Đã có lúc anh Pó tưởng như mình khó thể sống sót khi cả tuần phải nhịn đói, chân rớm máu. Anh bảo: "Tôi cứ đoán rừng núi là gần nhà mình nên cứ thế đi, cũng chẳng hiểu sao lại đến được tận đất nước mà mình chưa từng nghe đến. Mặc dù đói khổ thật nhưng tôi không ăn trộm, ăn cắp của ai cái gì cả".
Uống nước sông, nhặt thức ăn thừa ven đường để sống
Sau khi nhận được thông tin anh Vừ Già Pó - người lưu lạc từ Hà Giang (Việt Nam) sang Pakistan trở về, PV đã tìm về thôn Lũng Lầu, xã Khâu Vai, huyện Mèo Vạc để thăm và chúc mừng sự đoàn tụ đặc biệt này. ông Nguyễn Chí Thường - Chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc (Hà Giang) cũng cho chúng tôi biết, sau khi hoàn tất các thủ tục bảo lãnh cần thiết, Vừ Già Pó (SN 1977) đã được phía bộ Nội vụ Pakistan trao trả về nước. Đúng 12h trưa 12/5, chiếc ô tô đón Pó từ Hà Nội trở về đến trụ sở UBND xã Khâu Vai, huyện Mèo Vạc.
Bước xuống ô tô, Pó lao ra ôm lấy vợ và các con khóc nức nở. Không ít người kìm nén nổi nước mắt khi chứng kiến giây phút cảm động của họ sau hai năm trời xa cách. Rất đông cán bộ xã cùng nhiều người thân, họ hàng đã chờ sẵn Pó tại trụ sở xã để cùng chia sẻ niềm vui này. Đặc biệt là có nhóm thanh niên sau khi đọc thông tin trên báo chí đã đợi Vừ Già Pó từ hôm trước tại sân bay Nội Bài (Hà Nội) để mong tận mắt gặp được anh Pó "bằng da, bằng thịt".
Vừ Già Pó vẫn khóc nghẹn trong bữa cơm chiêu đãi của chính quyền tại UBND xã Khâu Vai.
Suốt bữa cơm trưa chiêu đãi của chính quyền địa phương tại trụ sở UBND xã Khâu Vai, chị Ly Thị Lía, vợ anh Pó không cầm nổi bát cơm mà vẫn sụt sịt khóc. Mặc dù trước đó chị đã được bố trí xuống Hà Nội để đón chồng trở về nhưng đến bây giờ chị vẫn còn nghẹn ngào, xúc động. Chị Lía cho biết: "Tôi cũng không nghĩ chồng tôi thật sự trở về, nó cứ như một giấc mơ vậy. Tôi cùng các con đã chờ trong vô vọng vì không biết anh ấy sống chết thế nào. Tôi đã nghĩ rằng sẽ không bao giờ được gặp chồng mình nữa".
Mẹ vợ của Pó, nghe tin con rể sống sót trở về cũng ra tận sườn đồi sau nhà để đón. Hai mẹ con ôm chầm lấy nhau rưng rưng nước mắt. Khi được mọi người đưa về nhà, Vừ Già Pó quỳ xuống oà khóc nức nở: "Đây đúng là nhà mình thật rồi, hai người con của mình đã quá lớn, đến nỗi không thể nào nhận ra nữa. Trong thời gian lưu lạc, suốt ngày tôi vẫn mong ngóng về nhà, nghĩ một ngày nào đó mình sẽ được đoàn tụ. Nhưng hy vọng ấy ngày càng bị dập tắt khi cảnh vật, lối sống cùng ngôn ngữ những người xung quanh khác hẳn hoàn toàn".
Đối với Pó, không ngờ giấc mơ của mình trở thành hiện thực sau hai năm tưởng chừng đã bỏ mạng nơi xứ người. Theo dòng ký ức, anh Vừ Già Pó kể lại: Tháng 4/2012, do muốn thoát cảnh nghèo khó nên anh cùng một số người cùng quê nhận lời của một người đàn ông H’Mông ở xã kế bên vượt biên trái phép sang Trung Quốc lao động bất hợp pháp. Tuy nhiên, không giống như lời hứa hẹn, nơi nhóm người của anh Pó đến là một công trường. Cả nhóm phải làm việc từ tinh mơ đến tối mịt. Buổi trưa chỉ được nghỉ 30 phút, đủ thời gian đi bộ về nhà ăn trưa. ăn uống chỉ đủ để tồn tại, với hai món cơm và... muối.
Đã thế, những tên cai ở đây luôn đánh đập anh Pó và mọi người. Anh kể, có lần họ quây đánh, đạp, đá vào mặt khiến anh phải nằm bẹp hai ngày. Quá bất bình với hành động của chúng, Vừ Già Pó và những lao động khác đã tìm cách bỏ trốn nhiều lần, nhưng không thành.
Một lần, lợi dụng đêm tối, trời mưa, Pó cùng năm người nữa lại bàn nhau lên kế hoạch bỏ trốn. Lần này thì họ trốn thoát. Suốt năm ngày năm đêm lưu lạc xứ người, không tiền bạc, không giấy tờ tùy thân, họ chỉ biết lang thang, đi càng xa càng tốt. Họ uống nước sông suối, nhặt nhạnh những thứ mà người ta vứt lại bên đường để ăn cho đỡ đói. Sau đó, họ quyết định chia thành hai hướng khác nhau để tránh bị bọn chủ lao động lùng bắt. Nghĩ đến cảnh bị bóc lột sức lao động, bị đánh đập, Vừ Già Pó cứ thế đi, đi càng xa càng tốt. Mãi bây giờ trở về Pó mới biết, nhóm bạn kia lang thang được gần một tháng do kiệt sức, nằm vật vờ ở chợ nên đã bị công an địa phương bắt và mấy tháng sau trao trả cho Việt Nam. Chỉ riêng anh không hiểu sao mà đi bộ lạc sang tận Pakistan, vùng đất cách quê anh 5.800km!
Giây phút đoàn tụ trong nước mắt của gia đình anh Vừ Già Pó sau hơn 2 năm biệt tích.
"Bây giờ chỉ muốn ở với vợ, không đi đâu nữa"
Nâng cốc rượu ngô lên, Vừ Già Pó mời tôi uống cùng. Rồi anh trầm ngâm kể: "Trong suốt thời gian lưu lạc xứ người không lúc nào tôi không mong ngóng ngày về. Từ khi bỏ trốn khỏi nơi làm việc, tôi càng đi càng lạc. Trong suốt hơn một năm đó, tôi cứ nhằm hướng mặt trời mọc mà đi mong tìm được đường về nhà. Chủ yếu tôi đi đường rừng núi và vượt sông nên cũng chẳng biết mình đã đi qua những nước nào. Mãi đến khi bị bắt tôi mới được người ta cho biết đang ở tại Pakistan, nơi tôi chưa từng nghe đến".
"Trong suốt chặng đường dài, có lần tôi phải nhịn đói nhiều ngày. Ven đường ai bỏ đi thứ thức ăn nào thừa thì tôi nhặt, ai tốt bụng cho thức ăn thì tôi nhận chứ tôi không ăn trộm, ăn cắp của ai. Đến khi bị an ninh của Pakistan bắt giữ, tôi vẫn bảo với họ chỉ là đi lạc trên đường về nhà chứ không phải người xấu, không biết họ có hiểu không. Từ khi ở đó đến khi được người nhà gửi tiền sang cho tôi về nước, những người ở Pakistan vẫn đối xử tốt với tôi. Họ cho tôi ăn cơm một ngày ba bữa, họ còn mua cho tôi quần áo và mũ len nữa. Đến bây giờ khi về nhà rồi tôi mới tin mình vẫn còn sống. Thật sự tôi rất cảm ơn họ".
Qua tìm hiểu được biết, hoàn cảnh nhà Vừ Già Pó cũng nghèo khó như đa phần bà con người Mông khác sinh sống ở vùng cực bắc Tổ quốc. Vợ chồng Pó có tới năm người con, đứa lớn nhất 18 tuổi, đứa nhỏ nhất 10 tuổi. Ngày anh về, đứa con trai thứ của anh xin nghỉ học để đi đón bố còn cậu con út sau hai năm đã lớn hơn nhiều khiến anh Pó không nhận ra. Do tài sản trong nhà đã bán sạch để có tiền trả chi phí cho Vừ Già Pó về nước nên vợ chồng anh lo lắng không biết sẽ làm gì trong thời gian tới khi bò và nương rẫy không còn.
Tuy nhiên, Pó tâm sự: "Tôi sẽ kiếm việc làm ở nhà cho gần vợ, gần con chứ không dám vượt biên nữa đâu. Đói khổ thế nào thì ở bên vợ con cũng sướng hơn. ốm đau có người chăm, đêm hôm có vợ tâm sự, chia sẻ. Tôi may mắn thoát chết nên sẽ không bao giờ đánh đổi mạng sống của mình thêm một lần nữa".
Vợ bán bò và đồi nương để gom tiền đón chồng trở về Trao đổi với PV, bà Lý Thị Lan, Phó Giám đốc sở Ngoại vụ tỉnh Hà Giang, cho biết anh Pó bị lạc do vượt biên trái phép nên không thuộc diện được bảo hộ, không được hỗ trợ vé máy bay về nước. Tiền ăn ở, đi lại của anh Pó ở nước bạn đã được Đại sứ quán Việt Nam chi trả. Do vậy, để có đủ số tiền 20 triệu đồng mua vé máy bay cũng như các chi phí khác đưa chồng về nhà, chị Ly Thị Lía, vợ anh Vừ Già Pó đã phải bán con bò cùng đồi, nương, là những tài sản lớn nhất còn lại của cả gia đình. Chị Lía cũng cho biết, trước đó, chị đã bán đi mấy mảnh nương và con bê lấy 30 triệu đồng đưa cho người thân sang Trung Quốc tìm chồng nhưng không được. Hoàn cảnh gia đình chị Lía hết sức khó khăn, một mình chị nuôi năm miệng ăn, gia sản đã bán hết, không còn ruộng để trồng, bò để kéo cày. Tuy nhiên, với chị Lía và các con, sự trở về của người đàn ông trụ cột gia đình - Vừ Già Pó là quan trọng hơn cả. |