Theo quy định, lương cơ bản là mức lương do người sử dụng lao động thỏa thuận với người lao động được ghi cụ thể trên hợp đồng lao động. Mức lương cơ bản tùy thuộc vào tính chất, yêu cầu của từng công việc cụ thể không bao gồm: tiền thưởng, phụ cấp, phúc lợi. Thông thường lương cơ bản không có chu kỳ thay đổi mà nó tăng theo sự thỏa thuận giữa doanh nghiệp và người lao động.
Do đó, có thể hiểu rằng lương cơ bản là lương thấp nhất mà người lao động làm việc tại một vị trí nhận được và không tính những khoản phụ cấp, hỗ trợ. Lương cơ bản hiện nay sẽ được chia ra thành 2 nhóm đối tượng như sau:
1. Đối với cán bộ, công chức, viên chức
Lương cơ bản của cán bộ, công chức, viên chức chính là tích của lương cơ sở và hệ số lương được hưởng như sau:
Lương cơ bản = lương cơ sở x hệ số lương
Mức lương cơ sở được quy định ở Điều 3 Nghị định 38/2019/NĐ-CP dùng làm căn cứ:
+ Tính mức lương trong các bảng lương, mức phụ cấp và thực hiện các chế độ khác theo quy định của pháp luật đối với các đối tượng quy định tại Điều 2 Nghị định này;
+ Tính mức hoạt động phí, sinh hoạt phí theo quy định của pháp luật;
+ Tính các khoản trích và các chế độ được hưởng theo mức lương cơ sở.
Từ ngày 1.7.2019, mức lương cơ sở là 1.490.000 đồng/tháng và hàng năm Chính phủ trình Quốc hội xem xét điều chỉnh mức lương cơ sở phù hợp khả năng ngân sách nhà nước, chỉ số giá tiêu dùng và tốc độ tăng trưởng kinh tế của đất nước.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh covid 19, hiện nay, mức lương cơ sở hiện nay của cán bộ, công chức, viên chức vẫn đang giữ nguyên là 1.490.000 đồng mỗi tháng và hệ số lương của cán bộ, công chức, viên chức được thực hiện theo quy định tại Nghị định 204/2004/NĐ-CP.
2. Đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động cho các doanh nghiệp, cá nhân
Lương cơ bản của người lao động làm việc cho doanh nghiệp, cá nhân sẽ là mức lương được thỏa thuận trong hợp đồng lao động, chưa bao gồm phụ cấp, các khoản chi phí hỗ trợ. Như vậy có nghĩa là lương cơ bản không phải lương thực nhận của người lao động và phải được đảm bảo là không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng. Với những cá nhân lao động đã qua học nghề thì phải được cộng thêm 7% lương tối thiểu nữa.
Lương tối thiểu vùng là mức lương thấp nhất mà người sử dụng lao động phải trả cho người lao động nhằm đảm bảo mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình tại khu vực mà họ sinh sống, làm việc. Còn lương cơ bản là lương trong hợp đồng lao động và do các bên thỏa thuận với nhau. Chính vì thế, lương cơ bản sẽ có mức thấp nhất là bằng mức lương tối thiểu vùng.
Mức lương tối thiểu vùng hiện nay đã thay đổi theo Điều 3 Nghị định 38/2022/NĐ-CP như sau:
+ Vùng I: Mức lương tối thiểu theo tháng là 4.680.000 đồng/tháng, mức lương tối thiểu theo giờ là 22.500 đồng/giờ.
+ Vùng II: Mức lương tối thiểu theo tháng là 4.160.000 đồng/tháng, mức lương tối thiểu theo giờ là 20.000 đồng/giờ.
+ Vùng III: Mức lương tối thiểu theo tháng là 3.640.000 đồng/tháng, mức lương tối thiểu theo giờ là 17.500 đồng/giờ.
+ Vùng IV: Mức lương tối thiểu theo tháng là 3.250.000 đồng/tháng, mức lương tối thiểu theo giờ là 15.600 đồng/giờ.
Như vậy, mức lương cơ bản của người lao động làm theo hợp đồng lao động với doanh nghiệp, cá nhân thì sẽ từ 4.680.000 đồng/tháng trở lên ở vùng I; 4.160.000 đồng/tháng trở lên ở vùng II; 3.640.000 đồng/tháng trở lên ở vùng III; 3.250.000 đồng/tháng trở lên ở vùng IV.