Anh Raj Pratap cạnh Raju - chú bò với chiếc chân màu nhiệm thứ năm.
Chú bò Raju (3 tuổi) của ông Raj Pratap ở vùng Raipur, Ấn Độ sinh ra đã có 5 chân. Đây là trường hợp hiếm gặp, trong 5 triệu con bò mới có một con bị đột biến như vậy.
Nhưng chú bò đực có tên Raju chỉ thực sự trở nên nổi tiếng ở thành phố Raipur, bang Chhattisgarh, Ấn Độ kể từ khi một người phụ nữ vốn có bốn cô con gái sau khi chạm vào chiếc móng guốc thứ năm của chú bò này và cầu xin một đứa con trai, đã được toại nguyện. Và vào tháng 2/2013, người phụ nữ này sinh đôi được hai cậu con trai, và lời đồn thổi nhanh chóng lan xa rằng chiếc chân thứ năm của chú bò mang lại “may mắn”.
Ngay sau đó, tin tức này được lan truyền khắp vùng. Chú bò Raju bỗng chốc trở nên nổi tiếng. Hàng ngày, ông Raj Pratap phải tiếp đón rất nhiều người hiếu kỳ đến xem chú bò. Đã có 30 phụ nữ mang thai, mỗi người trả 500 rupees (khoảng 165.000 đồng) để được chạm tay vào chú bò. Điều đáng kinh ngạc là tất cả 30 người phụ nữ trên đều đã sinh con trai.
Chú bò Raju với chiếc chân thứ năm mang lại “may mắn”.
Ngày 23/12 vừa qua, bé trai thứ 33 đã chào đời nhờ "phép màu" từ chiếc móng guốc thần kỳ. Vì vậy, Raj Pratap tự tin khẳng định ông sẽ trả lại tiền cho người phụ nữ nào chạm tay vào Raju mà vẫn sinh con gái.
"Tôi không biết tại sao điều này lại xảy ra nhưng Raju là một một món quà và tôi muốn chia sẻ với cả thế giới. Tôi mong muốn một ngày nào đó có thể đưa Raju tới Châu Âu và Mỹ để giúp các cặp vợ chồng có được hạnh phúc này" - Ông Raj Pratap chia sẻ.
Ở Ấn Độ, con trai được coi trọng hơn con gái bởi vì con trai có “tiềm năng kiếm ra tiền” để hỗ trợ gia đình hơn. Một người phụ nữ đã được toại nguyện sau khi chạm tay vào chú bò nói: “Đây là một món quà của thần linh, chạm vào chiếc chân thứ năm của Raju đã giúp tôi có một cậu con trai. Cả gia đình tôi vô cùng hạnh phúc vì giờ tôi đã sinh được một thằng cu kháu khỉnh”.
Theo tín ngưỡng Hindu giáo, bò được xem là loài vật linh thiêng. Những người mộ đạo tin rằng một trong những vị thần quan trọng của họ, thần Krishna, là thần trông giữ đàn gia súc.
Chính vì vậy, trên khắp Ấn Độ, bò được đi lại thong dong trên các con đường ở các thị trấn, thành phố. Việc đuổi chúng đi là hành vi bị cấm ngay cả khi chúng gây tắc nghẽn giao thông.