Thiếu máu cơ tim cục bộ thường được biểu hiện bởi các dấu hiệu đặc trưng như: đau thắt vùng ngực, khởi đầu đau ngực khi gắng sức, đau ở vùng giữa ngực sau xương ức, đau lan lên hàm, vai và cánh tay trái, khó thở, tim đập nhanh... Thời gian đau kéo dài khoảng 5-10 phút. Cơn đau sẽ giảm khi được nghỉ ngơi hoặc ngậm thuốc giãn mạch vành.
Những ai thường hay mắc bệnh tim do thiếu máu cục bộ?
Cơ tim thiếu máu cục bộ là một vấn đề khá phổ biến liên quan đến lão hóa. Khi có tuổi, nguy cơ thiếu máu cục bộ cơ tim tăng. Ở nam giới, nguy cơ gia tăng sau tuổi 45. Ở phụ nữ, nguy cơ gia tăng sau 55 tuổi.
Tuy nhiên, bạn có thể kiểm soát bệnh này bằng cách giảm thiểu các yếu tố nguy cơ. Hãy tham khảo bác sĩ để biết thêm thông tin chi tiết.
Những nguy cơ khiến người bệnh dễ mắc bệnh tim do thiếu máu cục bộ
Khả năng bị thiếu máu cơ tim cục bộ càng cao nếu bạn có càng nhiều yếu tố nguy cơ mắc bệnh. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là tất cả những người có yếu tố nguy cơ cao đều sẽ mắc căn bệnh này. Những yếu tố đó bao gồm:
- Bệnh đái tháo đường
- Gia đình có người mắc bệnh tim mạch
- Mỡ máu cao
- Tăng huyết áp
- Béo phì
- Lười hoạt động thể chất, thể dục thể thao
- Hút thuốc lá/ thuốc lào/ cần sa/ xì gà…
Hướng dẫn những cách xử trí khi xuất hiện cơn đau thắt ngực trong thiếu máu cơ tim
Khi có cơn đau thắt ngực, người nhà cần phải xử lý ngay. Nếu không sẽ gây tổn thương vĩnh viễn. Nên đặt người bệnh trong tư thế nửa nằm nửa ngồi cho dễ thở để máu được cung cấp đầy đủ ôxy hơn. Người bệnh tuyệt đối không được đi lại, vận động; tuyệt đối không được ăn uống, kể cả uống sữa; tuyệt đối không được xoa bóp, xúc động trong lúc này vì sẽ làm thiếu máu nặng hơn.
Không được để cơn đau kéo dài quá 30 phút ngay tại nhà, mà phải khẩn trương đưa ngay người bệnh tới cơ sở y tế gần nhất có đủ điều kiện tối thiểu như bác sỹ nội tổng quát hoặc bác sỹ tim mạch, máy ghi điện tim, tủ thuốc cấp cứu để được xác định chính xác và được xử lý chuyên khoa...