chung của một tập hợp nhiều loại rau như: rau má, rau dền gai, rau sam, mã đề, mồng tơi, bồ ngót, lá lốt, rau trai, ngò tàu, rau ngổ, rau éo... Loại rau xưa ra vườn, ra ruộng hái một loáng được cả rổ, nay đến đại gia, nhà giàu còn thèm.

Hương vị món canh rau tập tàng năm nào vẫn khiến con người ta nhớ mãi không quên

Chỉ cần ra sau vườn nhà, hoặc đi men theo ven bờ ruộng, rẫy bắp, một loáng là đã mang về cho mẹ, cho bà một rổ đầy ắp các thứ rau dại mọc hoang như: rau dền, rau sam, rau vòi voi, rau chay...Tất cả các thứ rau lộn xộn đó được rửa sạch sẽ rồi mang nấu chung vào một nồi, kết quả là có được món canh rau tập tàng ngon ngọt đến khó quên, mặc dù khi nấu chỉ nêm chút muối, chút bột ngọt, sang hơn thì vài con tôm khô giã mềm, hoặc vài con tép bạc, chút hành, chút tiêu xay. Nếu có vài con cua đồng giã lấy nước thì bát canh rau tập tàng càng ngon tuyệt.

rau-tap-tang-1

Để được gọi là canh rau tập tàng thì trong nồi canh phải có ít nhất 3 - 4 loại rau trở lên, mà nhất thiết phải toàn là rau dại mọc tự nhiên. Cũng có khi canh rau tập tàng là sự kết hợp của mấy thứ rau ấy, cộng với vài lá bầu, lá mướp non vò nát, rau má, bồ ngót, hay thêm mấy bông hoa bí, hoa thiên lý... Càng có nhiều thứ rau nấu lẫn thì nồi canh càng ngon ngọt.

Canh rau tập tàng nghe có vẻ đơn giản nhưng không phải ai nấu cũng ngon, mà phải có một chút “bí quyết” nho nhỏ, nếu không canh có thể bị quá mặn hoặc quá nhạt; đôi khi rau lại quá nồng, ăn mất ngon. Để có món canh rau tập tàng ngon thì lúc nấu phải liệu độ nêm nếm sao cho khéo để canh ăn vừa miệng, không có mỡ, dầu. Khi nước sôi, bỏ rau vào nấu phải đun lửa to để rau không bị vàng úa, mà luôn giữ màu xanh non bắt mắt.

Phân tích thành phần dinh dưỡng của các loại rau tập tàng thấy có chứa rất nhiều vitamin như A, C, E, canxi, chất xơ… giúp cho cơ thể bài trừ được lượng mỡ thừa, hạn chế khả năng tích tụ mỡ, cân bằng trọng lượng cho cơ thể.

Do đó, ăn rau tập tàng vô tình chúng ta bổ sung nhóm thức ăn thứ tư trong 4 ô vuông thức ăn là chất bột đường, chất béo, chất đạm, muối khoáng, xơ và vitamin, một cách hợp lý vào khẩu phần ăn.

Cách nấu canh rau tập tàng ngon đúng điệu

Tập tàng là tập hợp nhiều loại rau khác nhau, người nấu phải biết loại nào chín nhanh, loại nào lâu chín để chọn đúng thời điểm cho vào nồi, khi nấu xong nước và rau chín đều, hòa quyện.

Cách nấu không có gì phức tạp. Các loại rau rửa sạch, để ráo nước. Tôm, tép, cua đồng vừa bắt về đem rửa sạch, bóc vỏ, ướp với nước mắm, hành, tiêu cho thấm.

rau-tap-tang-2

Phi thơm hành, cho một ít ớt vào cho có màu, sau đó cho tôm đã ướp thấm vào xào đảo (tao) qua, tiếp đến thêm một ít nước ruốc (mắm ruốc ủ chín lâu ngày, lấy ra một ít cho vào bát, đổ nước lã vào đánh tan, lọc lấy nước, chừa cặn lại) đổ vô xào độ hai hoặc ba phút, rồi cho thêm nước lạnh vào tùy theo lượng rau, đun sôi đều với lửa vừa phải để tránh nước sôi ở độ cao quá sẽ làm nước đục.

Nước sôi, cho lần lượt các loại rau vào tùy theo độ mềm của rau: trước tiên là bồ ngót, tiếp đến có thể là rau lang, rau má, mồng tơi, mã đề...

Khi các loại rau trên vừa chín tới thì cho tiếp lá lốt, rau sam, ngò tàu... trộn nhẹ để tất cả loại rau đều vừa chín tới.

Canh rau tập tàng có thể ăn nóng hay nguội với cơm, thịt kho, mắm kho quẹt rất hợp khẩu vị, nếu có thêm tí “cay” thì không gì bằng.

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.com.vn copy link