Chị Lê Huỳnh Anh Thư ngụ ở Trần Bình Trọng, Phường 4, quận 5, TP.HCM. Trước đó, mẹ chồng chị có tiếp xúc với hàng xóm vài phút để hỏi thăm người ốm, sau đó bà bị ho, mệt mỏi. Người nói chuyện với bà được xác định F0, chị Thư có linh tính chẳng lành.
Ngày 30/7, chị Thư và mẹ lên phường lấy mẫu xét nghiệm test nhanh. Về nhà vừa thay đồ, tắm giặt khử khuẩn rồi mới gặp các con thì chị Thư nhận được thông báo của y tế phường thông báo chị và mẹ đã dương tính, lên phường làm xét nghiệm PCR. Hai mẹ con chị Thư vội vàng lên phường lấy mẫu, kết quả PCR khẳng định dương tính với Covid-19.
Chị xin y tế phường cho cả nhà nhập viện vì mẹ chị nhiều tuổi, bà bị ho sốt từ 4,5 ngày trước nên khá mệt.
Mấy đứa trẻ cũng ho, sốt như cảm cúm thông thường. Chị Thư lo lắng hi vọng những đứa trẻ chưa lây nhiễm. Chị xin lấy mẫu cho 5 đứa trẻ. Kết quả, cả 5 cháu cũng dương tính.
Cả nhà chị Thư được được đi cách ly tại Quận 2 và được phân về 1 phòng, đó là chung cư mới chưa có người ở. Đi cách ly với 5 đứa trẻ và mẹ già khiến chị Thư không cho phép mình mệt mỏi. Chị chăm mẹ, chăm con, gần như không có phút nghỉ ngơi. Một bé nặng nhất sốt, ho liên tục, 4 bé còn lại chỉ nóng sốt nhẹ.
Chị cứ quay cuồng với những người ốm, chỉ cảm nhận bản thân mình cũng mệt, mất khứu giác nhưng chị tự nhủ phải cố gắng.
Bà nội bọn chị vẫn mệt, rồi bà bị tụt oxy máu và phải đưa xuống tầng cấp cứu.Dù mẹ được đưa xuống lầu cấp cứu nhưng đến ngày 5/8 bà đã ra đi mãi mãi. Nhận tin đó, chị Thư hụt hẫng, rối bời. "Tôi chỉ biết khóc thương mẹ vì không nghĩ mẹ mình lại ra đi nhanh như vậy. Bình thường bà tập thể dục, ăn uống khoa học. Dù hơn 70 tuổi nhưng bà rất khoẻ vậy nhưng vẫn không qua được khi mắc Covid-19".
Mẹ chồng mất, chị Thư giấu các con. Bọn trẻ yêu thương nội vì bà là người đã chăm sóc chúng từ ngày còn trong bụng mẹ. Nếu biết bà mất chúng sẽ buồn và ảnh hưởng tới quá trình điều trị. Thấy mẹ khóc, đứa nào cũng hỏi "mẹ làm sao thế". Chúng luôn hỏi xem bà dưới phòng cấp cứu như thế nào. Ngày nào chúng cũng luôn nhắc tới bà nội.
Khi trên lầu nhìn xuống xem ca nhạc dưới sân, đứa nào cũng nói "nội có xem không nhỉ?".
Chị Thư cố giấu nước mắt vào lòng để bản thân chị cùng với các con vượt qua những ngày khó khăn. Những triệu chứng mệt mỏi, mất khứu giác, vị giác ăn uống chẳng biết ngon nhưng chị vẫn cố gắng ăn, cho các con ăn vì phải ăn mới có dinh dưỡng vượt qua. Chăm 1 đứa trẻ đã mệt, chị chăm 5 đứa. Hành lý mang đi cách ly chỉ là quần áo với sữa cho con.
Đến 11/8, chị Thư nhận được giấy thông báo ra viện nhưng vẫn còn 1 bé dương tính. Chị Thư lại xin ở lại để chờ bé âm tính thì 6 mẹ con mới về. Đến ngày 14/8, bé đã âm tính nên được ra viện. Cả nhà chị Thư mừng tủi xếp dọn đồ đạc về nhà.
Ngày về nhà không còn trọn vẹn vì thiếu nội. Bọn trẻ nhỏ luôn miệng hỏi mẹ "nội đâu mẹ, sao nội không về cùng mẹ con mình, đi 7 người phải về 7 người mới vui". Chị đành nói dối con lần nữa "nội về nhà trước rồi giờ mình về với nội".
Chồng chị Thư làm nghề lái xe taxi, trước khi gia đình nhiễm Covid-19 anh ở ngoài chung cư (căn hộ chung cơ ở Bình Tân do công ty của chồng tặng gia đình) nên anh không nhiễm Covid-19. Anh ở bên ngoài thu xếp hậu sự cho mẹ.
"Khi các con về, mở cửa nhìn thấy di ảnh nội, đứa nào đứa ấy oà lên khóc vì trách mẹ nói dối. Tôi phải nén lòng dỗ dành các con, giải thích vì sao mẹ phải nói dối để chúng hiểu mà nén lại nỗi đau buồn"– chị Thư chia sẻ.
Bình thường, mẹ chồng hỗ trợ chị Thư chăm sóc trẻ, bây giờ bà không còn chị Thư lại xoay vần với chúng. Chồng chị hiện đang ở nhà phụ vợ chăm 5 đứa trẻ. Bà mẹ sinh 5 con một lần chia sẻ chị mong rằng mọi người hãy biết sợ dịch bệnh bởi vì nó không phải là cảm cúm như ai đó đang nghĩ. Trước khi Covid-19 chưa "quét" qua nhà, chị Thư cũng từng nghĩ như vậy. Đến hiện tại khi đã tận mắt chứng kiến và trải qua sự thảm khốc của dịch bệnh, chị tự răn mình không bao giờ được phép chủ quan.