Chuyện buồn bên Nặm Chà Hạ
Đã trên tuổi 60 nhưng vợ chồng ông Vang Đình Hiệu và bà Kha Thị Duyên (bản Cặp Chạng) hàng ngày vẫn ra khe Chà Hạ đãi vàng. Hai tấm lưng còng suốt ngày phơi giữa nắng mưa, hai khuôn mặt già nua luôn cúi xuống dòng nước ngầu đục, tay chân lở loét vì nguồn nước ô nhiễm... Cặp vợ chồng già ấy cứ ngược khe Chà Hạ, từ bản Cặp Chạng, qua bản Hạt, lên tận Chà Lúm, Na Cáng để đãi vàng.
Ngày nào gặp “hên”, ông bà kiếm được vài trăm nghìn, ngày chỉ được vài chục, có ngày xui chẳng được đồng nào. Trò chuyện với chúng tôi, ông Hiệu không giấu được nỗi buồn: “Tuổi già đáng lẽ được cậy nhờ con cái nhưng vợ chồng tôi không có được cái phúc ấy. Vì sinh được 4 đứa con, 2 đứa đã chết, 1 đứa đang thụ án tù. Bây giờ lưng đã còng nhưng chúng tôi vẫn phải làm lụng để nuôi 3 đứa cháu nhỏ ăn học”.
Vợ chông ông Hiệu đãi vàng để nuôi cháu nhỏ.
Con trai cả của ông Hiệu là Vang Văn Tình đã chết vì ma túy. Khi còn sống, Tình đã có vợ và 2 con. Tình từng phải ngồi tù vì bị bắt quả tang vận chuyển và sử dụng chất ma túy. Ra tù một thời gian, Tình chết vì bệnh AIDS. Chồng mất, vợ của Tình là Lô Thị Mùn bỏ đi lấy người khác, để lại gánh nặng là 2 đứa con (1 trai năm nay học lớp 3 và 1 gái năm nay lớp 4) cho bố mẹ chồng.
Người con thứ 2 của vợ chồng ông Hiệu là Vang Văn Kháy. Kháy có vợ và 2 con. Hiện tại, Kháy đang lĩnh án tù tại Quảng Bình. Cũng giống người anh trai đã khuất, Kháy từng buôn bán và sử dụng chất ma túy. Trước lúc vào tù, Kháy bị “con ma trắng” quyến rũ, buộc phải đi cai nghiện.
Nhưng “con ma trắng” vẫn không tha, nó lại dẫn lối cho Kháy đi vào con đường tù tội. Kháy vào tù, vợ Kháy là Vi Thị Tỏi quyết định ly hôn rồi lấy người khác. Hai đứa con nhỏ của vợ chồng Kháy giờ 1 đứa theo mẹ, 1 đứa ông bà nội cưu mang.
Con gái thứ 3 của ông Hiệu đã mất cách đây gần chục năm, khi cô mới 17 tuổi. Người con trai thứ 4 là Vang Văn Tứ vừa mới lập gia đình. Hiện tại, ông Hiệu - bà Duyên sống cùng vợ chồng người con trai út và nuôi 3 đứa cháu nội. Vùng đất Yên Tĩnh vốn “chưa mưa đã lụt”, cuộc sống người dân vô cùng khó khăn.
Thời gian gần đây, khi sức lực đã sút giảm đáng kể, vợ chồng ông Hiệu không còn đủ sức phát rẫy. Không còn cách nào khác, cặp vợ chồng già ấy phải ra khe Chà Hạ đãi vàng kiếm sống để nuôi các cháu. Suốt ngày dầm mình giữa dòng nước ô nhiễm nhưng thu nhập phập phù ngày có ngày không. Điều đó đồng nghĩa với cuộc sống gia đình bữa no bữa đói. Có những ngày trời mưa liên miên không ngớt, nước dâng cao và chảy xiết, vợ chồng ông Hiệu không thể ra khe Chà Hạ đãi vàng.
Không ra đãi vàng nghĩa là không thể có tiền, không thể có cái ăn nên cả nhà phải dùng măng rừng và củ chuối trừ bữa. Ăn măng, ăn củ chuối nhiều cái bụng lại cồn cào, có khi thấy đau quằn quại. Thấy các cháu nước da xanh tái, ông bà thương rớt nước mắt nhưng không biết làm gì hơn. Chỉ mong trời tạnh mưa, con nước bớt hung dữ để ra khe đãi vàng, kiếm tiền mua cho các cháu một ít thức ăn.
Rồi ông Hiệu lại thở dài: “Ở độ tuổi như chúng tôi phải lao động cật lực, ăn uống thất thường có lẽ không thể sống thọ. Mong muốn lớn nhất của vợ chồng tôi là các cháu mau lớn và trưởng thành, trở thành người có ích cho xã hội, đừng đi vào con đường lầm lạc như bố chúng...”.
Ngôi nhà vợ chồng ông Lô Thanh Truyền (1952) và bà Vi Thị Thu (1950) cách nhà ông Hiệu không xa. Cặp vợ chồng này cũng đang phải cưu mang 1 cháu gái nhỏ đang lớp 3. Ông Truyền có 5 người con, 3 con gái đã lấy chồng, con trai cả chưa lập gia đình.
Người con trai thứ 2 sinh năm 1981 là Lô Văn Đê đã chết vì căn bệnh thế kỷ cách đây 5 năm. Theo lời bà Thu, lúc đầu Đê rất ngoan, nghe lời bố mẹ và chí thú làm ăn. Đê yêu và cưới Lô Thị Pàn- người con gái cùng bản, cuộc sống vợ chồng khá hòa thuận và yêu thương nhau. Thế rồi không hiểu bắt đầu từ khi nào, Đê bỗng dưng đổ đốn sa vào nghiện ngập, bỏ bê công việc gia đình.
Mặc cho bố mẹ can ngăn, mặc cho vợ van xin khẩn thiết nhưng Đê vẫn chạy theo đám bạn mắc nghiện, chạy theo ảo ảnh của “con ma trắng”. Trong những lần dùng chung kim tiêm, Đê bị nhiễm HIV và không bao lâu sau phải từ bỏ cuộc sống. Sau khi chồng mất, Lô Thị Pàn dựng quán tạp hóa nhỏ ở cuối bản để kiếm tiền mưu sinh và nuôi con nhỏ.
Họa vô đơn chí, chuyện đau lòng lại ập đến vào một đêm giữa năm 2011, khi Pàn bị kẻ xấu sát hại bằng cách lấy sợi dây thừng siết vào cổ. Chiều hôm sau, dân bản mới tìm thấy xác Pàn bị kẻ thủ ác dìm xuống khe Chà Hạ cùng mấy tảng đá lớn. Đêm đó, may mắn bé Lô Thị Như Bình - con gái Pàn ở với ông bà nội, nếu ở với mẹ chưa biết có thêm chuyện gì xẩy ra.
Bố mẹ mất, cháu Lô Thị Như Bình được ông bà nội cưu mang.
Vợ chồng ông Truyền phải ra sức cưu mang đứa cháu gái bé bỏng. Năm nay, Như Bình lên 9 tuổi, vóc dáng gầy gò và ánh mắt luôn đượm buồn. Khi nghe ông bà nội kể lại cái chết của bố mẹ, khóe mắt Như Bình ngấn nước.
Thu nhập chính của vợ chồng ông Truyền trông chờ vào mấy con bò. Tuổi già ập đến mang theo biết bao nhiêu bệnh tật. Ông Truyền mắc chứng đau thần kinh, chân trái luôn tê buốt, không thể leo được cầu thang, phải kê giường dưới sàn. Còn bà Thu đang mắc bệnh viêm khớp, toàn thân buốt nhức, việc đi lại hết sức khó khăn. Nhìn đứa cháu nhỏ ngồi lặng lẽ nơi góc nhà, ông Truyền nghẹn giọng: “Tội nghiệp lắm, nhiều đêm đang ngủ nó bỗng khóc thét lên và gọi mẹ. Nó là máu mủ, ruột rà nên có khó khăn, vất vả đến mấy mình cũng phải cưu mang, nuôi dạy đến nơi đến chốn. Chỉ sợ nó chưa kịp lớn, mình đã phải về với tổ tiên...”.
Không còn là chuyện hiếm
Ở bản Cặp Chạng, hoàn cảnh như gia đình ông Hiệu và ông Truyền không phải là hiếm. Ngay như gia đình Trưởng bản Quang Đại Tình cũng không tránh khỏi chuyện đau xót. Ông Tình có 3 người con, cô con gái đã yên bề gia thất. Con trai đầu là Quang Văn Dương đã chết vì bệnh AIDS, vợ Dương là Lương Thị Lễ đã lấy chồng khác và sinh được một đứa con.
Ông Quang Đại Tình và đứa cháu nhỏ.
Hai đứa con nhỏ của Dương và Lễ hiện tại vợ chồng ông Tình đang cưu mang. Con trai thứ 2 của ông Tình là Quang Văn Di đang thụ án vì tội tàng trữ, vận chuyển và sử dụng hê-rô-in. Vợ Di hiện đã bỏ đi làm ăn xa, nghe nói sang tận Trung Quốc, đứa con nhỏ đang được ông bà ngoại cưu mang.
Trao đổi với chúng tôi, thầy Nguyễn Ngọc Tuấn- Hiệu trưởng Trường THCS bán trú Yên Tĩnh cho biết: “Chúng tôi đang tiến hành thống kê những trường hợp học sinh được ông bà nội ngoại cưu mang để có sự hỗ trợ cần thiết. Con số thống kê bước đầu cho thấy đã có trên 10 trường hợp học sinh lâm vào hoàn cảnh kể trên. Nếu thống kê cả cấp mầm non và tiểu học chắc hẳn sẽ nhiều hơn nữa. Năm học này, có 2 em học sinh gặp hoàn cảnh này đã được Phòng Công thương huyện hỗ trợ học bổng 10 triệu đồng, lập sổ tiết kiệm để chi tiêu hàng tháng”.
Cũng theo lời thầy Tuấn, không chỉ ở Cặp Chạng mà tình trạng ông bà nội ngoại phải cưu mang các cháu nhỏ đang diễn ra ở hầu khắp các bản làng của xã Yên Tĩnh. Thậm chí, có những người phải cưu mang một lúc 5-7 đứa cháu nhỏ. Và chắc chắn, không riêng gì ở Yên Tĩnh mà nhiều bản làng khác của huyện Tương Dương đều đang diễn ra tình trạng này.
Nếu biết được cảnh bố mẹ già đang còng lưng để cưu mang những đứa cháu nhỏ, nếu thấy cảnh những đứa con mình nheo nhóc, đau buồn, không biết những người con của ông Hiệu, ông Truyền, ông Tình và bà Lan có kịp tỉnh ngộ? Và nếu được làm lại cuộc đời, liệu họ có đủ bản lĩnh để thoát khỏi sự quyến rũ chết người của “con ma trắng”?