Tắm nắng bao nhiêu thì đủ?
Câu trả lời này là khác nhau với mỗi người. Nó phụ thuộc vào màu da, tuổi tác, tiền sử sức khỏe, chế độ ăn uống và nơi bạn sống. Nói chung, các nhà khoa học cho rằng phơi nắng từ 5 đến 15 phút (tối đa 30 phút nếu bạn có làn da ngăm đen) là khoảng thời gian thích hợp để tận dụng lợi ích của ánh nắng mang lại mà không gây ra bất kỳ vấn đề sức khỏe nào. Bạn có thể ở ngoài lâu hơn và đạt được hiệu quả tương tự nếu bạn sử dụng kem chống nắng.
Nên tắm nắng lúc mấy giờ là tốt nhất?
Tia UVB là tia duy nhất có khả năng tổng hợp vitamin D tốt cho sức khỏe, nên cần lựa chọn thời điểm có tia UVB nhiều nhất để tắm nắng.
Thời gian tia UVB có thể xuyên qua tầng ozone nhiều nhất là khoảng từ 9h sáng đến 4h chiều. Tuy nhiên, khoảng thời gian này trong ánh nắng có rất nhiều tia UVA có hại cho da, nhất là với làn da mỏng manh của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.
Do đó, thời điểm tốt nhất để tắm nắng là trước 9h sáng và sau 4h chiều, khi ánh nắng không quá gay gắt.
Những lưu ý khi tắm nắng cho trẻ
Để có thể tắm nắng cho bé yêu đúng cách, bạn cần tuân theo những lưu ý sau:
- Khi bé yêu khoảng 7 – 10 ngày tuổi, bạn đã có thể cho bé tắm nắng.
- Thời điểm và thời gian không tắm nắng cho trẻ: Khoảng thời gian từ 10 – 16 giờ, tia cực tím hoạt động mạnh gây tác động xấu lên da. Thời gian tắm nắng cho trẻ không quá 20 phút/lần.
- Khi cho trẻ tắm nắng, bạn cởi hết quần áo, lấy mũ che gáy, mắt và vùng sinh dục của bé nhằm tránh tác động của tia UV đến các bộ phận này.
- Trong khi bé tắm nắng, bạn hãy trò chuyện với bé, massage, vuốt ve để bé cảm thấy thoải mái. Nếu bé có nhu cầu bú mẹ trong khi tắm nắng và hai mẹ con không ở nơi công cộng, bạn cũng có thể cho bé bú.
- Tăng dần thời gian tắm nắng: Lúc đầu, bạn có thể cho bé tắm nắng chỉ vài ba phút, sau tăng dần lên 5 – 10 phút. Mục đích là để cho bé làm quen với việc này và không quấy khóc.
- Ngoài ra, việc tắm nắng cho bé cũng cần lưu ý đến yếu tố địa lý, vùng miền. Vùng nhiều nắng, thời gian tắm nắng cho trẻ ít hơn. Ví dụ: Cùng vào thời điểm là tháng 2, thời gian tắm nắng của trẻ sơ sinh ở TP. HCM ít hơn trẻ ở miền Bắc.
- Không tắm nắng cho trẻ qua cửa kính, vì kính đã cản ánh nắng mặt trời nên trẻ không hấp thu được vitamin D.
- Trẻ có làn da sậm màu cần tắm nắng lâu hơn trẻ có làn da sáng.
Sau khi tắm nắng, mẹ nên cho bé bú để bù lại lượng nước đã mất vì có thể bé bị đổ mồ hôi khi tắm nắng.Nếu sau khi tắm nắng, da bé nổi mẩn đỏ hoặc có bất kỳ dấu hiệu khác thường nào, bạn nên dừng việc tắm nắng lại để theo dõi. Đưa bé đến bác sĩ để khám nếu sau một vài ngày tình trạng da bé không thuyên giảm.