Trước Tết, các bà nội trợ bận rộn với việc chuẩn bị thực phẩm cho đầy tủ lạnh bao nhiêu thì sau Tết lại lo lắng tìm mọi cách để xử lý những thức ăn thừa bấy nhiêu vì “bỏ đi thì tiếc mà để lại cũng không xong”. Vì thế, khâu gìn giữ và gói ghém thức ăn đồ uống là một kỹ năng cần thiết đối với chị em phụ nữ trong một gia đình.
Nếu thiếu kinh nghiệm trong việc bảo quản thực phẩm sau những ngày Tết thì dễ làm cho thực phẩm mau hư hỏng và nếu dùng thì ảnh hưởng đến sức khỏe do bệnh tật gây ra.
Cách bảo quản thực phẩm sau tết
- Với các món nhắm như giò, chả, xúc xích, thịt nguội… còn thừa khi đãi khách, hôm sau bạn có thể làm món bánh mì kẹp. Tất nhiên hãy thêm ít cà chua, dưa chuột, bánh mì sandwich, rau diếp… món ăn được làm mới sẽ ngon hơn rất nhiều.
- Thịt các loại, hay rau củ còn thừa bạn có thể tận dụng để nấu canh, món hành hoặc cắt nhỏ thêm các loại rau cần thiết khác để nấu món súp, cháo để ăn sáng, ăn nhẹ vào bữa tối… vẫn ngon miệng mà cảm giác về món mới hoàn toàn khác.
- Thịt lợn, thịt bò không ăn hết, bạn có thể loại bỏ mỡ, da dễ gây ngấy, xay nhỏ để làm món xào hoặc nhồi đậu phụ, mướp đắng, dưa chuột hay làm nhân bánh…
- Nếu ngày tết nhà bạn có món cá rán, thay vì phải rán đi rán lại nhiều lần mà không ai cầm đũa, bạn hãy thêm ít cà rốt, mộc nhĩ, ớt ngọt… tất cả thái chỉ om cùng cá, nhớ nêm thêm chút xì dầu, phi tỏi để món cá sốt thơm ngon hơn.
- Khi trẻ ngán ăn các món quen thuộc, bạn có thể biến tấu để tạo cảm giác mới lạ. Như thêm vừng rang vào thịt xông khói rồi dùng rau xà lách cuộn lại. Thức ăn thừa thêm ít nấm, hành tây… xào lại hoặc dùng nấu bún, nấu mì quảng, mì tôm thậm chí là kết hợp cùng nhiều loại rau, lạc rang, dấm, chanh, ớt tỏi… để làm món nộm thập cẩm.