Mẹ ơi, đừng bỏ con mà đi lấy chồng!

07:25, Thứ sáu 30/05/2014

( PHUNUTODAY ) - Hạnh phúc sẽ đến nếu bạn kiên nhẫn chờ đợi và không ngừng làm cầu nối để gắn kết trái tim người chồng mới với đứa con chồng cũ. Nhưng trước mắt mẹ đừng nên làm tổn thương tâm hồn vốn mong manh dễ vỡ của trẻ.

Mô tả ảnh.

Con không cho mẹ... đi bước nữa

Chồng tôi mất cách đây 4 năm sau một tai nạn giao thông. Từ đó tôi một mình nuôi dưỡng cô con gái lúc ấy 6 tuổi, mặc cho nhiều người đàn ông vẫn có ý với mình. Dù không có bố nhưng con tôi được lo lắng đầy đủ cả tinh thần lẫn vật chất. Rồi nhiều người bảo tôi, nhà không có đàn ông thì không vững. Sau nhiều lần suy nghĩ, tôi (39 tuổi) cũng thử mở lòng cho một người đàn ông đã theo đuổi mình bấy lâu rất bền bỉ. Được hơn 1 năm, tôi và anh quyết định tiến đến hôn nhân. Nhưng khi giới thiệu anh với con, anh nói đùa: “Sau này chú làm bố con nhé!” thì con tôi lắc đầu nguầy nguậy và tránh xa anh không nói chuyện. Tối về con bảo với tôi: “Con không thích chú đó làm bố con đâu”. Giờ tôi phải làm sao để bé chấp nhận anh?

Ngày xưa ông bà ta hay có lời ru: “Trời mưa bong bóng phập phồng/ Mẹ đi lấy chồng con ở với ai?”. Nghe câu hát đó ai chẳng nhói lòng. Người vợ không có chồng như cánh cò một mình mòn mỏi giữa trời xanh để lo toan cho cuộc sống những cò con. Thật khó khăn để vượt qua với sự cô đơn kéo dài. Đi thêm bước nữa để có người kề cận lúc tối lửa tắt đèn, lúc ốm đau bệnh tật thì cũng nên thôi.

Nhưng liệu rồi “cò mẹ” có thể chọn lấy được “cò chồng” dám chấp nhận sự tồn tại và yêu thương những đứa con của cò mẹ như chính con của mình? Cò mẹ khoan vội lo lắng con mình có đồng ý cho mình đến với cò chồng khác không mà trước tiến phải xác định được con cò mình đang nhắm đến có phù hợp với hoàn cảnh của mình.

Góc rối mà bạn đang vướng phải đang là vấn đề phổ biến của ngày hôm nay, khi ly hôn dường như là trào lưu, phụ nữ chủ động hơn trong cuộc sống, họ có thể làm bà mẹ đơn thân hoặc tiến đến với bất cứ người đàn ông nào họ muốn. Và lẽ dĩ nhiên, một người mẹ thương con như bạn sẽ thường chú ý đến cảm xúc của con khi chọn đối tượng cho mình.

Điều quan trọng bạn cần xác định ở đây nữa, con bạn thuộc độ tuổi nào? Bé đã đủ trưởng thành để nhận biết sự thiệt thòi của mẹ khi không có bố bên cạnh chưa? Hay những ngăn đoán của con chỉ là sự trẻ con ngây ngô như đứa trẻ khăng khăng muốn giữ món đồ chơi của mình mà chẳng nhường cho ai chơi cùng?

Nếu con đã trưởng thành thực sự, hiểu biết nhiều chắc sẽ không hề lạ lẫm gì về việc người phụ nữ luôn cần một người đàn ông yêu thương và chăm lo. Con không thể ích kỷ sở hữu mẹ cho riêng mình, trong khi sau đó con có thể lấy chồng, lấy vợ, còn mẹ thì vẫn mãi cô đơn. Chắc chắn con sẽ không thể tối ngày bên cạnh mẹ khi con cũng phải chăm sóc gia đình nhỏ của mình.

Còn nếu con vẫn quá bé, chưa đủ nhận thức về sự thiếu tình cảm của một người đàn ông ở mẹ, hay chưa có một sự công tâm hơn về mối quan hệ của mẹ, những lời nói kiểu như: “Con không thích chú ấy làm bố”, “con chỉ có một người bố thôi”... mẹ chẳng cần phải xoắn lên lo lắng, vì đó có thể là những lời nói bản năng mà bất cứ đứa trẻ nào cũng sẽ như vậy khi ai đó muốn “giành” mẹ của bé.

Với trường hợp này, mẹ nên là cầu nối và thiết kế sao cho mối quan hệ giữa con mình và người đàn ông mình muốn lấy làm chồng ngày càng khắng khít hơn. Sự khéo léo của mẹ, sự cởi mở, thân thiện và mến trẻ của người đàn ông đó sẽ khiến con cảm thấy yên tâm hơn. Rằng gia đình mình đang có thêm tình cảm, bé có thêm người yêu thương mình, chứ không phải giành giật mẹ với mình.

Đừng tách rời con ra khỏi những cuộc chơi của hai người. Không gian riêng của hai người có thể là nơi khác, nhưng khi có con ở cùng tuyệt đối không được tạo sự xa cách, cô lập...

Nếu làm như vậy có quá mất thời gian không! Con bé nhà tôi mới 8 tuổi, nhưng rất bướng bỉnh và khó thuyết phục. Thật ra trẻ con chỉ là trẻ con, chưa có suy nghĩ chín chắn về vấn đề hôn nhân và gia đình. Liệu tôi có thể cứ lấy anh về, rồi dần dần hóa giải mối bất hòa giữa hai người được không?

Tôi có một người bạn, chồng cô mất khi con gái cô được 3 tuổi. Lúc đó, đứa trẻ cứ mãi khóc nhớ cha nên cô bảo với con rằng: “Cha đi công tác xa nhà một thời gian, rồi một ngày cha sẽ về chơi với con”. Đứa con gái nuôi hoài hy vọng ngày cha trở về nên vẫn tiếp tục vui vẻ, sống bên mẹ hạnh phúc. Nhưng trong suy nghĩ, cô bé vẫn tin rằng một ngày đẹp trời, cha cô sẽ mở cửa nhà và chạy đến nhấc bổng cô lên như ký ức về ông còn đọng lại trong cô.

Cô bé lên 12 tuổi, bạn tôi quyết định đi bước nữa, nhưng đứa con gái nhỏ nhất quyết không chịu người đàn ông đó đến gần mình. Cô bé luôn thét lên “Con đợi cha con về. Chú này không phải cha con” khiến người lớn vô cùng khó xử. Tuy vậy, bạn tôi vẫn quyết định kết hôn. Và đứa con gái dĩ nhiên không ưa người cha mới, cô bé lúc nào cũng sống trong sự căm ghét, đối kháng và không phục tùng. Càng lớn, cô bé càng cách xa mẹ vì nghĩ mẹ đã phản bội cha, phản bội mình và không bao giờ nói chuyện quá hai câu với người bố mới trừ những trường hợp cần thiết. Cô bé lớn lên như một cái bóng đơn độc, buồn bã. Điều này khiến cả gia đình bạn tôi căng thẳng và không hề hạnh phúc.

Quay lại câu chuyện của bạn. Nếu bạn vẫn khăng khăng làm theo ý mình và bỏ mặc mong muốn của con thì kịch bản trên có lặp lại ở gia đình bạn? Bạn không nên để mọi việc xong rồi mới ép con mình phải chấp nhận sự thật. Như vậy, dễ tạo nên trong lòng con bạn sự ức chế và nảy sinh đối kháng.

Nếu bạn muốn chắc chắn để có một gia đình hạnh phúc thì nên kiên nhẫn thực hiện từng bước. Mọi thứ chẳng bao giờ muộn màng. Bạn vẫn có thể ở cạnh người đàn ông đó trong suốt quá trình thuyết phục con. Hoặc nếu bạn thấy mình không thể làm thì có thể nhờ một người khác hoàn toàn mà bạn chắc rằng con mình sẽ nghe theo.

chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link