Khi một gia đình đang có 2 vợ chồng bỗng dưng thêm một em bé tất nhiên sẽ tăng chi phí là đương nhiên. Thậm chí chi tiêu ăn uông tã bỉm, quần áo, đồ dùng cho bé hơn cả một người lớn thông thường. Hơn nữa với tâm lý thương con nên nhiều cha mẹ có thể tiết kiệm chi phí cho bản thân nhưng lại không muốn tiết kiệm đồ mua cho con, sợ con tủi thân con thiệt thòi.
Tuy nhiên hãy nhìn lại trong thời buổi khó khăn, có những thứ dành cho con trẻ, bạn hoàn toàn không cần mua sắm, vẫn có thể tiết kiệm được.
Hãy học những cách tiết kiệm để đừng lấy con là cái cớ túng thiếu của bản thân rồi sau lại suốt ngày ca thán với con rằng vì con mà bố mẹ tốn kém
Cách 1: Lập kế hoạch ngân sách
Lập kế hoạch chi tiêu sẽ giúp bạn nhìn rõ hơn những khoản cần chi và những khoản có thể tiết kiệm cắt bỏ. Do đó hãy làm rõ thu nhập và khoản chi phí cố định, đó là những khoản bắt buộc như điện nước, thuê nhà, tiền thức ăn, chi phí dịch vụ cho chung cư...Khi đã có kế hoạch này bạn sẽ có cách điều chỉnh dựa trên thực tế gia đình xem thứ gì cắt bỏ được thì cắt bỏ.
Cách 2: Không phải mọi thứ cho con nhà khác cần nhà bạn cũng cần
Bạn hoàn toàn có thể tham khảo việc mua sắm của nhà khác cho con từ sữa, bỉm, nôi, cũi, đồ chơi... Thế nhưng với con bạn bạn hoàn toàn có thể đi theo một hướng khác. Có những thứ có thể xin dùng lại từ người quen mà không ảnh hưởng tới việc nuôi con, ví như đồ sơ sinh ngày nay nhiều mẹ đi trước dùng đồ sơ sinh rất mới, mà trẻ nhỏ thì hay phải thay nên không nhất thiết phải mua sắm mới hoàn toàn. Những đồ dùng của bé cũng có thể sáng tạo từ đồ dùng của bố mẹ, ví như thay vì mua tổ cho bé, bạn có thể dùng chăn khăn mỏng cuốn lại, đỡ chật nhà vì nhiều đồ lại đỡ phải chi phí, chiếc gối cho bé có thể gấp từ khăn bông... Có rất nhiều thứ nhà khác dùng nhưng nhà bạn có thể không cần.
Cách 3: Nhớ luôn so sánh khi mua hàng
So sánh giá cả, so sánh chức năng, loại hàng để đưa ra quyết định hợp lý nhất với tài chính và nhu cầu công năng sử dụng một món đồ. Thói quen này giúp bạn có quyết định hợp lý hơn khi mua sắm. Ngoài ra, bạn cũng có thể chú ý đến thông tin khuyến mãi, giảm giá và sử dụng hợp lý các phiếu giảm giá, mã giảm giá để tiết kiệm chi phí.
Cách 4: Tiêu dùng hợp lý, tránh lãng phí
Việc mua thực phẩm hay mua cho con cũng nên cần hợp lý và từ từ tránh việc mua chất đống ở đó sẽ gây lãng phí. Việc nuôi con khi chưa quen sẽ khiến bạn tốn kém là đương nhiên nhưng không có nghĩa là vì con mà bạn có quyền mua tiêu hoang phí hơn. Hãy dành cho trẻ những điều tốt đẹp nhưng đừng nhân danh vì con mà lãng phí. Ví như khi bạn cần mua đồ ăn cho trẻ, hãy mua lượng vừa phải và cho con ăn hợp lý chứ không phải cho con ăn chán thì thôi vừa không khoa học vừa tốn kém lại có thể hại sức khỏe của con.
Cách 5: Rất nhiều sản phẩm cho con có thể tự làm và không cần phải mua
Khi nuôi con bạn cần mua đồ chơi sách vở. Tuy nhiên có nhiều thứ bạn có thể tự làm thay vì đi mua. Hoặc bạn có thể sáng tạo tận dụng đồ cho con ví dụ thay vì dùng hết tã bỉm bạn có thể chuyển sang cho con dùng miếng lót, và chịu khó giặt đồ thay vì mua tã dùng một lần. Ngoài ra, có một số đồ chơi trẻ em có thể mua được ở chợ đồ cũ, thường có giá cả phải chăng hơn. Bạn mua về làm sạch chúng sẽ giúp con chơi vui mà không đắt, hơn nữa đồ chơi của trẻ nhỏ sẽ thay đổi thường xuyên theo độ tuổi trẻ nhanh chán nên không cần thiết thứ gì cũng phải mua mới.
Do đó giữa lúc kinh tế vẫn còn dự báo khó khăn, việc nuôi con sẽ khiến bạn thêm tốn kém vất vả nhưng không có nghĩa là không thể tiết kiệm. Không thể nói "nuôi con không chi không được" hãy nghĩ việc chỉ cần chi những thứ thực sự cần thiết, để dành lại một khoản tiết kiệm để chuẩn bị cho con chặng tiếp theo.